Thâm nhập bãi vàng Suối Bùn

Tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Phú Yên lại nóng lên tại khu vực Suối Bùn. Cùng với tình trạng đào đãi vàng này, những cánh rừng đầu nguồn bị triệt hạ, đất bị đào xới nham nhở và nhiều hệ luỵ khác

Tan hoang nơi thâm sơn cùng cốc

Chúng tôi đã đến bãi vàng Suối Bùn, một trong những điểm khai thác vàng trái phép có quy mô lớn thuộc địa phận rừng Lồ Ô thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Vượt hàng trăm cây số, vòng qua cả lòng hồ thuỷ điện Sông Hinh và mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ lội bộ trong sình lầy ngập quá gối, len qua những cánh rừng cây bụi bủa giăng, mới có thể đến được bãi vàng Suối Bùn. Con đường dẫn vào bãi vàng này đúng với tên gọi của nó - Suối Bùn.

Theo các lực lượng làm nhiệm vụ truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép tại Suối Bùn, tình trạng khai thác vàng tại đây rộ lên khoảng 2 tháng nay. Không chỉ thu hút hàng trăm người dân thuộc các huyện Tây Hoà, Sông Hinh, Sơn Hoà vào khai thác mà còn có sự hiện diện của hàng trăm đối tượng đào vàng chuyên nghiệp đến từ Bắc Cạn, Thái Nguyên…

Mặt bằng -một trong những điểm đào vàng tại Suối Bùn

Những người đào vàng đến đây theo từng đoàn, tập kết xây dựng lán trại và ăn, ở luôn trong rừng. Sau khi xác định các địa điểm nghi có vàng, các đối tượng đào đãi vàng chặt hạ cả vạt rừng để lấy gỗ xây hầm và tạo mặt bằng đào vàng. Những hố vàng sâu hoắm, từ 10m - 30m đủ loại dày đặc trong khuôn viên khoảng trên 1km2.

Ông Lê Phụng Hoàng, một trong những người có nhiều năm làm vàng ở các bãi vàng Hòn Cồ (Eatrol), Sông Ba (Đức Bình Tây) cho biết: “Nghe bà con đồn trong này làm vàng trúng lắm nên anh em chúng tôi vào đây. Tụi tui thừa biết làm chuyện này là vi phạm pháp luật, nhưng nhà nông mùa này không có công ăn việc làm, túng quẫn đành vào đây làm kiếm ngày công. Lực lượng chức năng có đuổi thì về, không đuổi nữa thì lại vô đây làm”.

Ông Phụng Hoàng và một người chuyên đào vàng ở Buôn Thung, Đức Bình Đông mà dân đào vàng quen gọi là chú Bảy cũng không ngần ngại cho biết, giờ muốn lấy được đá có vàng thì phải tạo mặt bằng, làm lán trại, phải chặt phá cây, đào khoét vào đất mới làm được. Theo quan sát của chúng tôi, tại điểm chính bãi vàng Suối Bùn có không dưới 200 người đang ngày đêm đào vàng và riêng khu vực rừng đầu nguồn Sông Hinh, có ít nhất 3 nhóm như vậy, có nghĩa số người khai thác vàng cao điểm có đến 500 người.

Cùng với thâm nhập bãi vàng Suối Bùn, chúng tôi đã theo chân những người đào vàng len vào các bìa rừng và đến con suối nơi các đối tượng đãi vàng từ các bao đá có chứa vàng sa khoáng sau khi được xay. Một người đãi vàng chuyên nghiệp tại đây cho biết, máy đặt sâu trong rừng, nơi lòng chảo hồ thuỷ điện Sông Hinh và chỉ hoạt động vào ban đêm là chính.

Tại nơi đãi vàng, hàng trăm bao đá xay xong đang xếp la liệt bên con suối chờ đãi và nhiều người khác thì đang vét những xái vàng để phơi khô, mang về sau khi dân đãi vàng đã làm lần thứ nhất. Chính những nhóm đào, đãi vàng này đã phá tan tành cánh rừng Lô Ô, thuộc phạm vi Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh.

Đào vàng suối bùn, từ thô sơ đến chuyên nghiệp

Nếu như những người đào vàng không chuyên, chủ  yếu là dân lao động ở các huyện Tây Hoà, Sông Hinh (Phú Yên), đào vàng theo phương pháp thủ công bằng xà beng, cuốc xẻng thô sơ, mỗi ngày kiếm một vài bao đá, thì lực lượng đào vàng chuyên nghiệp lại có các hình thức đào đãi vàng chuyên nghiệp hơn. Không những thế, lực lượng đào vàng ở các tỉnh phía Bắc vào còn có thừa kinh nghiệm lẩn tránh lực lượng chức năng và rất dữ dằn khi bị trấn áp.

Làm hầm mới

Một thợ đào vàng chuyên nghiệp sinh năm 1989, nhưng đã có thâm niên 3 năm đào vàng đến từ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ở quê tôi, sống bằng nghề đào vàng là chính, cả gia đình tôi có tất cả 10 anh em vào đây hơn 1 tháng nay. Có hầm cũng đào được nhưng có hầm cũng chỉ để kiếm tiền công một ngày vài trăm nghìn”.

Khi thị sát tại các điểm đào vàng, chúng tôi chứng kiến dân đào vàng ở các tỉnh phía Bắc xây dựng những hầm vàng có quy mô lớn, được kiên cố bằng cây rừng và có hầm sâu đến cả trăm mét được thiết kế những tay quay để đưa vàng sa khoáng từ lòng đất lên. Trong đó hầm vàng của một tay đào chuyên nghiệp tên là Hải Robe có ngày kiếm được 5 triệu đồng.

Dân đào vàng tại Suối Bùn còn kháo nhau, Hải Robe đã thu được khoảng 50 triệu đồng từ khi khui hầm vàng này đến nay. Những lời đồn cứ lang đi khắp nơi và Suối Bùn cứ thế thu hút dân đào vàng đến đây ngày một nhiều.

Truy quét đào đãi vàng, hiệu quả tới đâu?

Trước tình trạng khai thác vàng sa khoáng phát triển mạnh ở khu vực Suối Bùn, ngày 14/10, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại đã ký Quyết định 2323/QĐ-UBND thành lập tổ truy quét vàng sa khoáng Suối Bùn với 6 thành viên do ông Ksor Phan, huyện đội Sông Hinh làm tổ trưởng, công an và kiểm lâm viên thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh làm tổ viên. Nhiệm vụ của tổ là truy quét, chốt chặn và tiến đến ngăn chặn tình trạng khai thác vàng tại Suối Bùn, góp phần bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn Sông Hinh.

Ông Nguyễn Đức Khiêm, tổ viên tổ truy quét cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ của huyện giao, mỗi ngày chúng tôi đều phân công anh em vào hiện trường để xua đuổi các đối tượng đào đãi vàng và tiến hành chốt chặn tại chốt để không cho các đối tượng vận chuyển vàng sa khoáng ra khỏi khu vực này. Ngoài ra từ khi thành lập tổ, chúng tôi đã tổ chức 2 đợt truy quét quy mô lớn và đốt lán trại của dân đào vàng, nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Các đối tượng hoạt động chủ yếu về ban đêm, phân công người canh giữ ở các cửa vào, khi phát hiện có lực lượng chức năng là thông báo và lẩn sâu vào rừng”.

Với lực lượng làm nhiệm vụ quá mỏng, địa bàn lại rộng, khi lực lượng chức năng truy quét thì dân đào vàng lẩn sâu vào rừng, khi yên thì lại trở lại đào bới, lại xay đá, lại đào, đãi.

Những cánh rừng đầu nguồn thuỷ điện Sông Hinh tiếp tục bị tàn phá, mặt bằng các cánh rừng tiếp tục bị biến dạng và nguồn tài nguyên khoáng sản vàng sa khoáng tại Suối Bùn tiếp tục bị khai thác trái phép mà chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên