Thày giáo và học sinh tật nguyền

Tưởng như “cánh cửa cuộc đời” đã khép lại đối với những con người có số phận không may mắn, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, họ đã chiến thắng…

Vượt qua nỗi đau

Chúng tôi tìm về Đông Sơn vào một buổi chiều cuối thu - khi người nông dân nơi đây đang tất bật bước vào mùa thu hoạch lúa. Nụ cười rạng ngời hiển hiện trên từng khuôn mặt của người dân được mùa. Chiều về, làng quê yên ả trở nên nhộn nhịp hơn, từng đoàn xe kéo hối hả chở lúa về sân.

Hỏi thăm chuyện hai thầy trò khuyết tật đã vượt lên nỗi đau của số phận. Từ những cụ già đến em nhỏ trong ngoài xã không ai là không biết. Cả 2 thầy trò tật nguyền đều sống ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Em Lê Thị Thắm SN 1998, ngay từ khi sinh ra đã không có đôi tay. Nhưng trong suốt 5 năm liền là học sinh giỏi của trường Tiểu học Đông Thịnh. Và thầy Lê Hữu Tuấn SN 1982, bị mất cả 2 chân từ năm lên 9 tuổi, nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã trở thành một người thầy giáo mẫu mực.

Trong căn nhà hai tầng khang trang, thầy Tuấn vừa rót trà mời khách vừa kể về những tháng ngày khó khăn, vô vọng: Năm 1991, lúc đó Tuấn đang học lớp 2, trong một lần đi chơi cùng bố ở quê mẹ, khi trở về Tuấn bỗng nhiên lên cơn sốt cao và co giật, 2 chân nhức mỏi. Ngay ngày hôm sau gia đình đưa Tuấn đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng vẫn không tìm ra bệnh. “Những ngày tháng chữa chạy tại bệnh viện tỉnh, bệnh tình không hề thuyên giảm, bố đưa tôi ngược ra Hà Nội chữa trị. Từ Bệnh viện nhi Thụy Điển sang Bạch Mai, 108 rồi Bệnh viện châm cứu Trung ương… nhưng tất cả đều kết luận tôi bị mắc chứng bệnh viêm tủy cắt ngang, liệt dây thần kinh vận động. Cả gia đình đều boàng hoàng khi nghe bệnh tình của tôi “Vô phương cứu chữa”. Đã có lúc tôi chỉ muốn chết đi cho gia đình bớt đi gánh nặng”.

Nghe con nói chuyện, bố Tuấn (ông Lê Hữu Thu) đã nhiều lần quay đi, lén gạt những giọt nước mắt - khi anh kể về những lần hai cha con dắt díu nhau ra Hà Nội. “Sau 5 năm khăn gói lên đường chữa trị thì cũng trong từng năm ấy giá đình tôi đã phải bán hết tất cả những gì có thể, để chạy chữa nhưng cuối cùng tôi đành ngậm ngùi đưa con về trong tuyệt vọng”.

Năm Tuấn lên 13 tuổi, được sự động viên giúp đỡ của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, cậu học trò nghèo đã lao vào tự học. Sau 1 tháng trời Tuấn đã học xong chương trình từ lớp 2 đến lớp 5 trong sự ngỡ ngàng thán phục của thầy cô và bạn bè. Một tia hy vọng lại lóe lên trong ánh mắt của người cha tội nghiệp khi biết tin Tuấn được trường Tiểu học Đông Thịnh chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện và năm ấy Tuấn đã giật giải nhất môn toán trong niềm tự hào của những người thân. Với thành tích này, Tuấn được đặc cách thi tốt nghiệp tiểu học và đạt loại giỏi. Một lần nữa Tuấn lại làm cho cha mẹ và thầy cô phải thán phục nghị lực phi thường khi mang về giải nhì môn toán trong kì thi học sinh giỏi cấp huyện chương trình lớp 9. Tuấn lại được đặc cách cho thi tốt nghiệp cấp 2 và từ đó Tuấn cũng đuổi kịp bạn bè vào được cấp 3 và vào học khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Hồng Đức.

Còn em Lê Thị Thắm từ khi sinh ra đã vĩnh viễn không có 2 tay. Chị Nguyễn Thị Tình (mẹ của Thắm) kể lại: “Cháu lớn lên trong sự khó nhọc, 6 tháng mới biết lật; 2 năm sau bắt đầu tập đi; lên 4 tuổi Thắm mới nói rõ. 5 tuổi, Thắm đi học lớp mẫu giáo. Thấy cháu có những tố chất không khác gì các bạn, cô giáo mới thử tập cho Thắm viết những nét chữ đầu tiên bằng chân phải. Tôi và chồng mừng rỡ lắm”.

Thắm kể: “Khi lớn lên em thấy các bạn có tay, em buồn lắm, vì em không làm được gì để giúp mẹ như mọi người. Ngay cả đến cầm bút cũng không thể, nhưng cũng có lần em thử cắp bút bằng chân, em vẽ những nét chữ ngoệch ngoạc không ra hình thù. Bây giờ cái bút đã chịu “nghe lời” ngón chân của em rồi.” 

Chiến thắng số phận

Ngay sau khi ra trường với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá trong tay, Tuấn được bố trí công tác tại Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa. Nhưng rồi Tuấn lại rẽ ngang sang hướng khác, trở về quê mở lớp dạy thêm cho các học sinh địa phương. “Hiện nay lớp học của tôi đang có 400 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ôn luyện. Kết quả hàng năm có khoảng 80% đã thi đỗ vào các trường đại học”.

Thày Tuấn trên bục giảng

Chị Nguyễn Thị Hiền, hàng xóm của thầy Tuấn cho biết: “Điều kiện kinh tế của gia đình Tuấn vốn đã rất khó khăn sau những năm tháng vật lộn với bệnh tật nhưng ông bà Thu vẫn luôn sống cởi mở và sẻ chia với xóm giềng. Tuấn bây giờ cũng vậy, học phí thầy chỉ thu ở mức vừa phải. Đối với những gia đình có từ 2 con trở lên theo học tại lớp của thày Tuấn thì sẽ được miễn học phí cho 1 em. Học sinh là con hộ nghèo, con em hàng xóm, họ hàng thân thích, thầy Tuấn không thu tiền”.

Thày Tuấn và vợ con

Em Hoàng Tuấn Nam, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đông Sơn 1 kể: “Thầy Tuấn dạy rất tốt, đưa ra các bài tập dưới nhiều dạng khác nhau nên giúp chúng em hiểu rõ bài. Ngoài kiến thức, thày còn là tấm gương nỗ lực vượt khó cho chúng em noi theo”.

Đối với em Thắm, dù không còn đôi tay nhưng với ý chí nghị lực vượt lên chính mình, em viết bằng chân; luôn đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi, danh hiệu “vở sạch, chữ đẹp”. Nếu chỉ nhìn những dòng chữ ngay ngắn, tròn trịa và những điểm 10 đỏ chói trên các trang vở, hẳn ít ai nghĩ rằng những dòng chữ đó được viết bằng chân. Cũng bằng đôi chân của mình, Thắm đã tự chải đầu, đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị đồ dùng học tập… Thắm còn có thể vẽ tranh, thể hiện khát vọng, tâm hồn mình.

Thắm trên lớp


Những bức tranh em vẽ

Thầy giáo Nguyễn Xuân Liêm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Thịnh cho biết: Với nỗ lực vượt lên số phận để đạt được những thành tích cao trong học tập, hình ảnh của Thắm cùng các hiện vật khác như sách vở của em đang được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Thắm cũng đã được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen.

Rời Đông Thịnh, trong chúng tôi còn đọng mãi ấn tượng về 2 con người, bằng ý chí nghị lực đã vượt lên chính mình, như những ngọn nến lung linh, bình dị, ánh lên giữa bộn bề cuộc sống thường nhật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên