Thầy Tuấn “xe lăn”

Mang trong mình căn bệnh viêm tuỷ cắt ngang khi vừa tròn 8 tuổi với đôi chân bại liệt, tưởng chừng cuộc đời đã hết khi di chuyển mỗi centimet là một cuộc vật lộn với vòng bánh xe lăn…

Nhưng Lê Hữu Tuấn (thôn Ngọc Lũ, xã Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa) đã vượt qua tất cả để trở thành người thầy giỏi và chính tấm gương nỗ lực vươn lên của anh đã chắp cánh cho ước mơ của bao lớp học trò.

Cơn sốt “định mệnh”

Xe vừa dừng, chưa dứt lời hỏi thăm, một người dân trong xã đã hồ hởi nói với chúng tôi: “Nhà thầy giáo Tuấn xe lăn phải không? Anh cứ đi thẳng, đến ngôi nhà ở cuối dãy thì dừng lại, nhà thầy đó!”.

Trong căn phòng riêng, Tuấn vẫn cặm cụi bên bàn máy vi tính soạn giáo án. Ngôi nhà từ lâu đã trở thành lớp học nhỏ và rộn vang tiếng cười của bao thế hệ học trò - những người vẫn thường gọi anh bằng cái tên giản dị - thầy Tuấn xe lăn.

Sinh năm 1983, tuổi thơ của Tuấn cũng đã trải qua những tháng ngày tập đi chập chững, rồi chạy thông bước thạo như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi một buổi chiều tháng 3 năm 1991, Tuấn đang chơi với bạn thì bỗng thấy người nóng ran, mồ hôi đổ ra như tắm. Đêm ấy, Tuấn bị sốt cao, toàn thân nóng ran như lửa. Đến khi được gia đình đưa đi bệnh viện, các bác sỹ mới nói Tuấn bị mắc bệnh viêm tuỷ cắt ngang.

Suốt gần 7 năm trời, Tuấn được đưa đi chạy chữa ở hầu khắp các bệnh viện: Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Châm cứu Trung ương, Viện Y học Dân tộc, rồi Bệnh viện 108… 2 năm đầu, nửa thân dưới của Tuấn bị tê liệt, duy chỉ có bàn chân trái thỉnh thoảng vẫn cử động nên gia đình vẫn cố gắng nuôi hy vọng. Nhưng, đôi chân của Tuấn vẫn bại liệt mà không có cách nào chữa trị. Năm đó, Tuấn 15 tuổi. Thương con, gia đình lại chạy đi nhờ các thầy lang, hễ nghe ở đâu có thầy lang giỏi lại khăn gói tìm đến nhưng vẫn không có kết quả. Mặc dù vậy, Tuấn vẫn nuôi trong mình khát khao được tới trường. 15 tuổi, Tuấn phải bắt đầu lại như một học sinh lớp 3. Và cũng từ đấy, cuộc đời Tuấn đã không chỉ quẩn quanh theo những vòng bánh xe lăn.

Học lớp 3 thi học sinh giỏi lớp 5

Ngồi trên xe lăn, Tuấn thường đọc sách. Thấy con ham học, hè năm 1998, gia đình Tuấn đã nhờ cô Lê Thị Long, giáo viên Trường Tiểu học Đông Thịnh dạy kèm. Thật bất ngờ là chỉ trong 29 ngày, Tuấn đã học xong chương trình từ lớp 3 đến lớp 5. “Quá ngạc nhiên, cô Long đã thốt lên với tôi: “Cháu còn thông minh hơn các em đang luyện thi học sinh giỏi””, bà Hằng, mẹ của Tuấn nhớ lại. Năm học đó, Tuấn được nhà trường gọi dự thi học sinh giỏi lớp 5 và đoạt giải nhất môn Toán. Được sự giúp đỡ của nhà trường, Tuấn dự thi tốt nghiệp tiểu học và đạt bằng giỏi.

Năm học 1997 - 1998, Tuấn lại được đi thi học sinh giỏi lớp 7 và đoạt giải nhì môn Toán. Một lần nữa, Tuấn được “đặc cách” cho thi vào lớp 10 Trường THPT Đông Sơn 1, Trường THPT chuyên Lam Sơn và đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Nhưng do hoàn cảnh, Tuấn đã chọn học ở trường THPT Đông Sơn 1. Vào cấp III, nhà xa nên việc đi lại Tuấn phải nhờ bạn bè là chính. Trong số đó phải kể đến những người bạn nhiệt tình nhất là Nguyễn Đình Quy và Doãn Huy Cường ở gần nhà, hàng ngày vẫn tình nguyện đẩy xe đưa Tuấn đi học. Thấy bạn vất vả, về nhà Tuấn và bố đã nghĩ và “chế” ra được chiếc xe đạp đẩy, giống như xe xích lô nhưng có chốt tách ra 2 phần để đẩy xe vào lớp. 2 vị trí quen thuộc của Tuấn là ở đầu lớp và cuối lớp. Vì chỉ có ở những vị trí đó mới có khoảng trống để Tuấn… “đỗ xe”.

Cuối năm lớp 12, trường Đại học Hồng Đức mở lớp Công nghệ thông tin chất lượng cao. Tuấn thi vào Đại học Hồng Đức và trúng tuyển với 25 điểm (Toán 8, Lý 8 và Hoá 9). Nhà trường chọn ra 44 thí sinh có điểm cao nhất để thi vòng 2 rồi chọn ra 15 người, Tuấn và 1 bạn nữa đạt điểm cao nhất trong số 15 thí sinh.

“Những ngày đầu học đại học thực sự vất vả. Ngày nào cũng vậy, cứ 4 bạn khênh từ tầng 1 lên tầng 2, rồi 4 bạn khác lại từ tầng 2 lên tầng 4 và cứ như vậy. Nhiều hôm tôi không muốn đến lớp nữa vì thấy phiền mọi người quá” - Tuấn tâm sự. Năm cuối, Tuấn được chuyển ra Đại học Quốc gia Hà Nội. Và Tuấn đã gặp Linh, người bạn gái rất tâm đầu ý hợp với mình. Rồi khi Tuấn ra trường, đám cưới của hai người đã diễn ra trong niềm vui chung của gia đình, bạn bè. “Anh ấy nghị lực lắm! Dù có nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng anh ấy không bao giờ bỏ cuộc… và điều đó càng làm tôi yêu anh ấy hơn” - Linh, vợ Tuấn chia sẻ.

Người thầy trên xe lăn

Khi tốt nghiệp, Tuấn được rất nhiều công ty phần mềm máy tính mời về làm. Nhưng trong khi chờ công việc phù hợp, tình cờ, một người bạn thân của bố Tuấn muốn nhờ anh kèm cho con kiến thức cấp III, rồi mấy người bà con cũng đến nhờ Tuấn kèm cho con ôn thi đại học. Lần đầu, chỉ có 5 - 6 em, nhưng sau, người trong xã nghe tin cứ kéo đến xin cho con theo học thầy Tuấn. Năm 2005, Tuấn dạy 20 em, thì có 13 em đỗ đại học, cao đẳng. Rồi hàng năm, số lượng cứ tăng dần. 60, 70, rồi 200 em, đến nay con số ấy đã lên tới 400 em và Tuấn cũng trở thành người thầy giáo kể từ những ngày đó.

Mỗi độ hè về hay những dịp lễ Tết, rất nhiều những học sinh, cử nhân tương lai lại trở về quây quần bên Tuấn. Trong số đó, có nhiều người đã thành đạt, lập nghiệp ở khắp nơi trên đất nước nhưng có một cái tên chung họ vẫn thường nhắc tới với niềm yêu thương và kính trọng - thầy Tuấn xe lăn.

Tuấn dạy những kiến thức từ lớp 10 đến 12 đối với 2 môn Toán, Lý. Tính từ năm 2005 đến nay, lớp học của Tuấn đã có hơn 1.000 học sinh theo học, trong số đó, hầu hết các em đều đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước hoặc thành đạt trong sự nghiệp nhờ sự tận tình chỉ bảo, dạy dỗ của thầy Tuấn. Anh không chỉ truyền cho các học trò những kiến thức trong sách vở mà còn truyền cho các em nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. “Thầy Tuấn dạy rất dễ hiểu, ngoài những bài tập trong sách giáo khoa, thầy còn giải các bài nâng cao, đưa ra nhiều cách giải khác nhau, nên chúng em nhớ rất lâu. Trong bài giảng, thầy hay kể về những tấm gương vượt khó, những cách thức giao tiếp ứng xử nên chúng em thường lấy đó làm “điểm tựa” để vươn lên” - em Hoàng Thị Phương, học sinh lớp 11 Trường THPT Đông Sơn 1 tâm sự.

 

Hạnh phúc của thày Tuấn

Hàng ngày, Tuấn vẫn cần mẫn bên bục giảng, truyền bầu nhiệt huyết, kiến thức cho bao lớp học sinh. Để rồi mỗi độ hè về, xuân đến hay những ngày lễ Tết, lớp lớp những học sinh, cử nhân tương lai lại ùa về quây quần bên Tuấn. Trong số đó, có nhiều người đã thành đạt, lập nghiệp ở khắp nơi trên cả nước nhưng có một cái tên chung họ vẫn thường nhắc tới với niềm yêu thương và kính trọng - thầy Tuấn xe lăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên