Thế hệ thứ 3 trên sông Đà

Họ là những kỹ sư trẻ mới ra trường, khao khát được tự khẳng định mình, được cống hiến sức mình “vì sự nghiệp làm ra dòng điện cho Tổ quốc”

Nhà máy thủy điện Lai Châu, nhà máy thủy điện cuối cùng trên sông Đà được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Công trường xây dựng nhà máy được Thủ tướng Chính phủ chọn là “Công trường Thanh niên cộng sản”...

Công trường rộn tiếng máy reo

Tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sơn La khởi động, nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng lên mấp mé sàn cầu treo Lai Hà, bắc qua dòng Nậm Na trên đường vào Mường Tè.

Sau mấy chục năm dãi dầu mưa nắng, cầu treo Lai Hà đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Thay thế cầu treo là cầu Lai Hà mới, bê tông vĩnh cửu, nối quốc lộ 12 với tỉnh lộ 127 vào Mường Tè. Nhiều đoạn của tỉnh lộ 127 đã được nâng cao tránh ngập, đường rộng tráng nhựa phẳng phiu, hai ô tô tải tránh nhau dễ dàng.

Công trường vừa mới mở, người dân Mường Tè đã thấy ngay cái lợi trước mắt: đi lại thông suốt, thuận tiện hơn. Dịch vụ viễn thông cũng được triển khai. Điện thoại di động, Internet đang trở nên phổ biến.

Cùng với việc xây dựng NMTĐ Lai Châu, huyện Mường Tè sẽ tiến hành sắp xếp lại các khu dân cư, xây dựng tuyến đường phía Tây phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển lúa nước, trồng cây cao su. Mường Tè cũng phát triển thêm nhiều ngành nghề, khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển mô hình VAC, phát triển nghề nuôi thủy sản và du lịch. Trong tương lai, xã Nậm Hàng sẽ được xây dựng, phát triển thành thị trấn. (Ông Tống Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Tè).

Mới từ tháng 4 đến tháng 11 không lên công trường, giờ trở lại đã thấy cảnh vật đổi thay quá nhiều. Đường vào Mường Tè đến xã Nậm Hàng, từ chỗ chạy ven sông Đà, giờ dịch sâu vào bên trong, qua trụ sở của các đơn vị thuộc Tập đoàn Sông Đà. Mới chớm đến đỉnh dốc xuống ngã ba vào công trường, thấy lừng lững trước mắt là màu đỏ tươi, tầng trên tầng dưới của những vạt núi đất ở cả hai bờ sông Đà. Máy xúc, máy ủi, ô tô đi lại rộn ràng.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án Thủy điện Lai Châu của Tập đoàn Sông Đà, nói với tôi: “Đối với bất cứ công trường xây dựng thủy điện nào, chống lũ cũng là mục tiêu số 1. Bây giờ, công trường đã phải đặt ra mục tiêu chống lũ cho cả năm 2011. Khó khăn nhất là vốn. Các nhà thầu đã tự bỏ 300 tỷ đồng vào công trường. Nhưng tình trạng này không thể kéo dài mãi được”.

Thời gian qua, khi cầu qua sông Đà chưa làm xong, Quân khu II đã điều Lữ đoàn công binh 563 lên công trường, sử dụng phà quân dụng phục vụ xe máy thi công qua lại. Trong dòng nước chảy xiết, các chiến sĩ công binh khéo léo điều khiển con phà đi lại an toàn. Trong chiến công của những người mở đường thắng lợi trên công trường, có sự đóng góp không nhỏ của họ.

Chưa cần gặp mặt, chỉ nhìn xe máy trên công trường, đã thấy hầu hết các đơn vị vừa hoàn thành các phần việc trên công trường NMTĐ Sơn La, đã lật cánh lên Lai Châu. Nào là Tổng công ty Trường Sơn với đoàn 565, đoàn 472. Nào là Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI). Đông đảo nhất vẫn là các Công ty Sông Đà: Sông Đà 9, Sông Đà 10, Sông Đà 7, Sông Đà 5, Sông Đà 11... Tính đến đầu tháng 11/2010, trên công trường có hơn 1.050 kỹ sư, công nhân, với 56 tổ hợp đào xúc vận chuyển, 218 ô tô vận tải các loại...

Ở một đoạn thuộc bờ phải sông Đà, chúng tôi gặp Thạc sĩ Nguyễn Văn Cường và kỹ sư Đinh Văn Đại, Chánh - Phó giám đốc Công ty Sông Đà 908, đơn vị vừa hoàn thành xuất sắc việc đổ bê tông đầm lăn đập thủy điện Sơn La. Các anh cho biết đập Thủy điện Lai Châu cũng là đập bê tông đầm lăn. Trước mắt, Công ty đang đào hố móng kênh - cống dẫn dòng (bờ phải) giai đoạn 1. Đến đầu tháng 1/2011 phải bàn giao đoạn đầu tường cánh dẫn dòng để các đơn vị đổ bê tông. Sông Đà 908 đến cuối tháng 3/2011 cũng phải hoàn thành đắp đê quây giai đoạn 1. Tháng 4-5/2011, phải hoàn thành giai đoạn 2 để chống lũ tiểu mãn.

Cả một vùng đồi núi xưa nay vắng lặng, nay suốt ngày đêm nhộn nhịp xe máy. Một chợ tạm họp trên mảnh đất hơn 1.000m2, cung cấp lương thực, thực phẩm cho công trường và người dân trong vùng.

Lớp trẻ trên công trường

Thế hệ thứ ba

Đã vào cuối năm. Xuân về, phảng phất trên các nẻo đường đến Mường Tè. Qua Mộc Châu thấy lất phất sắc hoa đào tươi hồng, hoa mận trắng tinh. Nhưng nổi bật hơn vẫn là sắc đỏ của lá trạng nguyên và sắc vàng của hoa cúc quỳ. Dọc đường từ Điện Biên lên Lai Châu, từ Lai Châu qua Mường Lay vào Mường Tè, hoa cúc quỳ nhuộm vàng sườn núi. Có người ví hoa cúc quỳ (có nơi gọi là dã quỳ) là biểu tượng của vùng cao nguyên hai mùa mưa - nắng. Nhưng đúng hơn, phải gọi hoa cúc quỳ là biểu tượng của những con người trẻ tuổi dám dấn thân lập nghiệp ở những nơi rừng cao núi thẳm.

Tôi đã gặp họ ở công trường xây dựng NMTĐ Hòa Bình, Yaly, Tuyên Quang, Sơn La, rồi nay ở công trường xây dựng NMTĐ Lai Châu. Kỹ sư, thạc sĩ quản trị kinh doanh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án Thủy điện Lai Châu là một trong những người như vậy. Có thể xem Tiến là đại diện cho thế hệ thứ 3 của những người thợ Sông Đà. Trưởng thành từ công trường Thủy điện Tuyên Quang, Tiến được điều về công trường Thủy điện Sơn La, làm Phó giám đốc Ban điều hành. Rồi được cử đi học cao học ở Vương quốc Anh, làm luận án thạc sĩ. Việc học xong cũng là lúc Tiến được điều lên công trường Thủy điện Lai Châu.

Cùng chung lưng gánh vác với Tiến là những thạc sĩ, kỹ sư đứng đầu các công ty thành viên thuộc Tổng công ty Sông Đà. Nhưng đông nhất là những kỹ sư trẻ mới ra trường, khao khát được tự khẳng định mình, được cống hiến sức mình “vì sự nghiệp làm ra dòng điện cho Tổ quốc”. Phòng kỹ thuật của Ban điều hành có 12 người thì có tới 8 người là kỹ sư trẻ. Ở các đơn vị thi công, khá đông kỹ sư, công nhân mà cả bố và mẹ đều tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình. Họ sinh ra trên đất Hòa Bình và nhận Hòa Bình là quê hương thứ hai.

Có một điều mà lớp người trẻ Sông Đà ở Thủy điện Lai Châu đều tự hào: họ được đứng trên vai những người khổng lồ. Tôi đã có dịp trò chuyện và sống cùng các thế hệ của người thợ Sông Đà: thế hệ Thác Bà - thế hệ Hòa Bình và nay là thế hệ Sơn La - Lai Châu. Những người làm thủy điện Thác Bà với quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược: bom rơi đạn nổ không sờn lòng. Vừa làm vừa học. Thế hệ Hòa Bình với quyết tâm làm một “Sơn Tinh” trong thời đại Hồ Chí Minh, chinh phục dòng sông Đà hùng vĩ. Rời Hòa Bình, họ làm một cuộc trường chinh qua Tây Nguyên, sang Lào rồi vòng về Việt Bắc để đến với Sơn La - Lai Châu. Mỗi thế hệ có một khẩu hiệu, mà nổi tiếng nhất vẫn là khẩu hiệu của một thời chống lũ Hòa Bình: "Cao độ 80 hay là chết".

Ở Hòa Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngô Xuân Lộc có lần tâm sự: Vào phút quyết liệt nhất của công trường chống lũ, ngoảnh nhìn quanh thấy anh em vẫn vững vàng ở đúng chỗ được giao. Ở Sơn La, vào tháng 11/2005, cả công trường chống trận lũ đột xuất nhìn về phía đê quai thượng lưu, thấy Giám đốc Ban điều hành, kỹ sư Nguyễn Kim Tới một tấc không đi, chỉ huy nâng cao mặt đê quai ngăn nước tràn qua. Chỉ một phút nao núng, người chỉ huy rời đi, là nước lũ có thể cuốn phăng thành quả lao động của mấy năm, khiến ngày khởi công Thủy điện Sơn La chậm lại cả năm. Đấy là chưa kể tính mạng hàng trăm con người dưới dòng kênh. Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Kim Tới được truyền tụng thốt ra trong giờ phút ấy: “Chúng ta đứng đây. Chúng ta không đi đâu cả!”.

Và bây giờ Thủy điện Sơn La đã xong tổ máy số 1, sớm hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu. Sau đó, nếu thông đồng bén giọt, cứ 4 tháng hoàn thành một tổ máy. Đó là thành quả của những người lao động dám hy sinh.

Sắc đỏ của lá trạng nguyên và sắc vàng của cúc quỳ làm nên màu cờ Tổ quốc. Đó là biểu tượng cao quý mà những người thợ Sông Đà trên công trường Thủy điện Lai Châu hướng vào. Với thế hệ thứ ba của những người thợ Sông Đà, công trường xây dựng NMTĐ Lai Châu vừa khởi công, họ đã phải nghĩ đến sau Lai Châu, họ sẽ làm gì? Bởi công trường thủy điện Lai Châu là công trường xây dựng nhà máy thủy điện cuối cùng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Bản thân họ cũng đã khác rồi. Từ một Công ty Thác Bà nay trở thành Tập đoàn Sông Đà. Thế đã lớn, lực đã đủ mạnh để vươn ra thế giới, để hoạt động đa ngành, đa nghề. Nhưng đấy cũng mới là dự định. Trước mắt, những người thợ Sông Đà đang hướng tới mục tiêu chống lũ năm 2011, ngăn sông đợt 1 vào tháng 2/2012. Phát điện tổ máy số 1 vào tháng 3/2016.

Và một thế hệ Sông Đà mới trưởng thành./.

NMTĐ Lai Châu là bậc thang thủy điện đầu tiên trên Sông Đà (phía dưới là Sơn La và Hòa Bình) nhưng được xây dựng sau cùng. Thủy điện Lai Châu là nhà máy thủy điện sau đập, với 3 tổ máy tua-bin trục đứng, đấu nối với hệ thống điện quốc gia bằng đường dây 500kV. Thủy điện Lai Châu xây dựng trên đoạn sông Đà thuộc xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cách thị xã Lai Châu cũ khoảng 30km về phía Tây Bắc.

Một số thông số chính:

- Dung tích hồ chứa 1.215 triệu m3
- Mực nước dâng bình thường 295m
- Mực nước chết 270m
- Công suất lắp máy 1.200MW
- Số tổ máy 03
- Sản lượng điện trung bình hàng năm 4.704 triệu kWh

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên