Thợ cối thôn Trung

Chuyện đóng cối được coi là hệ trọng bởi nhà nông lấy hạt gạo làm đầu, cái cối xay thóc được sánh ngang với “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người nông dân thuở xưa luôn mong muốn có cái “máy bóc vỏ thóc” trong nhà thật tốt, thế nên thợ đóng cối luôn được chiều chuộng

Cái cối xay thóc đã đi vào chuyện dân gian với tích bà mẹ chồng dạy con dâu “nếu hết thóc thì đổ trấu vào mà xay”. Không ai biết cái cối xay thóc có ở nông thôn Việt Nam từ bao giờ, có lẽ cũng gần với lịch sử cây lúa nước của dân tộc. Nhưng cái thời “cối xay thóc bị để cho mốc meo” rồi không ai dùng nữa, cũng mới chỉ vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Ở thôn Trung, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay vẫn còn một số thợ đóng cối còn sống và mỗi khi nhắc đến họ, lại nhớ một thời lam lũ của quê ta.

Những phó cối một thời

Ngày xưa, ở các vùng nông thôn đều có thợ đóng cối xay thóc chuyên nghiệp. Thôn Trung tuy bé nhỏ nhưng tính sơ sơ cũng ra con số mấy chục người đã từng sống bằng  nghề thủ công này. Bởi thế, bà con nông dân nơi đây mới có câu đố truyền miệng rất hóm hỉnh:

“Không răng mà cắn thóc nhừ

Miệng to họng nhỏ từ từ nuốt xuôi

Vợ chồng hai thớt ghép đôi

Mới đẻ gạo trấu trôi ra liên hồi”

Cụ Đàm Văn Năng - thợ đóng cối tài hoa vào bậc nhất của thôn Trung tâm sự: “Nếu ai đã từng xay lúa, giã gạo thì chẳng lạ gì nghề đóng cối của quê hương chúng tôi. Dụng cụ chỉ vài thứ lặt vặt, rẻ tiền, dễ kiếm: cái chày nện đất, chiếc vồ để vào dăm, chiếc cưa nhỏ, vài chiếc đục, con dao rựa... là có thể rong ruổi kiếm cơm thiên hạ. Nguyên liệu cũng không hiếm: chừng hai cây tre đực, dài gióng, dùng để đan thân và áo cối; đất sét hoặc đất thịt giã nhuyễn với trấu và ít gỗ nhãn, gỗ mít chẻ nhỏ làm dăm. Chỉ ngần ấy thôi là có một cái “máy bóc vỏ thóc” thật hảo hạng. Cái nghề nghe đơn giản là thế, nhưng đã từng giúp cho biết bao người dân quê tôi có cuộc sống tương đối sung túc”.

Vợ chồng cụ Năng và chiếc cối xay thóc của gia đình

Cối xay thóc gồm thớt trên và thớt dưới. Thớt dưới cố định, ở giữa có một cái chốt (trục) dài chừng ba tấc, đường kính khoảng 4 phân dùng làm trục quay cho thớt trên. Phía mặt dưới của thớt trên và thớt dưới đóng dăm cối. Hạt thóc từ miệng của thớt trên chảy xuống, qua ma sát của hai mặt thớt mà vỏ thóc tách ra.

Thuở xưa, ở thôn Trung có rất nhiều thợ đóng cối. Lẽ dĩ nhiên, trình độ lành nghề của họ cũng cao thấp khác nhau. Người nào giỏi thì quanh năm đều được bà con ở các thôn xóm đón về nhà nuôi ăn, ở để đóng và sửa cối xay thóc. Bởi thế, các phó cối ngày nào cũng được thiên hạ thết đãi “cơm no, rượu uống thả phanh” không phải nghĩ, có khi cả tháng mới đem tiền, đem gạo về quê cho vợ nuôi con.

Bà Nguyễn Thị Hoa kể lại “thời vàng son nâng khăn sửa túi” cho chồng con đi đóng cối xa nhà: “Để có dăm cối cho hai bố con ông ấy mang đi, tôi ở nhà phải kiêm nhiệm hết mọi việc. Đồng thời, tôi thường xuyên lùng mua những cây nhãn, cây mít cỗi về lựa phần gỗ tốt để chẻ dăm và đem phơi khô cho đủ độ rồi mang cất vào buồng cho bố con ông ấy về mang đi làm dần. Người vợ nào có chồng là thợ cối giỏi thì nhìn biết ngay, lúc nào cũng phơn phởn đẫy đà...”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, việc đầu tiên của thợ đóng cối thôn Trung sau khi gánh đồ nghề đến nhà gia chủ là cứ phải chè nước, thuốc lào và xôi thịt no nê rồi mới bắt đầu tính đến chuyện vào bếp khiêng cối hỏng ra sân phá bỏ, chỉ trừ lại phần khung nan tre. Tiếp theo, công việc của người thợ là đem nguyên liệu mang sẵn để ken lại phần vỏ cối và những chỗ nan bị mòn vẹt. Kế đến là phần nhào đất. Vì đất làm cối phải chọn loại đất thịt dẻo mịn, không dễ kiếm nên người thợ thường tận dụng lại đất cối cũ và cho nước vào đánh nhuyễn, nếu thiếu thì mới lấy thêm. Khi phần nền đất được nện bám chắc vào vỏ áo cối, mới đến khâu chêm dăm cối. Đây là phần khó và tỉ mỉ nhất, thể hiện tay nghề của thợ cối. Lúc chêm phải cẩn thận chia mặt cối theo hàng lối, răng không được cái cao, cái thấp, bởi nếu răng cối nhô cao và hàng thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành hạt gạo, còn răng thấp và hàng mau thì cối bí, chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm hết.

Và những ký ức đẹp

Sau khi cối đã làm xong thì chính tay người thợ lấy ít thóc của chủ nhà đổ vào xay thử. Lẽ dĩ nhiên, với thợ cối lành nghề của thôn Trung thuở ấy như cha con cụ Năng, cụ Giao, cụ Tắc, ông Hồ, ông Diệp... thì chỉ phải điều chỉnh tí chút là có thể “ù ì vô tư”. Khi thấy cối xay tốt: xay rất nhẹ, chảy nhanh, đều, thóc chín và hạt gạo không giập gãy tí nào, được gia chủ ưng ý, thì thợ mới dám nhận tiền công và “lại quả’ ở mẻ thóc xay đầu tiên để cất vào bồ đem về nhà.

Theo các cụ cao tuổi ở đây kể lại, người nông dân thuở xưa luôn mong muốn có cái “máy bóc vỏ thóc” trong nhà thật tốt, cho nên họ rất chiều chuộng thợ đóng cối. Ngoài màn chào hỏi bằng xôi thịt lúc sớm tinh mơ ra, các phó cối vào giữa buổi sáng còn được chủ nhà thết đãi thêm tuần chè đỗ đen, hoa quả để ăn uống lúc nghỉ tay, xong bắn vài ba điếu thuốc lào ngả nghiêng cho đã rồi mới tiếp tục công việc. Trưa cơm rượu rôm rả chủ thợ. Rồi lại tuần trà nghỉ cho xuôi cơm với mấy câu chuyện phiếm. Công xá thì đã có quy định.

Lý do chuyện đóng cối được coi là hệ trọng bởi nhà nông lấy hạt gạo làm đầu, nên cái cối xay thóc được bà con nâng tầm lên sánh ngang với “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người ta không đóng cối vào đầu năm mới, mà thường đóng từ tháng ba (âm lịch) trở đi cho đến giáp Tết. Sở dĩ có tục kiêng kỵ như vậy cũng bởi quan niệm làm vào đầu năm mà cối sống hoặc có trục trặc gì đó là giông cả năm, là điềm báo mùa màng thất bát, làm ăn không được thông đồng bén giọt...

Anh Trương Trọng Tuấn tâm sự: “Nói thì “nghe ấm cái bụng”, nhưng đóng cối xay thóc cũng thuộc hàng những công việc “mướt mồ hôi” của người dân quê tôi thuở xưa - nghĩa là khá nhọc nhằn. Cái nhọc nhằn ấy tôi rõ hơn ai hết bởi ngày nhỏ đã có thâm niên lãnh chức nện đất, vào dăm sái cả tay. Tôi quyết theo nghiệp ông cụ thân sinh là vì sợ nắng, sợ mưa mà đóng cối xay thóc lại là một trong số ít việc nhà quê được chọn vị trí làm tại nơi râm mát, lại còn “được ăn, được nói, được gói đem về”. Hơn thế, nghề này khi ấy luôn “đi trước thời cuộc” vì nó được phép thực hiện theo “cơ chế khoán”: tức là nếu muốn nhanh, anh có thể gồng lưng làm không kể sớm, tối cho kỳ xong rồi sau đó mới nghỉ khỏe, khỏi phải lê thê dựa dẫm vào nhau cho dây cà ra dây muống, mất thì giờ và kém năng suất. Thợ cối quê tôi hành nghề đến khi điện và máy móc trong đó có máy xay xát ồ ạt như ong vỡ tổ kéo về các làng quê thì mới chuyển sang làm một số công việc khác như đi thu mua sắt vụn, đong thóc về xát gạo đem bán để lấy cám nuôi lợn...”.

Thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hóa sẽ có nhiều nghề mới hình thành, kéo theo không ít nghề cổ truyền của xã hội nông nghiệp xưa đã và sẽ mất đi. Nghề đóng cối ở thôn Trung cũng trở thành dĩ vãng. Nhưng những người thợ cối còn lại ở đây đã nhạy bén chuyển sang làm thêm các nghề phụ khác để bắt kịp với thời cuộc. Thôn Trung xưa kia tấp nập với nghề đóng cối bao nhiêu thì hôm nay lại hối hả với sức sống của một làng quê trong thời kỳ đổi mới bấy nhiêu. Những dãy nhà hai ba tầng san sát mọc lên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Nghề đóng cối gia truyền với hình ảnh của những anh phó cối thôn Trung sẽ mãi là ký ức đẹp ẩn mình trong sự phát triển ấy.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên