Thông điệp sống từ những… gốc cây khô

Những tác phẩm làm từ gốc cây khô không chỉ khiến người ta thích thú ngắm nhìn mà còn có suy ngẫm về những điều còn-mất, xưa-nay.

Lâu nay, nói chuyện chơi cây cảnh, người ta thường nghĩ đến những mầm xanh, cây thế, cành lộc,... Tất cả đều đang còn sống, đơm hoa, kết trái, khoe sắc. Nhưng ở thôn Giẽ Thượng (xã Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội), có ông Lang Tường chuyên sưu tầm gốc cây khô, không những để làm cảnh mà còn gửi vào đó những “thông điệp sống” cho đời.

Từ "dở người" vì... cây khô

Cơ duyên đưa ông trở thành “ông lão cây khô” như hiện nay bắt đầu từ 13 năm về trước. Năm đó, ông Lang Tường bước vào tuổi 60. Một chiều thu, khi những ngọn gió lùa vào ngõ quê trộn cùng cái nắng hanh vàng rơi khắp ngả, ông thấy mình trở nên bé nhỏ trước cái mênh mông của đất trời. Nhìn nhiều ngôi nhà tầng mọc lên trong làng như những khối bê tông vô cảm, ông thấy khát thèm bóng cây cổ thụ và mùi khói bếp chiều quê ngày xưa cũ.

Ông Tường bên tác phẩm của mình

Bỗng, bên đường một gốc cây khô khẽ “trở mình”. Ông nhận ra đó là gốc của cây hoa lý tỏi, do chính tay ông trồng năm xưa, nay đã chết. Sẵn tâm trạng “hoài cổ”, ông nhặt nó về. Càng ngắm, ông càng thấy nó giống hình con nhái bén. Thế là ông loay hoay tỉa tót, chắp tạo cho nó thành “đôi nhái bén” đang bên nhau tình tứ. Ông thích thú đặt tên cho tác phẩm của mình là “Lời tỏ tình của bén”.

Sau đó, mỗi khi ngồi ngắm nhìn tác phẩm của mình, ông lại nghĩ: “Hoá ra gốc khô nhưng cây không hẳn đã chết. Sức sống của nó vẫn còn toát ra mãnh liệt ở những phần còn lại”. Ông quyết định sẽ sưu tầm gốc cây khô và làm cho nó “sống lại” với những ý nghĩa của đời.

Từ đó, ngoài giờ làm việc của một lương y bốc thuốc cứu người, ông Lang Tường rong ruổi khắp đường làng, bờ ruộng, vệ sông, bờ ao,... để tìm nhặt những gốc cây khô mà ông thấy “ưng mắt” nếu nó gợi lên một điều gì đó.

Niềm đam mê này ngày càng khiến ông trở nên “khác người”. Chẳng hạn, có lần ông đem gốc cây duối về ngâm làm bốc mùi thối um khắp nhà. Nhiều đêm ông thức trắng để ghép nối, tạo hình, khớp nghĩa cho gốc cây khô. Những lúc như thế, bà vợ khuyên gàn không được, bảo rằng “ông có vấn đề”. Còn bà con chòm xóm, có người nghĩ ông “dở người”, có người bảo “lão vô công rồi nghề”.

Nhưng bỏ ngoài tai những “điều tiếng”, ông cứ lặng lẽ theo đuổi thú vui của mình với niềm tin vào một ý nghĩa lớn lao hơn.

Đến thông điệp “Không để mất gốc

Sau 13 năm cần mẫn thu thập, tác tạo, bây giờ bộ sưu tập của ông Tường đã có hơn 200 tác phẩm dạng “gốc khô nhưng cây không chết”. Tất cả đều nhằm chung sức thể hiện thông điệp xuyên suốt mà ông gửi vào đó là “Không để mất gốc!”.

Ông Tường lý giải: Trước kia, ở quê cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, tre đan thành hàng thành luỹ rất đẹp. Bây giờ, những điều đó đang dần hiếm hoi. Nhiều ao làng không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Nhiều cánh đồng thay bằng những khu công nghiệp. Những dòng sông ô nhiễm.... Nghĩ đến mà thấy tiếc nuối thời xa xưa dẫu nghèo, dẫu thiếu thốn vật chất mà thanh bình, giản dị và đậm hương sắc quê, tình người. Nay thì cảnh quê đã khác, người quê cũng nhiều đổi thay. Lắm người già tiếc nuối, trong khi nhiều người trẻ tất bật làm giàu không có thời gian nhận ra những điều mai một, rồi “vọng ngoại tụng ca”, thậm chí không ít người sao nhãng hoặc quay lưng với những giá trị truyền thống....

Tác phẩm "Rừng thiêng nổi giận"

Vì thế, ông sưu tầm gốc cây khô và tạo thành những tác phẩm với mục đích, trước hết, để tự vấn bản thân và răn dạy con cháu trong nhà rằng, con người ta sống không được để mất cái gốc của mình. Phải giữ lấy những giá trị của cha ông, phải biết trân trọng, gìn giữ và làm đẹp cho quê hương. Tác phẩm của ông như một cách để góp sức níu giữ cái “ngày xưa không cũ”.

Với mục đích này, mỗi tác phẩm của ông thường gắn với một ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, tác phẩm làm từ cây mai đá đã khô, ông đặt tên là “Rừng thiêng nổi giận”. Những cành khô trên cây mai khô này được hình dung như những con hổ, con khỉ, con chim đang chết trong ngọn lửa cháy rừng. Tác phẩm phản ánh thực trạng rừng bị cháy nhiều và kêu gọi mọi người hãy bảo vệ rừng.

Hay như tác phẩm có tên “Mối tình cạm bẫy” được ông tác tạo từ mảnh gốc nhãn có hình một ông già và cô gái nép vào bên cạnh với cái nhìn tình tứ.

Đồng vọng hình hài kim-cổ...

Chiêm ngưỡng những tác phẩm của ông, chúng tôi nhận thấy nó khác với nhiều vật cảnh khác ở chỗ, mỗi gốc cây khô đều hoàn toàn tự nhiên và không bao giờ có sự lặp lại từ dáng vẻ, màu sắc, hình khối, nguồn gốc giống loài,...

Với chủ ý tập trung “níu giữ hồn quê” nên gốc tre và gốc duối là hai loại được ông ưu tiên lựa chọn. Bởi vì “làng quê Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Hồng, đa số đều gắn với hình ảnh bụi tre, bụi duối, với cây đa, giếng nước, sân đình, và những cánh đồng, bờ đê,...”.

Tuy nhiên, từ những gốc khô tự nhiên ấy muốn “có nghĩa với đời”, ông Tường phải thực hiện 3 công đoạn chính: Thứ nhất, sưu tầm gốc cây khô; Thứ hai, lựa chọn khối hình hài biểu đạt; Thứ ba, lọc bỏ bớt những phần thừa và chắp ghép thêm những phần thiếu (lõi nối bằng dây thép, keo trộn bột gỗ để dán) để cho tác phẩm gợi được hình ảnh tả thực một hình ảnh về con người, sự vật trong cuộc sống.

Và, một công đoạn phải thực hiện ở những tác phẩm có tính trừu tượng cao, khả năng vật cảnh không thể tự biểu đạt rõ nghĩa thì tác giả phải đặt tên cho nó nhằm mục đích gợi ra ý nghĩa hỗ trợ cho người xem.

Vì thế, các tác phẩm được chia thành 2 mảng: Những tác phẩm bản thân nó tự tạo hình, gợi nghĩa, dễ hiểu. Và những tác phẩm hàm ý, cần có chú thích giải nghĩa định hướng cảm nhận cho người xem.

Tiêu chí đặt tên cho tác phẩm, có thể gắn với nhân vật, điển tích trong lịch sử hoặc gắn với vấn đề thời sự đương đại.

Tác phẩm "Gia đình Hải cẩu"

Chẳng hạn, tác phẩm “Tô Vũ chăn dê”, ông chú thích thêm rằng: “Dê đực không bao giờ đẻ/Anh hùng khi khuất khi thân/Nhưng trung thần sáng danh vạn thuở”. Tác phẩm này ngụ ý ca ngợi những người sống có thăng trầm nhưng những việc làm thiết thực, có ích cho dân, cho nước của họ thì tên của họ sáng danh vạn thuở.

Hay, với một gốc tre khô giống hình cánh cò, ông đặt tên cho nó là “Ký ức lời ru” để nhắc: “Mỗi khi la lả cánh cò/ Chập chờn vẳng tiếng lời ru ngày nào”.

Khi ghép tạo hoàn thiện được những tác phẩm như thế, phải trên cơ sở sự rung cảm và liên tưởng của tác giả từ gốc cây khô đến những giá trị của đời sống quá khứ và hiện tại.

Chính vì thế, cả người làm ra nó và người cảm nhận cần có cảm xúc, trí tuệ và chất thơ đồng điệu. Về điểm này, ông Tường tiết lộ: “Mỗi khi nhặt được gốc cây khô, tôi có cảm giác như nhặt được những đốt xương khô của một thời quá khứ”. Và, “khi tạo dựng tác phẩm, tôi thấy mình như chắp nên những hình hài đang bị lãng quên”. Không những thế, “khi đắm chìm trong việc chắp nên những hình hài đó, cảm giác như tôi đang nghe thấy cả tiếng chó sủa trăng suông, tiếng gà gáy sớm, tiếng chày khuya một thời hàng xáo hàng xay. Tất cả như sống lại một thời quá khứ”.

Thời gian tiếp xúc tác giả, cảm nhận những tác phẩm “gốc khô nhưng cây không chết” của ông, bản thân tác giả bài viết này học thêm được nhiều điều bổ ích. Nhưng, trước khi rời nhà ông, tôi hỏi: “Bây giờ, trong gia đình, chòm xóm, họ nghĩ gì về ông?”. - “Tôi không biết họ nghĩ gì... Nhưng, có lần vợ tôi đi chơi tận Đà Lạt, khi về đã đem theo một gốc cây khô cho tôi. Còn chòm xóm và thường có nhiều khách phương xa lui tới nhà tôi ngắm tác phẩm và hỏi mua nhưng tôi không bán!”

- “Ở đời, ông sợ nhất điều gì?”- Tôi hỏi. Ông thả cái nhìn sâu thẳm vào không gian, đáp: “Cuộc sống, cái đáng sợ nhất không phải là mất mát về tiền bạc, địa vị, những vật chất sống mà là sự đánh mất chính mình, trong đó mất gốc gác của mình là điều tệ hại và đáng sợ nhất”.

- “Bên cạnh những thông điệp gửi trong tác phẩm, ông sẽ nói gì khi gặp những người trẻ tuổi?” – Tôi hỏi.

- “Tôi muốn nhắc các cháu rằng: Dù mai đây ta tiến vào vũ trụ/ Một nét quê gợi nhớ đến ngàn xưa”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên