Thương lắm những gót chân gầy!

“Nắng, mưa, sớm, tối, chúng em chẳng nề hà bởi hễ dừng bước thì ngày mai biết lấy gì để sống...”. Đó là lời của một đứa bé đánh giầy chừng hơn chục tuổi. Câu nói của nó rất thật, rất vô tư nhưng lại khiến lòng tôi nặng trĩu.

Trong những ngày hè bỏng rát, trên các ngả đường thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), lũ trẻ đánh giầy, bán vé số vẫn mải miết mưu sinh, lẫn vào dòng người ngược xuôi hối hả…

Lăn lóc vào đời

Bố bị tai nạn mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, 3 năm trước khi mới 9 tuổi, Nguyễn Văn Lâm (Trảng Bàng, Tây Ninh) đã phải theo cô lên Biên Hòa kiếm sống. Hai cô cháu thuê nhà trọ trong con hẻm sâu tít. Ngày ngày, cô đi làm công nhân, cháu đi đánh giầy phụ giúp kiếm tiền mưu sinh.

“Hàng ngày em bắt đầu công việc lúc mấy giờ? Khi nào thì về nhà trọ?” -Tôi hỏi khi Lâm đang lục tìm đồ nghề lau bóng. “Chẳng kể được anh ạ. Ngày thứ Bẩy, Chủ nhật người ta đi ăn sáng nhiều nên em phải đi từ lúc tờ mờ sáng. Còn ngày thường thì ít khách hơn nên có hôm gần 7 giờ em mới đi, nửa đêm trở về nhà trọ, ngủ mấy tiếng rồi lại đi”.

Tôi nhẩm tính, trung bình mỗi ngày Lâm phải làm việc tới 16 tiếng, đi bộ tổng quãng đường dài chừng 50 km trong khi chân trần hoặc có chăng là đôi dép cũ mèm, mòn gót. Dồn lại 1 năm em đi hết quãng đường từ Sài Gòn ra Hà Nội! Quả thực quá sức so với cái tuổi của em. Mỗi ngày mệt nhọc, thu nhập trung bình khoảng 70.000 đồng, trừ ăn 3 bữa còn lại hơn 40.000 ngàn.

Lững thững đi bộ trên đường Đồng Khởi (Phường Tân Hiệp), tôi gặp mấy em nhỏ tay cầm vé số năn nỉ mời khách trong quán cà phê. Sau khi hứa sẽ mua hết tập vé số còn lại, một cô bé mới gật đầu ngồi trò chuyện với tôi. Qua câu chuyện, tôi được biết cô bé tên Bùi Thị Hoa, sinh năm 1999, quê tận Thạch Hà (Hà Tĩnh). Mấy năm trước gia đình em trốn nợ, chuyển vào Nam sinh sống. Hiện tại bố em làm phụ hồ mùa vụ cho một công ty xây dựng, mẹ và chị bán hàng rong buổi tối. Cả nhà thuê trọ trong căn hộ phía sau Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Bé Bùi Thị Hoa: Vé số đây chú ơi!

Ở vào cái tuổi 11 mà trông Hoa như đứa trẻ 7 – 8 tuổi, nhưng khuôn mặt khá đanh, đen đúa, hằn lên nỗi vất vả, cực nhọc vào đời sớm. Em kể: “Cứ 6 giờ sáng em đến đại lý gần chợ Tân Phong lấy vé số rồi lang thang bán khắp nơi đến 4, 5 giờ chiều. Mỗi ngày, bán được hơn 100 tờ, tiền lời được khoảng 60.000 đồng, trừ ăn uống hết 20.000 đồng. Mệt nhưng vui vì kiếm được tiền anh ạ”. Cô bé cười hồn nhiên như không hề cảm thấy nỗi vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống đang đè nặng trên đôi vai gầy, mảnh mai, yếu đuối.

Gọi thêm cô bạn “cùng nghề”, Hoa hớn hở khoe: “Sướng quá, tớ bán hết rồi, lát nữa về lấy thêm, bán tiếp”. Cô bạn của Hoa tên Thanh, cùng quê Hà Tĩnh, vào Đồng Nai mới được 1 năm. Thanh ở với cậu mợ nên không mất tiền thuê nhà trọ, chỉ phải đóng tiền ăn nhưng tối về lại phải trông em, giặt đồ tới tận khuya mới được đi ngủ.

Gạt giọt mồ hôi lăn dài trên trán, Thanh nhìn bạn, thở dài: “Hôm nay tớ lấy nhiều vé, gặp trời mưa nên ít người mua. Buồn quá!”. Đưa mắt sang tôi, cô bé nài nỉ: “Anh ơi, mua giùm em với!”. Dẫu không ham vé số và đã mua quá nhiều nhưng tôi không đành lòng trước lời khẩn cầu tội nghiệp.

Cầm tờ vé số trên tay, tôi hỏi: Trừ ốm đau, có ngày nào các em nghỉ bán không? Hai cô bé nhìn tôi, lắc đầu: “Chúng em chỉ nghỉ bán ngày 30, mùng 1 Tết vì không có vé số thôi. Bắt đầu từ sáng mùng 2 là phải dậy thật sớm đến đại lý xếp hàng. Muộn là hết phần không còn vé bán”. Chao ôi, cả năm chỉ có 2 ngày nghỉ, không phải tự nguyện mà do không có vé! Nghĩ mà thấy xót xa!

Mong manh khát vọng

“Mấy năm đi bộ gần khắp các ngõ ngách thành phố Biên Hòa, đi qua nhiều trường học, khu vui chơi em chỉ dám nhìn vào mà chẳng dám đứng xem. Thấy các bạn vui, đùa, say sưa học chữ em lại ước mình được như thế” - Cô bé Thanh buồn thiu, tâm sự. Thì ra, trong sâu thẳm tâm hồn, các em vẫn luôn mơ ước được bằng bạn, bằng bè. Ước mơ bình dị ấy thật đáng trân trọng nhưng cũng thật khó khăn khi mà cuộc sống của các em còn quá cơ cực, hàng ngày phải vật lộn với bạc tiền, cơm gạo.

Theo lời bé Hoa, lúc còn ở quê em cũng được đi học lớp 1, biết ghép chữ, đánh vần thì theo cha mẹ bỏ xứ và Nam. Từ đó em hoàn toàn rời xa sách, bút. Mấy năm bươn chải, phụ giúp cha mẹ kiếm tiền em đã quên hẳn mặt chữ. Vậy mà vẫn đếm vé số, đếm tiền chính xác. Thế mới biết, cuộc sống - trường đời đã dạy các em tồn tại!

Còn với Lâm, Thịnh, Hà… những thành viên “đường phố” lại có những ước mơ giản dị, khác nhau: Hàng ngày được ăn ngon, làm không quá mệt nhọc và không bị khách hàng chửi bới, hay được đi học nghề để sau này giúp đỡ gia đình, ổn định cuộc sống…

Tất cả những ước mơ nhỏ nhoi ấy của các em dẫu rất đơn giản với nhiều người, nhưng lại quá xa vời so với điều kiện của các em hiện tại.

Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tựu chung đều vì cuộc sống và đều có những khát vọng tương lai. Nhìn những gương mặt đen xạm, tôi không dám hỏi thêm chuyện học hành, trường lớp sợ chạm đến nỗi buồn thơ dại.

Năm học mới sắp bắt đầu, cả nước tưng bừng đón chào ngày khai giảng. Các bậc phụ huynh tất bật chạy trường, chạy lớp, mua sắm đồ dùng học tập cho con. Hàng vạn trẻ em tung tăng tới lớp. Thương thay, chỉ có các em nhỏ mưu sinh hè phố là thờ ơ chẳng quan tâm tới tiếng trống trường thúc giục. Ngày mai, ngày kia và bao ngày nữa, các em vẫn lầm lũi trong dòng người đông đúc để rồi vụt lóe những mơ ước mong manh.

Tôi chợt chạnh buồn bởi chẳng giúp được gì cho những mảnh đời như thế. Chỉ mong mọi người cùng chung tay, giúp sức làm vơi đi gánh nặng lo toan cơm áo, gạo tiền của những đứa trẻ nhọc nhằn vào đời sớm, bỏ lại sau lưng tuổi thơ trong sáng và những ước vọng mong manh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên