Tình mẹ nơi rừng thẳm

Khắp căn nhà không một vật gì đáng giá ngoài chiếc đèn dầu lem luốc bên bếp lửa, thứ được coi là giá trị nhất, văn minh nhất

Giữa chốn rừng sâu núi thẳm, có một người mẹ bị mù lòa sinh được hai bé gái. Chuyện song sinh không có gì đáng nói, nhưng với người mẹ ấy - chị Lý Thị Mây, 27 tuổi, ở thôn 11, xã Xuân Long, Yên Bình, Yên Bái, cuộc sống nơi “sơn cùng thuỷ tận”, chui lủi giữa chốn rừng thiêng nước độc là một câu chuyện nao lòng...

Cô quạnh nơi rừng sâu
Đến Xuân Long vào một ngày cuối thu, chúng tôi được nghe nhiều về câu chuyện vô cùng cảm động của bà mẹ này. “Tội nghiệp lắm chú ạ. Người thường sinh đôi còn khó nuôi chứ mù như cái Mây, hơn nữa lại ở một mình cùng hai đứa trẻ trong tận rừng sâu, muốn ra bản cũng phải chui lủi vài tiếng đồng hồ”- chị Lý Thị Chinh, một người dân trong xã nói với chúng tôi.

Câu chuyện đó đã thôi thúc tôi thực hiện một chuyến băng rừng tới thăm chị. Nhờ một người trong xã dẫn đường, tôi tìm đến thôn 11. Chiếc xe chở chúng tôi cứ chồm lên rồi lại ngụp xuống trên con đường đất lô nhô đá. Đến một con suối lớn, chúng tôi đành phải bỏ xe lại bên vệ đường và bắt đầu đi bộ. Men theo dòng suối, chúng tôi tới được thôn 11. Cứ đi chừng vài trăm mét mới thấy có một nóc nhà nấp sau những bụi rậm. “Thôn này khó khăn nhất trong xã đấy, không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và… không gì cả” - anh Thang Văn Tâm, người dẫn đường cho tôi giờ mới lên tiếng.

Đôi chân trần chúng tôi lúc nện xuống nền đất, lúc lại lội ào ào qua suối, càng lúc càng tiến sâu vào rừng thẳm. Sau gần hai giờ băng rừng vượt suối, chúng tôi đến được nhà chị.  Nhưng khi hỏi thì được biết chị và hai con nhỏ đã dắt nhau lên ở trên đỉnh núi phía trước nhà. Mẹ con chị lên đó khi hai đứa nhỏ mới được vài tháng tuổi.

Quê gốc ở tận Hoàng Xu Phì, Hà Giang, năm 1984, gia đình chị du canh du cư, chuyển về Hàm Yên, Tuyên Quang và năm 1997, chị cùng gia đình lại chuyển về vùng núi heo hút này. Mẹ chị mất từ khi chị còn rất nhỏ và cha chị đi thêm bước nữa. “Tao đẻ được tám đứa con nhưng con Mây thì khổ nhất, tao không nhớ rõ nhưng khoảng được hơn một tuổi nó bị ốm nằm liệt như con chó dại. Tao lấy lá cây chữa gần tháng nó mới khỏi nhưng lớn lên thì nó bảo nó không nhìn thấy đường đi” - ông Lý Văn Dằm, cha chị Mây kể với chúng tôi.

Không biết đường, tôi phải nhờ Lan, em gái của chị Mây dẫn đi. Đã đến nóc nhà cuối cùng của thôn nhưng vẫn không thấy nhà chị Mây, tôi quay sang hỏi: “Sao đi mãi mà không thấy nhà chị Mây?”. Chỉ tay về quả núi sừng sững phía trước, Lan nói: “Đi gần tiếng nữa, leo qua đỉnh quả đồi này rồi tạt sang bên kia là tới mà”.

Những bước chân của mẹ con chị Mây sẽ đi về đâu

Không còn thuận lợi như đi dưới khe suối râm mát, nay chúng tôi phải leo dốc, ánh nắng chói chang như vắt kiệt sức lực của chúng tôi. Sau nửa giờ leo dốc, chúng tôi cũng đã đặt chân tới đỉnh đồi.  Tiếp tục đi sâu vào thung lũng, chúng tôi đi theo con đường rậm rạp chỉ lơ thơ một vệt cỏ dại. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa thung lũng, xung quanh là cây cối um tùm. Không hiểu người mẹ lòa ấy làm thế nào để cắp hai con băng rừng vượt suối tới được tận đây?

Một người phụ nữ đen đúa đang lờ dờ chui dưới dàn bí um tùm cỏ dại ngay cạnh nhà đập vào mắt chúng tôi. “Chị Mây đấy” - Lan chỉ tay nói với tôi. Vạch những đám cỏ cao ngang đầu người, tôi tiến lại gần chị và hỏi. “Chị đang làm gì đấy ạ?”. Nghe thấy có khách, chị ngẩng đầu lên chớp chớp mắt như thể nhìn thấy tôi và nói. “Lấy bí về làm rau ăn mà, ở đây không có gì ăn đâu”. Leo hết chín bậc cầu thang, chúng tôi bước lên ngôi nhà sàn nhỏ, phía sau là chị Mây đang dò dẫm từng bước. “Leo cầu thang không sợ ngã hả chị”, tôi hỏi. “Đi mãi cũng quen mà”, chị trả lời.

Giữa sàn nhà, hai đứa trẻ còi cọc đang nằm lăn lóc giữa những thanh gỗ mục nát. Thấy tiếng bước chân, chúng lồm cồm bò dậy và khóc ré lên. Mò mẫm về phía hai đứa trẻ, chị cắp cả hai vào nách rồi đi đi, lại lại vài vòng, nựng chúng bằng thứ tiếng dân tộc. 

Bài thuốc lá truyền đời
“Hôm nó đau đẻ, tao tưởng nó chết, nó nằm lăn lóc cả ngày mãi về sau mới đẻ được”, ông Dằm kể. Bà nội của Mây là người đỡ đẻ và cắt rốn cho cháu. Bà cũng đã làm như thế với mẹ và các chị em của Mây. Ngày trước, chị vẫn ở cùng đại gia đình của mình dưới chân núi. Khi hai đứa trẻ được vài tháng, chị đã tự mình đưa chúng lên ngôi nhà bây giờ.

Gọi là nhà nhưng thực ra đó là cái lán nhỏ bố mẹ Mây dựng lên để trông nương lúa. Nhìn hai đứa trẻ xanh xao, tôi hỏi: “Chị có mua sữa cho con uống không?”. Chị Mây lắc đầu: “Xa lắm không ra chợ được đâu, mà đi chợ cũng không có tiền. ở đây bố, mẹ có thương, thỉnh thoảng cho cái gì thì cho thôi”. “Thế mọi lần hai đứa nhỏ ốm thì làm sao?”. “Cứ ở thế thôi. Lấy lá cây về uống nó tự khỏi hết mà, hai đứa này ốm nhiều lắm không đưa đi ra trạm y tế được mãi đâu. Mà cũng không đi được vì xa quá à”.

Đã 12h trưa, thấy hai đứa trẻ khóc quấy, tôi hỏi chị. “Chị đã cho chúng ăn gì chưa?” “Nấu xong nồi cơm rồi, chờ nấu nồi bí là có cơm ăn mà”. Nhìn khắp căn nhà không một vật gì đáng giá ngoài chiếc đèn dầu lem luốc bên bếp lửa, thứ được coi là giá trị nhất, văn minh nhất bởi nó đã giúp chị đem đến ánh sáng cho hai đứa nhỏ mỗi khi đêm về giữa đại ngàn hiu quạnh. Không chăn màn, quần áo ấm, rồi đây mùa đông tới, giữa bốn bề núi rừng lạnh lẽo này, ba mẹ con chị sẽ sống ra sao?

“Biết hoàn cảnh khó khăn nên vừa rồi tỉnh đã có phần quà nhỏ giúp đỡ nhưng cũng chỉ là tạm thời thôi”, anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng ban Văn hoá xã Xuân Long phân trần khi đọc được nỗi băn khoăn trong ánh mắt chúng tôi.

Chia tay chị và hai đứa nhỏ mới hơn một tuổi, chúng tôi rời khỏi thung lũng, ngoái mặt nhìn lại ngôi nhà nhỏ cứ chìm dần trong núi rừng sâu thẳm. Bỗng đâu đó một tiếng cuốc kêu vang nhưng không sao thoát khỏi bốn bề núi thẳm. Rồi những ngày tiếp theo những con người ấy sẽ sống ra sao, liệu những lá thuốc chị hái được trên rừng sẽ chữa trị được bao căn bệnh? Và, những đứa con của chị có rời được chốn rừng sâu này để đến với cuộc sống bên ngoài?./.

Thế mọi lần hai đứa nhỏ ốm thì làm sao? - Cứ ở thế thôi. Lấy lá cây về uống nó tự khỏi hết mà, hai đứa này ốm nhiều lắm không đưa đi ra trạm y tế được mãi đâu. Mà cũng không đi được vì xa quá à.

Khắp căn nhà không một vật gì đáng giá ngoài chiếc đèn dầu lem luốc bên bếp lửa, thứ được coi là giá trị nhất, văn minh nhất bởi nó đã giúp chị đem đến ánh sáng cho hai đứa nhỏ mỗi khi đêm về giữa đại ngàn hiu quạnh. Không chăn màn, quần áo ấm, rồi đây mùa đông tới, giữa bốn bề núi rừng lạnh lẽo này, ba mẹ con chị sẽ sống ra sao?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên