Tốt nghiệp đại học về nuôi heo rừng!

“Tấm bằng đại học mà mình có được chính là kiến thức nền tảng để mình tự tin lập nghiệp”- đó là suy nghĩ của Nguyễn Văn Cường

Chàng thanh niên công giáo 26 tuổi Nguyễn Văn Cường là người đầu tiên ở thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) học hết cấp 3, rồi cũng trở thành người đầu tiên thi đỗ đại học. Rồi anh mạnh dạn lập nghiệp, làm giàu từ con heo rừng.  

Cậu trò nghèo ham học

Nguyễn Văn Cường là người con thứ 2 trong một gia đình có đến 7 chị em. Cha mất khi Cường mới 14 tuổi, một mình mẹ tảo tần nuôi mấy chị em mà chỉ biết dựa vào mấy sào ruộng và công việc đi rừng.

Thôn Bồng Lai cách trung tâm xã Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) 6 cây số, địa hình phức tạp, qua nhiều sông suối nên việc đi lại, giao lưu với bên ngoài rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Con đường đến trường quá vất vả, bạn bè cùng trang lứa với Cường cứ bỏ học dần, cho đến khi lên cấp 3 thì cả thôn chỉ còn mỗi Cường đi học. Một mình lội suối, lội bùn đến lớp.

Tốt nghiệp cấp 3, Cường tiếp tục ước mơ vào Đại học. Nhưng cũng phải mất 3 năm kiên trì, vừa học vừa đi làm thuê, Cường mới thi đỗ vào khoa Giáo dục chính trị của Đại học Sư phạm Huế. Tờ giấy báo nhập học mang lại niềm vinh dự cho cả thôn Bồng Lai, bởi Cường chính là người đầu tiên trong thôn thi đỗ vào Đại học.

Cường vào Huế học, mọi lo toan ở nhà dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ. Cường cũng phải lặn lội với đủ mọi công việc làm thêm, từ bán bánh mì, phụ hồ, giúp việc trong các quán cơm… Những công việc làm thêm vất vả, gợi ra cho Cường nhiều suy nghĩ: Vì sao Bồng Lai quê mình trù phú thế mà vẫn nghèo. Làm sao để người dân ở quê và những đứa em trai của mình không phải đi rừng kiếm sống?

Cường đã bỏ thời gian lên mạng, tìm tài liệu, đọc sách, mong tìm ra con đuờng lập nghiệp. Cuối cùng, Cường chú ý đến heo rừng lai: “Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp…” hoàn toàn phù hợp với điều kiện ở quê Cường.

Giữa kỳ học năm thứ 4, chàng sinh viên lặn lội vào Đà Nẵng thăm các trang trại heo rừng, nghiên cứu kỹ từ kinh nghiệm nuôi heo, cho heo ăn, làm chuồng trại cho đến cả khả năng tiêu thụ.

Khi thực sự cảm thấy tự tin với vốn hiểu biết của mình, anh quyết định về quê thử nghiệm. 

Người nuôi heo rừng đầu tiên ở Bồng Lai

May mắn là mẹ và 5 em trai đều ủng hộ và cùng quyết tâm của Cường. Khó khăn lớn là vốn. Nhà nghèo, tài sản trong nhà không mấy giá trị, mẹ Cường đã phải bán đi cả đôi bông tai kỷ niệm thời con gái của bà và khi chưa vay đươc vốn ngân hàng, mẹ con Cường đã tính đến chuyện bán đi ngôi nhà gỗ của cha để lại.

Vừa tiếp tục theo học năm cuối đại học, lại phải chạy ngược chạy xuôi lập trang trại, xây chuồng nuôi lợn, những ngày đầu với Cường thật lắm gian nan. 14 chú lợn giống đầu tiên được đón từ Đà Nẵng về, được chăm sóc cẩn thận, vệ sinh.

Bắt đầu nuôi heo từ hè năm 2008, sau hơn 1 năm, Cường đã cho xuất chuồng 1 lứa heo giống 20 con, thu về gần 80 triệu đồng. Hiện nay, đàn lợn của Cường có hơn 30 con, trong đó có 7 heo mẹ, 2 heo bố và 20 heo giống đã được ký hợp đồng tiêu thụ.

Những căn nhà nhỏ bằng gỗ xinh xắn, núp sau những lùm cây xanh tự nhiên, đó chính là nơi trú ngụ của những chú heo rừng. Toàn bộ khuôn viên nuôi heo rộng gần 4ha, được cách ly bằng hàng rào sắt chắc chắn. Hệ thống máng ăn của đàn lợn được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Tiếng kẻng leng keng báo giờ ăn, đàn lớn từ các lùm cây kéo tới, xúm xít quanh Cường thân thiện. Đàn lợn mẹ bên cạnh cũng ủn ỉn đòi ăn trông đến vui mắt.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa, mẹ Cường tâm sự: một số người dân trong thôn vẫn dè bỉu, lấy Cường ra làm ví dụ mà bảo: “học mười mấy năm trời, tốt nghiệp đại học ra cũng chỉ về nuôi heo.” Những lời nói đó không làm cho chàng thanh niên nhụt chí, mà càng quyết tâm hơn, bởi anh muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng: dù có nuôi heo, thì cũng phải có học mới nuôi được. “Tấm bằng đại học mà mình có được chính là kiến thức nền tảng để mình tự tin lập nghiệp”.

Cường cho biết, sắp tới, anh sẽ nhân rộng đàn lợn và đầu tư nuôi thêm gà để tận dụng đất, đồng thời trồng thêm cây cao su. Mục đích lớn của Cường là sẽ nhân rộng mô hình nuôi heo ra toàn thôn, giúp thanh niên Bồng Lai có thể lập nghiệp, làm giàu trên quê hương của mình. Và để làm được điều đó thì trước tiên, Cường phải khẳng định được điều mình làm là đúng, chứng minh được hiệu quả kinh tế mà con heo rừng đem lại. Anh nói, chỉ cần ai có tâm huyết, có mong muốn, Cường sẵn sàng cho vay giống và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật.

Mô hình nuôi heo rừng và ý chí làm giàu của Nguyễn Văn Cường đã được ghi nhận và giới thiệu rộng rãi trong toàn tỉnh Quảng Bình. Anh cũng đã đuợc huyện Đoàn Bố Trạch đề cử được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2009./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên