Trả công bằng… thuốc phiện

Ở vùng Than Uyên (Lai Châu) gần đây xuất hiện tình trạng chủ trả công cho thợ bằng… thuốc phiện. Chính vì thế mà có gia đình cả vợ và chồng đều mắc nghiện.

Một kiểu trả công nguy hiểm

Trong căn lều rách nát, tối om chỉ có 3 mẹ con chị Giàng Thị Nụ đang co ro trên đống quần áo cũ rích để tránh cái lạnh vùng cao. Rét thế mà thằng con trai lớn 7 tuổi Mùa A Tu không có chiếc quần dài để mặc. Đứa bé Mùa Thị Sua, 2 tuổi đang cố nhay bầu vú mẹ nhưng nó vẫn khóc thét có lẽ vì quá đói.

Bỗng Mùa A Tu ngồi dậy nói: “Mấy năm trước, đêm nào bố cháu cũng ở nhà, còn bây giờ toàn ở trên nương hút thuốc phiện”.

Nghe con trai nói, Giàng Thị Nụ gục mặt xuống gối khóc nức nở. Ngày họ mới cưới, cuộc sống khá sung túc, Mùa A Cớ lại chăm chỉ nên ngoài thời gian nương rẫy, anh thường cùng bạn bè đi xẻ gỗ thuê lấy tiền nuôi con. Một lần, chủ nhà chưa đủ tiền thanh toán nên trả công bằng… thuốc phiện. Mùa A Cớ cùng bạn bè dùng thử, nhiều lần như thế thành nghiện.

Những lúc lên cơn vật vã, anh lại tìm đến nơi cũ, làm được bao nhiêu tiền đều “hút” hết. Vợ con ốm cũng không có tiền mua thuốc, nhiều khi vợ thu ngô được mấy tải, chồng mang đi bán lấy tiền hút. Từng thứ trong nhà cứ lần lượt ra đi.

Giàng Thị Nụ và hai con bên căn nhà của mình - một góc bếp do anh trai nhường lại

Khi đứa con út được hơn 1 tuổi, Giàng Thị Nụ bị một trận đau bụng mà không biết nguyên nhân. Đi bệnh viện huyện phải mất nửa ngày đường bộ, không có tiền mua thuốc nên người vợ tội nghiệp chỉ biết rên la trên chiếc giường ọp ẹp. Đúng lúc ấy, Mùa A Cớ về, nhớ lại bạn bè truyền “kinh nghiệm” nên anh cho vợ ngậm một chút thuốc phiện.

Chính cái lần “vô tình” ấy khiến vợ anh cũng mắc nghiện. 28 tuổi đầu mà cả hai vợ chồng cùng nghiện. Những tài sản có “giá trị” trước đó như tải thóc, cái mâm, chiếc nồi nấu cám lợn chồng đã bán sạch. Đến lượt vợ, tìm mãi chỉ còn cái khung nhà gỗ nên cũng bán luôn.

3 năm nay, họ chẳng có nơi trú ngụ, người anh trai thương tình ngăn đôi cái bếp cho ở nhờ. ở đây tìm thuốc không khó, chỉ “ới” một cái được ngay. Thế là A Cớ nghĩ ra một kế: Vợ tự nuôi bản thân và 2 con bằng cách hằng ngày đi làm thuê và lấy công bằng những bữa cơm tại nhà chủ, còn chồng đi làm xa mua thuốc cho cả hai. Cũng đã nhiều lần vợ chồng anh quyết tâm cai nghiện nhưng kết quả đều nghiện.

Trên bản Hua Ta cạnh đó, tôi gặp cậu bé Vàng A Tủa, 16 tuổi nhưng trông gầy bé như cái kẹo. Nét mặt nó đờ đẫn, đôi bàn tay mốc thếch, cái áo trên người cũng chẳng còn lấy một chiếc cúc.

Bố mẹ Tủa là Vàng A Ma và Giàng Thị Mú mới 30 tuổi nhưng đã nghiện mấy năm. Vì mải “hít” mà họ chẳng để ý gì con cái. Vàng A Ma chỉ tay ra phía trước mặt nói: “Kia là nhà vợ chồng Giàng A Khua và Mùa Thị Chu, vợ chồng nó cũng giống tao, nghiện hết.

Còn bên cạnh là nhà vợ chồng Giàng A Phử và Mùa Thị Bâu, vợ nó trẻ thôi mà, 20 tuổi đấy, 2 con rồi, đứa lớn được 5 tuổi, nó còn trẻ nên chưa bị nghiện như chồng, nhưng sau này cũng nghiện thôi, khó tránh lắm mà. Bản tao là thế, khổ quá”.

Đi đêm cũng chỉ gặp đêm

Tà Mung phân chia thành 2 khu vực rõ rệt. Nếu chân Tà Mung toàn là đồng bào Thái sinh sống thì đỉnh Tà Mung lại chỉ có người Mông cư ngụ.

Ông Mùa Kè Phử - người bỏ thuốc thành công đầu tiên ở Tà Mung

Để thuận lợi cho quản lý, Chủ tịch xã là người Mông còn Bí thư Đảng ủy là người Thái. Hai khu vực này trước kia cách nhau gần một ngày đi bộ đường rừng nhưng giờ xe máy đã leo lên được một quãng.

Ủy ban xã nằm trên đỉnh Tà Mung, hầu như chỉ có cán bộ, học sinh, thầy cô ở đây biết nói tiếng phổ thông, còn lại đều giao tiếp bằng tiếng bản địa. Từ nhiều năm nay, một số bản Mông trên đó đã có người nghiện thuốc phiện.

Bà Tráng Thị Sung, ở bản Tụ San, năm nay đã 86 tuổi vẫn cố thì thào: “Tao không nghiện nhưng người già vẫn có đấy, bọn nó nghiện hút vì ngày xưa ở đây trồng cây thuốc phiện mà. Bản này có một ông nghiện hơn 70 năm nay rồi, nhưng may là hút nhựa cây anh túc tự trồng nên chưa chết thôi. Còn thuốc mua thì chết lâu rồi. Thanh niên bản tao ngu quá nên nghiện thôi”. 

Chủ tịch xã Mùa A Hụ đau đáu chia sẻ: “Chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp nhưng khó quá. Có những cặp vợ chồng quá nghèo vì nghiện nên xã đã ủng hộ tấm lợp nhà nhưng hôm sau trẻ con bảo, nhà nó bán hết đêm qua rồi”. Quả thực lên vùng cao mới thấy được những nhọc nhằn, vất vả. Địa hình xã Tà Mung khá hiểm trở, chính kẻ xấu đã lợi dụng sự khó khăn, hẻo lánh đó để mang thuốc phiện về bán và reo rắc cái chết trắng cho đồng bào nhẹ dạ, cả tin.

Chủ tịch Mùa A Hụ rất đau lòng trước cảnh nhiều cặp vợ chồng cùng mắc  nghiện trên cái bản nhỏ bé này. Cho đi cai rồi họ nghiện lại thành ra vừa mất của, vừa mất công. Ông kể: “Một lần mình đã rơi nước mắt trước cảnh một đứa trẻ chết mà cha mẹ nó nghiện, nghèo quá không đủ tiền mua quần áo mới thay cho con. Đến nhà nào, bản nào cũng thấy người nghiện, kẻ nằm vật vờ như ma xó, người sòng sọc bên chiếc bàn đèn. Đúng là đi đêm cũng chỉ gặp đêm, nhưng mình nghĩ trước sau gì cũng phải tìm một lối thoát cho dân bản thôi”.

“Tao buồn quá nên bỏ thuốc...”

Đó là tâm sự của ông Mùa Kè Phử, 92 tuổi ở bản Hô Ta, xã Tà Mung. Quê gốc vợ chồng ông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Lúc còn ở quê, 18 tuổi ông đã nghiện thuốc phiện. Đến năm 1971, nghĩa là sau 30 năm, vợ ông là bà Giàng Thị Dở vẫn thấy chồng còn nghiện nên quyết định chuyển về Tà Mung. Tại đây, ông tiếp tục trồng cây thuốc phiện và hút thêm… 23 năm nữa.

Đến năm 1994, ông bỏ thuốc và bà cũng phá luôn vườn cây thuốc phiện. Nhưng lúc ấy thì 4 trên 8 người con của ông đã lần lượt “về đất” lúc chúng còn quá nhỏ vì bị ốm mà không có tiền mua thuốc.

Ông kể về lý do bỏ thuốc của mình: “Năm 1994, thằng con trai cả của tao đẻ đứa con thứ tư. Vợ nó còn chưa kịp hồi sức để lên nương thì nghe tin chồng nó đi xẻ gỗ thuê trên núi bị đá lăn đè chết. Vợ nó buồn, tao cũng buồn, cả nhà tao buồn, cả bản này buồn. Tổng cộng 5 đứa con tao chết, vì tao nghiện thuốc phiện nên không quan tâm đến đàn con. Giờ tao sống cũng như chết. Thuốc phiện là thế đấy”.

Những ngày sau đó, dân bản thấy ông Mùa Kè Phử lang thang như kẻ mất hồn. Khi thì ông ngồi trên tảng đá đưa ánh mắt hoang dại xuống vạt nương, lúc lại tha thẩn trên những cung ruộng bậc thang nham nhở vết chân trâu. Ai hỏi đi đâu ông cũng bảo, tìm con thôi mà.

Nhiều tháng sau, bà Giàng Thị Dở như thấy chồng tỉnh lại. Một hôm, ông nói: "Tao buồn quá, tao sẽ bỏ thuốc phiện". Việc thoát khỏi làn khói trắng oan nghiệt đã khiến ông trở thành một tấm gương sáng giữa bản Mông. Ông chính là người bỏ thuốc thành công đầu tiên ở Tà Mung.

Nghe tin Mùa Kè Phử đã đoạn tuyệt với thuốc phiện, người bạn chí cốt của ông sống cùng bản là Giàng Trùng Tu, 96 tuổi cũng dùng con dao vạch lên tấm vách nhà dòng chữ Mông “Tao cũng bỏ thuốc phiện như Mùa Kè Phử” để mong thằng con trai là Giàng Khua Ninh học tập mình mà giã từ nghiện ngập.

“Chưa đến tuổi thanh niên tao đã là thầy cúng. Mỗi lần đến nhà, họ lại mang thuốc phiện ra mời, lâu dần thành nghiện. Thằng Khua Ninh theo chân tao giờ cũng nghiện. Tao già rồi còn nghiện nên con cháu nó khinh, buồn quá, phải bỏ thuốc phiện thôi à…”.

Tấm gương của 2 “đại thụ” trên Tà Mung là Mùa Kè Phử và Giàng Trùng Tu đã trở thành động lực để nhiều thanh niên ở Tà Mung quyết tâm từ bỏ thuốc phiện. Tà Mung từ ngày đó cũng bớt nghèo, bớt u ám hơn. Giờ đây, dân bản đã nhận ra rằng, chính thuốc phiện là “con ma trắng” gieo rắc cái nghèo, cái đói cho đồng bào. Họ đang quyết tâm từ bỏ nó để mong một ngày, ánh sáng lại về, xua tan đêm tối Tà Mung.

Dân bản là vậy. Còn với các cấp chính quyền, việc các chủ trả công cho người làm thuê bằng thuốc phiện thì phải xử lý ra sao? Mọi việc vẫn còn bỏ ngỏ. Và như vậy, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên