Tuổi thơ bị “đánh cắp”

Anh bạn đồng nghiệp ở Bình Thuận kể tôi nghe chuyện những trẻ em gái đang học lớp 4 - 5 thì bỏ ngang đi lấy chồng, rồi làm mẹ; trẻ em trai 13 - 14 tuổi đã đến nhà bạn gái ngủ, khi có con thì hai bên gia đình làm đám cưới mà chẳng cần đăng kí kết hôn...

Chuyện khó tin nhưng có thật này đã và đang diễn ra ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), cách thành phố Phan Thiết chưa đầy 20 cây số...

Những bà mẹ trẻ con

Khi chúng tôi đến, Mang Thị Nguyệt (ở đội 1, xã Hàm Cần) đang ẵm đứa con còn đỏ hỏn trước ngôi nhà đơn sơ của bố mẹ mình. Một đứa khác “nhỉnh” hơn đang vọc cát chơi cùng đám trẻ con hàng xóm. Bố mẹ và chồng đã lên rẫy từ sớm, Nguyệt ở nhà trông con. Thấy nhà báo đến, một vài người hàng xóm hiếu kì là những bà mẹ trẻ con cũng bồng con chạy sang, nói cười rôm rả. Đám trẻ con lem luốc bỏ chơi chạy cả đến xúm quanh chiếc máy ảnh anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa lấy ra đặt lên bàn. Trong khi tôi hỏi chuyện Mang Thị Nguyệt, mấy bà mẹ trẻ cứ bấm nhau cười khúc khích. Có người còn thản nhiên bảo: “Chuyện lấy chồng sớm ở Hàm Cần này có mà hỏi đến mai cũng không hết, nhà báo mắc công viết làm chi cho mệt...” (?!)

Mang Thị Nguyệt sinh năm 1992. 14 tuổi lấy chồng, một năm sau thì sinh con và bây giờ lại vừa có thêm đứa nữa. Tôi hỏi: “Sao không đi học mà lại lấy chồng sớm thế?”. Nguyệt cúi đầu: “Đứa con gái nào ở đây cũng thế cả! Không sớm đâu...”. “Thế chồng bao nhiêu tuổi, làm gì?”- tôi lại hỏi. Nguyệt trả lời: “Chồng 20. Làm rẫy...”.

Bà mẹ trẻ Mang Thị Nguyệt và đứa con thơ trước căn nhà đơn sơ

Gần nhà Nguyệt có Mang Thị Hiệp, sinh năm 1991. Hiệp lấy chồng cùng năm với Nguyệt nhưng gương mặt già dặn hơn, thoạt nhìn cứ ngỡ... gần ba mươi tuổi. Hỏi chuyện chồng con, Hiệp chỉ cười. Khi chúng tôi xin bồng bé trai con Hiệp một lát, đứa trẻ èo uột khóc ré lên đòi mẹ, Hiệp nhìn xuống cái bụng đã lùm lùm sau vạt áo của mình, đưa tay đỡ con, cô thở dài: “Đợt vừa rồi có đoàn y, bác sỹ tình nguyện về đây khám bệnh cho bà con, họ bảo thằng bé đang bú mẹ nhưng lại sắp có em nên không lớn được...”.

Ở Hàm Cần, những bà mẹ trẻ 15 - 16 tuổi như Mang Thị Nguyệt, Mang Thị Hiệp đã con bồng con bế không phải là hiếm. Có nhiều trường hợp, các em còn đang đi học bỗng dưng bỏ ngang để lấy chồng. Hỏi ra mới biết, khi cái bụng đã lùm lùm đội áo nhô lên thì phải cưới. Như trường hợp của Mang Thị Hến, sinh năm 1993. Hến lấy chồng khi đang học lớp 4, đúng vào lúc chuẩn bị thi học kỳ hai. Khi chúng tôi đến, Hến địu con đi rẫy, không có nhà. Đi cùng chúng tôi có thầy giáo Bùi Văn Khiêm, giáo viên Trường tiểu học Hàm Cần. Thầy Khiêm kể: “Nghe tin Hến lấy chồng, giáo viên chủ nhiệm đến vận động em quay lại lớp nhưng hễ cứ thấy bóng dáng thầy cô là Hến trốn biệt. Mẹ Hến bảo thẳng: “Nó có chồng rồi còn học làm gì nữa! Để nó còn đi làm rẫy nuôi chồng, nuôi con...”. Giáo viên đành quay về dù tiếc vì Hến là học sinh khá trong lớp...”.

Ngoài những trường hợp trên, có thể kể thêm nhiều bà mẹ tuổi 14 - 15 ở Hàm Cần như Mang Thị Thuận, sinh năm 1991, lấy chồng năm 16 tuổi (chồng Thuận 20 tuổi) giờ cũng đã có hai con; Lê Thị Viện, sinh năm 1993, 14 tuổi lấy chồng, có một con và lại đang mang bầu đứa nữa; Mang Thị Chính, Lê Thị Nguyệt đều sinh năm 1991...

Chính quyền buông lỏng?

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã, thầy giáo Bùi Văn Khiêm cho biết: 95% dân số của xã là đồng bào dân tộc Rai, nhận thức kém nên tình trạng tảo hôn ở đây khá phổ biến. Lý do mà người dân đưa ra là gia đình thiếu người đi làm rẫy nên phải cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm. Thầy Khiêm thở dài: “Để xảy ra tình trạng tảo hôn như thế này một phần là do nhận thức của người dân còn kém; nhưng một phần cũng là do sự buông lỏng của chính quyền địa phương. Các trường hợp tảo hôn không được các cơ quan chức năng ngăn chặn hay xử lý kịp thời nên ngày càng có chiều hướng gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy...”.

Những ông bố, bà mẹ trẻ ở Hàm Cần

Những hệ lụy như đói nghèo, lạc hậu, trẻ em không có tuổi thơ, không được cắp sách đến trường... là điều mà ai cũng nhìn thấy ngay trước mắt. Nhưng còn những chấn thương dai dẳng về mặt tinh thần khi các cặp vợ chồng trẻ con lấy nhau rồi sinh con đẻ cái mà chưa có chút kiến thức nào về sức khỏe sinh sản, cuộc sống thiếu thốn dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn, rồi mỗi người một ngả, con cái bơ vơ... cũng là điều không tránh khỏi. Như trường hợp của Trần Thị Thúy, sinh năm 1988. Thúy lấy chồng năm 2001, khi mới 13 tuổi, có một con trai. Anh chồng trẻ con của Thúy sau khi lấy vợ rồi có con mà vẫn không chịu chí thú làm ăn, suốt ngày rượu chè, bài bạc. Bảo nhau không được quay ra đánh nhau và cuối cùng là đường ai nấy đi. Hoặc Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1991, có một con trai, vừa bỏ chồng mới đây, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự...

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc của mình, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hàm Cần, ông Nguyễn Tiến Bình cho biết: “Tình hình tảo hôn ở đây khá căng thẳng và đang có chiều hướng tăng lên. Mỗi năm, ít nhất có 2 - 7 trường hợp sản phụ tuổi vị thành niên đến khám và sinh con tại trạm. Năm 2007 có 5 trường hợp, năm 2008 có 7 trường hợp và từ đầu năm 2009 đến nay đã có 6 trường hợp. Đấy là con số chúng tôi thống kê được, nhưng trên thực tế con số các trường hợp tảo hôn sinh con tại nhà để bà mụ đỡ luôn chiếm 30 - 50%. Đơn giản vì những em tuổi vị thành niên khi sinh con thường rất ngại ra trạm y tế xã để khám và sinh nở cho nên các em thường chọn sinh tại nhà mà không biết rằng,  điều đó rất nguy hiểm...”.

Tuổi thơ của những đứa trẻ ở Hàm Cần đang bị “đánh cắp”

Chia tay Hàm Cần, tiếng thở dài của thầy giáo Bùi Văn Khiêm khiến chúng tôi không khỏi day dứt: “Trẻ em trai 13 - 14 tuổi đã đến nhà bạn gái ngủ, khi nào có con thì hai bên gia đình làm đám cưới mà chẳng cần đăng kí kết hôn. Trẻ sinh ra đến khi đi học mẫu giáo mới được thầy cô làm khai sinh cho. Nhiều cháu đang học lớp 4 - 5 cũng bỏ học để lấy chồng. Chúng tôi đi vận động mãi rồi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của cha mẹ chúng...”.

Bao giờ tình trạng tảo hôn ở Hàm Cần mới chấm dứt, để những đứa trẻ người dân tộc Rai ở đây được vô tư cắp sách đến trường như những bạn bè cùng trang lứa? Đã đến lúc chính quyền địa phương không thể thờ ơ mà phải vào cuộc một cách quyết liệt. Luật pháp cần được thực thi nghiêm để cứu những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ ở Hàm Cần!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên