Tuổi xuân cõng chữ lên non
Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản nơi miền núi cao An Phú, Lục Yên, Yên Bái.
Không sợ khó, không sợ khổ
Từ thị trấn Yên Thế (Lục Yên), phải mất hơn hai giờ đánh vật với con đường đầy sỏi đá và dốc cao, chúng tôi mới tới được trường Trung học cơ sở An Phú, thuộc thôn Khau Vi, xã An Phú, huyện Lục Yên. Ngôi trường nhỏ nằm ở một góc khiêm tốn nơi tận cùng con đường vào xã. Trong cái rét như cắt da thịt của buổi đầu đông, những em học sinh hồ hởi tới lớp với nụ cười thật tươi. Đó là những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi.
26 giáo viên của ngôi trường này, dù đến từ nhiều miền quê khác nhau vẫn luôn động viên nhau, cùng nhau cố gắng dồn hết tâm huyết và nghị lực cho mảnh đất còn nghèo khó này. Họ chính là những bông hoa rừng thầm lặng để làm nên sức sống và hương sắc cho xã vùng cao An Phú. Đối với họ, dù không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng từ lâu, mảnh đất nghèo An Phú đã trở thành nơi gắn bó máu thịt, bởi ở đó, có những học trò nghèo nhưng vẫn không nguôi ý chí quyết tâm học hành.
Ngày mới bước chân tới nơi này, họ còn là những thanh niên trẻ ít biết đến khó khăn với bao bỡ ngỡ. Cô giáo Phí Thị Xuyên tâm sự: “Ngày đầu mới lên đây mình nghĩ mọi thứ đơn giản lắm, đến thị trấn Yên Thế mình thuê xe ôm lên được nửa đường thì đường lầy quá nên đành phải đi bộ gần chục cây số. Lúc đó lại đi dép cao gót nữa chứ, vật lộn mãi mình mới lên được đến trường…”. Sinh ra ở Thái Nguyên, tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên năm 2004, Phí Thị Xuyên tình nguyện lên mảnh đất vùng cao An Phú này để dạy học. Khi đó, cô mới vừa tròn 23 tuổi. “Mới đầu nghe tên An Phú có vẻ hay hay, và các chú ở Phòng giáo dục huyện trêu rằng, ở trên An Phú mát và đẹp như Sa Pa ấy, thế rồi lên mới biết mình bị… mắc lừa. Nhưng rồi, càng ngày mình lại càng thấy gắn bó hơn với ngôi trường này” - Phí Thị Xuyên cười.
Không sợ khó, không sợ khổ |
Còn đối với thầy hiệu trưởng Trần Tú, người gắn bó với mái trường này ngót chục năm thì ngôi trường nghèo này đã trở thành mái nhà thứ hai của mình. Thầy Tú lên đây năm 2000, khi đó, mọi thứ còn hoang sơ, chưa có điện, trường thì mái lá vách nứa, nước thì phải đi gánh ở nhà dân. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Yên Thế nhưng với lòng nhiệt huyết và mong muốn đem cái chữ tới cho học trò nghèo vùng cao, mới tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, thầy đã tình nguyện lên đây công tác. Thầy Tú chia sẻ: “Ước nguyện lớn nhất của mình kể từ khi chọn ngành sư phạm là được lên vùng cao công tác, mình không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong sao đem hết những gì mình học được để giúp quê hương bớt nghèo…”.
Như… “Ngưu Lang - Chức Nữ”
Hằng ngày, sau những giờ miệt mài đứng lớp, đã không biết bao đêm, các cô phải thức trắng, ứa nước mắt khi nhớ về gia đình. Mỗi lần chứng kiến cảnh gia đình nào đó quây quần bên nhau là họ lại chạnh lòng. Trước khi lên đây công tác, cô Phí Thị Xuyên đã lập gia đình. Chồng cô là bộ đội nên cố gắng lắm một năm hai người cũng chỉ gặp nhau được một, hai lần. Từ đây về quê hơn 300km, đường xá cách trở nên rất ít khi cô có dịp được về thăm nhà. Cùng cảnh ngộ như cô Xuyên, cô Vi Phong Hoa đã gắn bó với ngôi trường này từ khi mới thành lập. Quê chồng ở Yên Thắng, Lục Yên, cách trường hơn 30km, cô lên đây để lại người chồng ở nhà một mình lo việc ruộng nương. “Thời đó lương giáo viên thấp lắm, không đủ ăn, thi thoảng lại về nhà lấy gạo hoặc chồng lại mang lên cho… nghĩ mà cũng tội cho anh ấy. Suốt đời làm hậu phương cho vợ” - cô Hoa nghẹn lời khi nói về người chồng ở quê nhà.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái năm 2007 và lập gia đình chưa được bao lâu, cô giáo trẻ Lưu Thị Thảo đã tình nguyện lên đây công tác. Xa nhà gần 200km, anh Đường Văn Bảo - chồng cô Thảo, làm xây dựng, nên quanh năm anh phải đi theo các công trình. Vì thế, phút gặp gỡ giữa hai người thật hiếm hoi. Ngày chúng tôi tới thăm khu ký túc của các cô cũng là lúc chồng cô mang bó hoa tươi thắm tới tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, dù đã qua ngày ấy được mấy ngày. Bó hoa muộn màng nhưng với tình cảm chân thành của người chồng lặn lội hàng trăm cây số đến thăm, cô Thảo đã không cầm được nước mắt. Và chính những bó hoa ấy từ những người thân nơi phương xa đã giúp những giáo viên cắm bản như cô vơi đi nỗi nhớ thương, giúp họ có thêm nghị lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi bản nghèo.
“Mặc dù xa gia đình, thiếu thốn mọi mặt nhưng các cô giáo ở đây luôn đạt 100% giờ dạy giỏi, làm tốt mọi nhiệm vụ được giao và đặc biệt rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy…” - thầy hiệu trưởng Trần Tú cho biết.
… Và những mối tình trăm năm
Nhìn đôi vợ chồng trẻ Hoàng Chí Cường và Hoàng Thị Thắm quấn quýt bên nhau như đôi bồ câu, ai cũng mừng cho hạnh phúc của hai người. “Nhờ lên đây công tác mà mình cưới được cô ấy đấy, bạn mình ai cũng khen mình đào hoa mới lấy được cô ấy…” - thầy giáo Cường cười đầy hạnh phúc. Cùng tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái năm 2007 và tình nguyện lên đây công tác, chính ngôi trường này đã se duyên chắp mối cho đôi vợ chồng. Không riêng gì họ, chính nơi đây đã giúp nhiều cô giáo đến từ những miền đất khác nhau tìm được một nửa của đời mình. Nhiều người trong số họ đã lên chức bà như cô Hoàng Thị Luyện (sinh năm 1962, quê Xuân Long, Yên Bình, Yên Bái), cô Trịnh Thị Tinh (sinh năm 1958, quê Minh Tiến, Lục Yên, Yên Bái), cô Hà Thị Hạnh (sinh năm 1959, quê Ngọc Chấn, Yên Bình, Yên Bái)…
Thời gian trôi đi, bao lớp giáo viên vùng cao vẫn động viên nhau, cùng chia sẻ mọi buồn vui và âm thầm cống hiến để đem những con chữ đến với miền đất nghèo An Phú. Và với họ, những bó hoa cho ngày 20/11 của người thân từ phương xa dẫu có đến muộn màng cũng đủ để ấm lòng trong những ngày đông lạnh giá, giúp họ có thêm nghị lực để gắn bó với mảnh đất này./.