Tướng cướp hoàn lương

Hung hãn, táo tợn nổi tiếng đất Hà thành, những tưởng cuộc đời của tướng cướp Bình Bò sẽ mãi đắm chìm trong đêm tối và gắn liền với bốn bức tường đá lạnh…

Nhưng sự quyết tâm làm lại cuộc đời và tình yêu sắt son của cô hàng nước đã khiến Phạm Văn Bình - tức Bình Bò - lột xác trở thành vị giám đốc thành đạt của Công ty Cổ phần Thanh Bình ở đất Phú Xuyên, Hà Nội.

“Thành tích” bất hảo

Bỏ học từ năm lớp 7, nghe theo lời bạn bè xấu rủ rê, Phạm Văn Bình nhanh chóng trở thành đứa trẻ hư, bị người thân và bạn bè xa lánh. Để có tiền đua đòi theo lũ bạn, Bình đã tham gia vào nhiều vụ trộm cắp, đánh nhau rồi trở thành tên cướp khét tiếng lúc nào không hay. Bạn bè của Bình toàn là những tay anh chị có tiếng ở đất Hà thành, Hải Phòng, Nam Định... chuyên trộm cắp, đánh nhau. Trong một lần tham gia vào một vụ cướp ở phố Chùa Bộc, Hà Nội, Bình và đồng bọn đã bị bắt vào trại cải tạo ở Thanh Hoá, khi ấy, Bình đã có vợ và một cậu con trai.

Với bản tính ngang tàng, táo tợn nên mặc dù đã vào trại giam, Bình vẫn hay gây sự đánh nhau với bạn tù và liên tục bị kỷ luật nên trong khi các bạn tù trong vụ đó lần lượt được ra tù thì anh vẫn phải ở lại trại cải tạo thêm 4 năm nữa. Trong thời gian anh ở tù, vợ anh đến thăm nom đã phải lòng anh bạn tù tên T ở phố Giảng Võ. Sau khi T ra tù, vợ anh đã bỏ con lại cho ông bà nội để theo hắn. Mất vợ, nhà cửa tan nát, Bình quyết định trốn trại tìm tình địch trả thù.

Năm 1987, lợi dụng trại đang chuẩn bị đón giao thừa, Bình thực hiện vụ trốn trại thành công. Anh lang thang khắp nơi mong tìm tình địch trả thù, nhưng trong một lần nghe được câu chuyện về một người đàn ông giết người phải vào tù, vợ tự tử, con cái bơ vơ không người thân thích, ngẫm lại, âu gia đình tan vỡ cũng do người chồng mà nên, anh quyết định không trả thù nữa mà về Hà Nội nằm vùng.

Sau một năm, do biết tường tận mọi khu vực trong trại giam trước nên Bình quyết định đột nhập lấy đi 2 khẩu súng K54, một khẩu K59, 4 quả lựu đạn và một lê AK. Bình làm lễ lại mặt với giới giang hồ bằng phi vụ cướp vàng có vũ khí ở huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Sơn Bình cũ (nay là Hà Nội và Hòa Bình) làm xôn xao dư luận. Vàng không cướp được nhưng Bình và đồng bọn bị công an truy đuổi ráo riết.

Trong khi vụ cướp vàng còn chưa chìm xuồng thì Bình Bò và hai tên đồng bọn chặn đường đại uý Đỗ Văn Quảng - Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Cuộc đọ súng diễn ra rất quyết liệt. Sẵn có khẩu súng K54 trong tay, Bình bóp cò làm đại uý Quảng bị thương ở đùi, sau đó cướp chiếc xe Honda Cub 72 của anh Quảng và bỏ trốn. Bình và đồng bọn bị truy nã trên khắp cả nước.

Sau một thời gian, Đội cảnh sát hình sự phụ trách truyến đường A1 phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn thường qua lại quán nước của chị Đoàn Thị Huyền ở Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình cũ, trong đó tên Tuấn - người yêu Huyền - được xác định chính là Bình Bò. Đại tá Trần Sỹ My - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Hà Sơn Bình - trực tiếp phụ trách chuyên án này quyết định kêu gọi Bình ra đầu thú để nhận được chính sách khoan hồng của Nhà nước. Và người trực tiếp vận động Bình ra đầu thú không ai khác chính là Huyền - một cô hàng nước mảnh mai đã cảm hóa được tên tướng cướp khét tiếng.

Bước ngoặt cuộc đời

Mới đầu, nghe Huyền đề cập đến việc ra đầu thú, Bình còn chần chừ không chịu vì biết với những tội danh của mình thì ít nhất cũng phải bóc trên dưới hai mươi cuốn lịch trong tù. Nhưng khi thấy Huyền khóc lóc năn nỉ và lời hứa của bố Huyền chắc như đinh đóng cột: “Nếu mày chịu ra đầu thú thì tao sẽ gả cái Huyền cho” thì anh đã quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi. Anh ra đầu thú với một khẩu súng K59 và 4 quả lựu đạn, xin được về quê ba ngày để ăn rằm và tạm biệt người yêu.

Trước khi vào tù, Bình được về quê cưới vợ. Anh Bình chia sẻ: “Khi biết tôi mang tội tày trời nhưng Huyền vẫn một mực yêu thương và tin tưởng khiến tôi thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình và người con gái mình yêu”. Sau vài ngày ngắn ngủi bên người vợ trẻ, Bình phải quay lại thụ án. Còn chị Huyền vẫn ngày ngày làm lụng không kể khó khăn vất vả để thăm nom và chờ chồng.

Khác với lần cải tạo trước, Bình tuyệt đối chấp hành quy định của trại, hăng say với công việc để chuộc lại những lỗi lầm xưa. 12 năm tù dài đằng đẵng tưởng chừng như cướp hết tuổi thanh xuân của Bình nhưng nhờ cải tạo tốt và đã 3 lần lập công nên đến năm 1995, anh đã trở về với gia đình trong một lần đặc xá sau 6 năm 3 tháng cải tạo. “Những tháng ngày trong tù là thời gian tôi suy nghĩ nhiều nhất nhưng lại cảm thấy lòng mình thanh thản hơn bao giờ hết”- anh Bình tâm sự.

Sau khi ra tù, anh quyết định lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Nhưng trên bước đường hoàn lương, anh đã gặp không ít khó khăn bởi những cám dỗ, những lời dị nghị của xóm làng.

Khởi đầu sự nghiệp bằng đôi bàn tay trắng với số vốn ban đầu là tình yêu và sự quyết tâm nên dù vất vả, vợ chồng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Hai vợ chồng làm việc không nề hà vất vả, hết làm cửu vạn rồi đóng gạch, buôn củi, buôn hoa quả kèm theo mấy mẫu ruộng, chăn nuôi lợn gà nhưng mãi mà vẫn không để ra được đồng nào nên bố mẹ chị Huyền quyết định cho vợ chồng anh mượn “sổ đỏ” để vay tiền ngân hàng lấy vốn làm ăn.

Cảm động trước tình thương và sự tin tưởng của bố mẹ vợ nên sau khi vay tiền ngân hàng, hai vợ chồng anh quyết định mua một máy ủi đi ủi đất thuê. Với kinh nghiệm sẵn có sau những tháng ngày làm thuê cuốc mướn và điều kiện làm ăn thuận lợi nên anh chị ngày càng ăn nên làm ra. Chỉ sau hai năm, hai vợ chồng đã trả hết số nợ ngân hàng, lấy lại sổ đỏ cho bố mẹ và còn dư tiền để mua thêm máy mới.

Cứ thế, đến năm 2006, anh Bình cùng một số anh em chung vốn thành lập Công ty Cổ phần Thanh Bình chuyên về mảng thi công công trình xây dựng, đào mương máng, san lấp mặt bằng… với số vốn điều lệ là gần 5 tỷ đồng do chính anh làm giám đốc. Đến nay, nhờ vào nỗ lực của bản thân, anh đã có một cơ ngơi khang trang với người vợ hiền và ba cậu con trai ngoan ngoãn. Công ty anh không ngừng lớn mạnh với nhiều hợp đồng từ khắp nơi bay về.

Một khách hàng thân thiết của anh Bình cho biết: “Lúc đầu, biết đến quá khứ của Bình, tôi cũng thấy ái ngại nhưng nghe nói đây là công ty làm ăn có uy tín nên tôi cũng đánh liều ký hợp đồng. Sau một thời gian làm việc, tôi thấy anh là người có trách nhiệm, lại thật thà vui tính nên từ đó hễ có việc tôi lại tìm đến công ty của anh”.

Cuộc sống kinh tế ổn định, Bình lại cùng với các chiến sỹ công an tham gia vận động những người lầm lỗi trở về với cuộc sống lương thiện. Trong hành trình thuyết phục các đối tượng ra đầu thú, anh Bình gặp không ít khó khăn nhưng nhờ vào tấm lòng chân thật, mong người khác không đi theo con đường lầm lỡ của mình, anh đã thuyết phục được nhiều người ra đầu thú để trở về cuộc sống lương thiện.

Trong số đó, phải kể đến việc anh vận động D.V.Đ - một đối tượng giết người bỏ trốn vào Nam đang bị truy nã trên toàn quốc. Anh đã vận động gia đình đối tượng cho biết nơi ẩn náu của D.V.Đ rồi một mình lặn lội vào tận trong Nam để khuyên nhủ, động viên đối tượng, kể cho D.V.Đ nghe về cuộc đời của mình. Cuối cùng, chính anh là người đưa đối tượng lên công an đầu thú. Sau 5 năm cải tạo tốt, D.V.Đ đã được trở về với gia đình, hiện tại đang là chủ một cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội.

Sau những lầm lỡ, anh Bình giờ đã tìm lại được chính mình và có một cuộc sống hạnh phúc với công việc và tổ ấm gia đình của mình. Anh tâm sự: “Quay đầu là bờ - đó là điều tôi muốn nói với những người đã và đang mắc sai lầm”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên