Vẫn dấu chấm hỏi… làng ung thư?

Trong một năm mấy chục người dân ở thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc, Mê Linh,Hà Nội) chết vì bệnh ung thư. Thế nhưng đến giờ chính quyền, hay các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời chính thức để người dân bớt hoang mang.

Một vùng quê yên bình. Bao đời nay người dân vẫn sống hiền hòa với nghề nông. Lịch sử vùng đất này không có các nhà máy, khu công nghiệp hay những hầm kho chứa thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm.

Người dân nơi đây đang hoang mang lo lắng vì có quá nhiều người bị chết vì một căn bệnh. Một không khí tang tóc đang bao trùm trên bầu trời khu 4 (thôn Xa Mạc) khi giờ đây hàng chục con người đang ngày đêm đau đớn, vật vã với căn bệnh ung thư quái ác. Họ đang đếm từng ngày, từng giờ để “chờ” là người tiếp theo chia tay dân làng về với thế giới bên kia, trong khi không giải thích được vì sao lại mắc bệnh? 

Sống trong sợ hãi

Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì tiếc thương người đã ra đi, nhưng hằn sâu trong tâm trí những người ở lại vẫn nơm nớp lo sợ, biết đâu một ngày nào đó bóng ma ung thư sẽ ập đến với mình.

Căn nhà tuềnh toàng của anh Phạm Văn Long ở khu 3 - thôn Xa Mạc càng nặng nề hơn khi trong nhà có bố đẻ đang ốm liệt giường, còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Luyến đang phải điều trị hóa chất vì căn bệnh ung thư vú. Các con đang tuổi ăn, tuổi học, tất cả gánh nặng dồn hết lên đôi vai người trụ cột. Sau tiếng thở dài đầy khắc khổ, anh Long kể: “Đợt điều trị hóa chất vừa qua của vợ tiêu tốn mất hơn 50 triệu đồng. Nhà làm nông nghiệp cho nên tất cả đều đi vay mượn của anh em bạn bè, giờ lại phải ở nhà chăm sóc cho bố đang đau ốm, không biết bao giờ mới trả được nợ mà làm ăn”.

Gia đình anh Phạm Văn Long và Chị Nguyễn Thị Yến bị bệnh ung thư

Có lẽ hoàn cảnh của em Bùi Thị Thu Hằng ở thôn 1 là bất hạnh nhất. Bố mất sớm vì tai nạn giao thông, mẹ lại đau ốm liên miên. Người anh trai bị bệnh tâm thần. Mọi công việc đều đến tay cô bé còn đang tuổi đi học. Tưởng rằng những mất mát đã đến với gia đình em như thế đã là quá nhiều, nhưng cách đây ít lâu em đi khám sức khỏe thì phát hiện bị mắc bệnh ung thư máu. Người mẹ không còn nước mắt để khóc thương cho đứa con gái yêu quý. Cô bé tuổi 17 chưa thể hết bàng hoàng khi những bất hạnh chết người cứ ập xuống gia đình mình.

Nhìn khuôn mặt đờ đẫn của anh Nguyễn Văn Hợi ở khu 3- Xa Mạc có bố là ông Nguyễn Văn Đoàn bị bệnh ung thư gan, mới thấy những mệt mỏi, tuyệt vọng của người dân nơi đây. Ông Đoàn phát hiện bị ung thư từ đầu năm 2009 trong một lần khám bệnh. Mặc dù đã điều trị tích cực ở Bệnh viện U bướu Hà Nội, nhưng cách đây vài ngày bệnh viện “trả” ông về gia đình để điều trị theo yêu cầu. Anh con trai vẫn chưa giải thích được tại sao ông lại mắc bệnh ung thư gan, bởi cả đời ông chỉ làm nông nghiệp tại địa phương. Bản thân ông không phải là người nghiện rượu, hay thuốc lá? 

Anh Nguyễn Văn Hợi đang chăm sóc cho cha bi ung thư

Cơ quan chức năng ở đâu?

Người dân nơi đây đặt ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư. Liên Mạc là một xã thuần nông. Xung quanh không gần một nhà máy, khu công nghiệp, hay kho chứa thuốc bảo vệ thực vật nào trên địa bàn. Nguyên nhân đầu tiên được người dân đặt ra là ô nhiễm do nguồn nước sinh hoạt, vì hiện nay xã Liên Mạc chưa có hệ thống nước sạch, 100% người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan. Nguyên nhân thứ hai là xuất phát từ nguồn thực phẩm nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, hay các chất dễ gây ung thư có trong thức ăn…

Theo ông Nguyễn Văn Lợi ở khu 3 – thôn Xa Mạc thì nguồn nước nơi đây rất kém, nước giếng khoan bơm lên có màu vàng nhạt, vị tanh, có rất nhiều cặn sắt li ti lẫn trong nước. Nước bơm lên có hiện tượng lắng cặn, ấm đun nước cứ khoảng sau một vài tháng lại bóc được một lớp vôi dày đóng chặt dưới đáy. Nếu muốn dùng để sinh hoạt thì phải trải qua công đoạn lọc, rồi để lắng mới sử dụng được.

Ông Nguyễn Văn Lợi với công trình lọc nước nhà mình

Ông Lợi cho biết để xây dựng được một hệ thống lọc nước cẩn thận thì phải mất gần 20 triệu đồng, nhân dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp lấy đâu ra tiền để xây dựng. Nhiều gia đình khó khăn đành nhắm mắt dùng trực tiếp nước bơm từ dưới giếng lên để ăn uống, giặt giũ.

Xã Liên Mạc có 3 thôn với 11 khu, riêng khu 4 có số người mắc bệnh ung thư cao nhất. Theo thông kê của trạm y tế địa phương thì năm 2009, toàn xã có gần 30 người mắc bệnh ung thư, nhưng con số chính thức có lẽ còn cao hơn. Ông Tạ Quốc Vinh- Trạm phó trạm y tế xã Liên Mạc cho biết: “Mặc dù là trung tâm y tế cấp cơ sở nhưng những người dân qua đây cũng chỉ để xin giấy giới thiệu để lên chữa bệnh ở tuyến trên. Thông tin về số người mắc ung thư chỉ qua những lần họ lên xin giấy giới thiệu và thông báo khai tử của chính quyền xã”.

Danh sách bệnh nhân sẽ còn dài thêm?

Hiện trong xã còn rất nhiều người đang chịu nỗi đau đớn về bệnh tật, và ngày đêm phải chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác như ông Nguyễn Ngọc Bảo, 69 tuổi ở khu 4- Xa Mạc; ông Nguyễn Ngọc Lưu ở khu 4 - Xa Mạc; ông Phạm Văn Điều ở khu 3 - Xa Mạc; ông Nguyễn Văn Tạo, 62 tuổi, khu 1- Xa Mạc; bà Nguyễn Thị Thơ, 45 tuổi, khu 1- Xa Mạc và chị Nguyễn Thị Hương, 42 tuổi, khu 4- Xa Mạc đều bị ung thư dạ dày; bà Bùi Thị Tới, 60 tuổi, ở khu 1 -Xa Mạc; chị Nguyễn Thị Luyến, 38 tuổi, khu 3 bị ung thư vú; chị Lê Thị Phượng, 24 tuổi, khu 5-Yên Mạc, bị ung thư phổi; chị Trần Thị Lý, 33 tuổi, khu 6 -Yên Mạc, ung thư tử cung.

Chỉ hơn một năm mấy chục con người tự nhiên đổ bệnh và ra đi, trong khi chính quyền nơi đây vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Chưa có một cơ quan nào có trách nhiệm về đây nghiên cứu để có một câu trả lời thích đáng cho người dân nơi đây về căn nguyên gây bệnh. Và không biết người dân Liên Mạc phải sống trong thấp thỏm lo sợ đến bao giờ khi mỗi ngày lại có thêm người bị ung thư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên