Về làng “đại dịch” HIV/AIDS

Sau khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1999, xã Vũ Tây (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) trở nên nổi tiếng cả nước bởi “cơn bão” mang tên HIV/AIDS.

Toàn xã với hơn 9.000 nhân khẩu nhưng có tới hơn 200 con nghiện, trong đó 120 người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nếu xét bình quân đầu người, Vũ Tây là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất toàn quốc.

Thời điểm ấy, không khí hoang lạnh bao trùm xã Vũ Tây. Người dân không dám đi đâu ra khỏi lũy tre làng, và người ngoài cũng e ngại không muốn đến. Nhưng nay, Vũ Tây đã đổi khác…

Những ký ức buồn...

Cách thành phố Thái Bình không xa nhưng Vũ Tây là một xã thuần nông, một năm làm hai vụ lúa và một vụ màu, còn lại phần lớn thời gian là nông nhàn, tất cả đều trông vào hạt thóc. Giống như những “làn sóng” đi Đài Loan, Hàn Quốc... bấy giờ, đám đàn ông, trai tráng ở Vũ Tây cũng chẳng chịu ngồi yên. Họ rủ nhau lập thành từng nhóm ngược Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn xẻ gỗ, làm đường; nhưng đông nhất vẫn là “đội quân” đến Quảng Ninh đào than thổ phỉ hoặc đội than thuê cho các ông chủ hầm lò. Sống xa gia đình, không có người quản lý, tiền bạc lại xông xênh nên một số bắt đầu sa đà vào các tệ nạn xã hội. Nhẹ thì cờ bạc, nặng hơn là tập tành hút xách, ma túy, mại dâm...

Đưa chúng tôi về Vũ Tây, nơi một thời bị coi là “ổ dịch” HIV/AIDS của Thái Bình, ông Nguyễn Thanh Sơn - cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Thái Bình -  cho biết, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1999, nạn nhân và cũng là thủ phạm chính là cánh thanh niên trai tráng đi làm ăn xa lúc nông nhàn. “Như bao vùng quê khác ở Thái Bình, hằng năm hết vụ lúa, trai tráng lại rủ nhau đi làm ăn xa: phu hồ, xẻ gỗ, đội than... đủ thứ nghề. Khi trở về, ngoài mang theo tiền bạc, họ còn mang về cả những tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy...” - ông Sơn tâm sự như muốn lý giải quá trình lây lan của mầm bệnh thế kỷ này.

Thôn Tiền Phong với mô hình tự quản  đẩy xa tệ nạn

Khi một số trong đám thanh niên đã có những biểu hiện tụ tập hút chích ma túy, nhiều gia đình đã vận động con em mình đi xét nghiệm. Kết quả thật kinh hoàng: 28 người đi xét nghiệm đợt đầu tiên có tới 25 người cho kết quả dương tính với HIV. Thật không ngờ khi trước đó không lâu, người dân  Vũ Tây còn tưởng HIV/AIDS là cái gì đó mơ hồ nằm ở tận đẩu đâu trên thế giới, hoặc thi thoảng nghe nói tới trên truyền hình. Vậy mà nay nó đã xuất hiện ngay giữa làng, như cơn lốc dữ gieo rắc sự kinh hoàng. Từ bạn nghiện lây sang nhau, chồng lây sang vợ, mẹ truyền sang con, mỗi năm Vũ Tây phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mới.

Trong số hơn 120 ca nhiễm HIV được phát hiện ở Vũ Tây, tính đến thời điểm này đã có 60 trường hợp tử vong vì AIDS. Từ một xã giàu nhất, nhì huyện, Vũ Tây bỗng trở nên hoang tàn, làng xóm tiêu điều, nhiều gia đình tan nát...

“Đội đặc nhiệm” làng

Xã Vũ Tây có 9 thôn thì tới 8 thôn có người nhiễm HIV/AIDS, duy nhất chỉ có thôn Tiền Phong là “miễn nhiễm” với đại dịch này. Sống giữa “ổ dịch”, nguy cơ lây nhiễm là rất cao nhưng hàng chục năm nay, thôn Tiền Phong vẫn không có người nào mắc bệnh. Lý giải điều này, Trưởng thôn Tiền Phong Bùi Duy Hoàng cho biết: “Tất cả đều do con người mà ra...”.

Thời điểm phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, tệ nạn xã hội ở Vũ Tây diễn biến vô cùng phức tạp. Cùng với việc có người nghiện đã nhen nhóm nhiều tụ điểm bán ma túy. Xác định đây chính là nguyên nhân phát sinh ra nhiều tệ nạn khác và là nhân tố phát tán HIV, chính quyền xã Vũ Tây đã đề nghị huyện và tỉnh cho tổ chức thành lập mô hình thôn tự quản. Mô hình này có sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, đồng thời tuyên truyền đến từng hộ gia đình cam kết không có con em nghiện hút. Thôn Tiền Phong được chọn là nơi đầu tiên triển khai mô hình này.

Ngay sau khi được huyện và xã tin tưởng chọn làm nơi triển khai mô hình điểm thôn tự quản, thôn Tiền Phong đã tiến hành họp và bầu ra lực lượng nòng cốt bao gồm 49 người, chia đều thành 7 tổ, phân công phụ trách địa bàn từ đầu cho đến cuối thôn, ông trưởng thôn Bùi Duy Hoàng là tổ trưởng. Hoạt động của “đội đặc nhiệm” này khá đặc biệt. Gia đình nào trong thôn có con cái đi làm ăn xa đều được người trong tổ đến động viên, tuyên truyền về tác hại của ma túy, HIV; vận động gia đình cam kết không để con em mình dính vào các tệ nạn xã hội. Đối với người đi làm ăn xa trở về, lập tức có người đến thăm hỏi công việc, thu nhập và cung cấp luôn tình hình “thời sự” trong thôn, xã.

“Giữa lúc bình thường thì những việc như thế này dễ bị coi là hình thức, ảnh hưởng đến sinh hoạt của mỗi gia đình. Tuy nhiên, trước cảnh “dầu sôi lửa bỏng” như thế, cứ chứng kiến hàng chục người nhiễm HIV/AIDS chết dần chết mòn mà không có tiền chạy chữa, xóm làng ghẻ lạnh, người thân xa lánh thì ai cũng hiểu và ủng hộ việc làm của chúng tôi” - ông Hoàng tâm sự.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động, “đội đặc nhiệm” còn kiêm luôn cả nhiệm vụ... cảnh giới. Trong khi đi làm đồng áng, nếu phát hiện đối tượng xấu, ngay lập tức đội sẽ cử người đi tuần tra, theo dõi, cảnh báo, thấy cần có thể răn đe, thậm chí đuổi ra khỏi làng. Ban đêm, nếu có con nghiện nào lảng vảng hút chích, lực lượng “đặc nhiệm” sẽ đánh kẻng báo động. Bằng những việc làm như thế, thôn Tiền Phong và sau này cả xã Vũ Tây đã dần đẩy lùi tệ nạn ma túy, số người nhiễm HIV không còn tăng thêm.

“Vì ngày mai tươi sáng...”

Nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” xã Vũ Tây được thành lập tháng 2/2005 trong hoàn cảnh nhiều gia đình có người thân bị chết vì HIV/AIDS đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Trưởng nhóm, bà Vũ Thị Biển, người lây nhiễm HIV từ chồng, tâm sự với chúng tôi: “Với tinh thần tự nguyện của 62 hội viên đều là những người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, chúng tôi có chung nỗi đau về tinh thần, sự mặc cảm vì bệnh tật, cuộc đời còn lại thật ngắn ngủi. Vì thế, mỗi hội viên có hoàn cảnh khác nhau đã tìm đến đây để động viên, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau...”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, thời gian qua (kể từ ngày thành lập nhóm - PV) có 11 hội viên đã qua đời, còn lại 51 hội viên (25 nữ, 26 nam) trong đó có 37 hội viên thuộc xã Vũ Tây, 14 hội viên còn lại thuộc các xã khác trong huyện. “Chúng tôi được tham gia lớp tập huấn truyền thông HIV/AIDS do tỉnh tổ chức, được trang bị kiến thức để trở thành những tuyên truyền viên, góp một phần nhỏ bé của mình với phong trào phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn mại dâm...” - bà Biển chia sẻ.

Tiếp chúng tôi, ông Tạ ánh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây, cho biết: “Từ khi Vũ Tây trở thành “hiện tượng” HIV của cả nước, chúng tôi đã phải vật lộn chống chọi với căn bệnh thế kỷ này. Người bệnh chống chọi với bệnh tật đã đành, nhưng những người không mắc bệnh, từ chính quyền cho đến người dân trong xã phải làm mọi cách để HIV không lây rộng ra.

Mặt khác, chúng tôi phải tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ với người bệnh để họ không bị tổn thương về mặt tinh thần, quan hệ trong gia đình, làng xóm. Ngay cả chính quyền cũng phải chấp nhận hy sinh về mặt thành tích, phải nói thẳng, nói thật để cấp trên và nhân dân nhìn nhận và có những hành động cụ thể, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, HIV.

Từ năm 2003 đến nay, xã không phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm HIV mới và ma túy thì đã dẹp bỏ được hoàn toàn...”.

Đến Vũ Tây hôm nay, người ta đã thấy một diện mạo khác. Nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. Nơi ấy có những tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ thơ, và những mái ấm đã không còn thiếu vắng những người mẹ, người cha…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên