Về nơi "xuất khẩu" cô dâu

Xã ven biển Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) nổi tiếng là nơi “xuất khẩu cô dâu” vào loại nhất nhì cả nước. Nhưng đằng sau những cuộc hôn nhân ấy, còn là biết bao điều khó lường khi tất cả đều được dàn xếp bởi bàn tay của những bà mối.

Kỹ nghệ “xuất giá tòng… Tây”

“Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Đại Hợp đang mất cân bằng dân số nghiêm trọng. Phụ nữ đến tuổi cập kê là bắt đầu nhắm lấy chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Đến nỗi trai làng Đại Hợp phải đi khắp nơi tìm vợ” - ông Hoàng Xuân Tiến,  Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp chia sẻ với chúng tôi về việc lấy chồng ngoại của phụ nữ tại địa phương.

Ngồi ở phòng Trưởng Công an xã, chúng tôi gặp chị Đồng Thị Hạnh đến xin làm thủ tục tạm trú tạm vắng. Chị Hạnh là người Đại Hợp nhưng sang Đài Loan lấy chồng từ cách đây 7 năm. Lần này về thăm nhà, chị mang đứa con gái 5 tuổi về thăm ông bà.

Lúc đầu, mục đích của chị không phải sang Đài Loan lấy chồng mà là đi xuất khẩu lao động, dần dần bén duyên với anh công nhân làm cùng trong công ty sản xuất dụng cụ y tế. Thế là họ nên duyên mà không phải qua sự mối lái, giới thiệu nào. Mỗi năm, chị Hạnh đưa con về thăm ông bà ngoại 1 lần, còn chồng chị thì phải 2-3 năm mới về. Đây là một trong rất ít trường hợp cô dâu Đại Hợp tự bén duyên người nước ngoài và hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Theo Trưởng Công an xã Phạm Bình Văn, hằng năm có đến 60 - 70 cô gái ở xã Đại Hợp xuất giá đi làm dâu nước ngoài. Trước đây, là Đài Loan, Trung Quốc; vài năm trở lại đây có nhiều trường hợp xuất giá sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh…

Ngày nào cũng thế, trước cửa UBND xã luôn phất phơ tấm bảng niêm yết công khai danh sách các cô chuẩn bị lấy chồng nước ngoài. Danh sách này chưa kịp gỡ xuống thì danh sách mới lại đè lên.

Ở Đại Hợp thường xuyên diễn ra những đám cưới kiểu chớp nhoáng: chú rể ghé thăm nhà cô dâu trong vòng chưa đầy 2 tiếng. Mới đây, dân làng Quần Mục, xã Đại Hợp cũng chứng kiến 1 đám cưới như thế: Đoàn nhà trai dự đám cưới chỉ một mình chú rể người Hàn Quốc được bà mối dắt tay đến. Nghe đâu, chú rể gấp 3 lần tuổi cô dâu (cô dâu 19, chú rể hơn 60). Mọi thủ tục chỉ tiến hành trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, quan trọng nhất là màn chú rể… trao phong bì cho nhà gái. Trao xong, cả cô dâu và chú rể được bà mối đưa thẳng xuống Đồ Sơn hưởng tuần trăng mật.

Con gái đến tuổi cập kê, tuổi lấy chồng ở Đại Hợp không phải là không đủ “cung” cho nhu cầu cưới vợ của trai địa phương. Đáng buồn là cô gái và gia đình thường thích lấy chồng ngoại. Theo như tính toán thì lấy chồng ngoại sẽ sung sướng hơn - đây được xem là bài toán để cải thiện, vực dậy kinh tế cho cả gia đình. Chỉ cần “đầu tư” một ít tiền mối lái, những gia đình chấp nhận “bán dâu” có thể có ngay một khoản tiền không nhỏ. Ra nước ngoài, nếu cô dâu làm ăn tốt, có lộc của chồng thì còn có thể gửi tiền về xây nhà cho bố mẹ.

Trước những hứa hẹn về một cuộc sống như vậy, không ít gia đình ở Đại Hợp chẳng cần quan tâm đến đám trai làng, đặt lệnh “cấm cửa” nếu có chàng nào mon men đòi tán tỉnh con gái họ. Trai làng mới mon men ngoài ngõ, bà mẹ đã chạy ra “đánh tiếng”: “Em nó có nơi có chốn rồi”!

Nam thanh niên ở Đại Hợp giờ muốn lấy vợ đành trông chờ vào… nhà máy sản xuất giầy da Hải Phòng. Nhà máy này thu hút rất nhiều lao động nữ từ tỉnh khác đến và đây là cơ hội gần như duy nhất để trai Đại Hợp tìm vợ. Trong xã hầu như chẳng mấy khi có đám cưới trai làng lấy gái làng mà chỉ toàn những đám kết hôn với người từ các tỉnh khác.

Môi giới lấy chồng ngoại: “hót” càng hay, càng “hốt bạc”

Trong nhiều đám cưới lấy chồng ngoại ở Đại Hợp, thường có bà mối kè kè chú rể: vừa là người hướng dẫn, “người phát ngôn” kiêm “bảo kê” trọn gói từ A-Z cho chú rể nước ngoài lạ nước lạ cái khi đến Việt Nam.

Bà mối là người “săn” tìm cô dâu, tìm chú rể, tổ chức tuyển chọn và lo các thủ tục xuất nhập cảnh cho chú rể, thủ tục cưới xin… Về khoản săn tìm cô dâu, những bà mối này không tiếc công đi khảo sát địa bàn. Có cô nào đến tuổi lấy chồng là bà đến đặt vấn đề, “xí chỗ” trước. Đầu tiên, bà vẽ ra một thiên đường như… phim Hàn Quốc: nào là ở bên đó giàu có, làm vợ sẽ được cai quản tiền bạc, mà tiền thì nhiều, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ vài nghìn đô, rồi thì tha hồ xây biệt thự, mua ô tô cho mở mày, mở mặt với xóm giềng…

Phong trào lấy chồng ngoại lên cao khiến các bà mối kiếm lợi nhuận kếch xù. Thế là, ở các làng quê, xuất hiện nghề làm mối lấy chồng nước ngoài. Riêng ở xã Đại Hợp có tới dăm bà mối. Ở xã Đoàn Xá ngay cạnh cũng có 3 bà mối. Ở thị xã Đồ Sơn thì có cả chục bà mối chuyên môi giới lấy chồng ngoại.

Đương nhiên, các bà mối sinh ra không phải để se duyên miễn phí như “ông Tơ bà Nguyệt”: 30 - 40 triệu đồng nếu lấy chồng Đài Loan, 50 - 60 triệu với chồng Hàn Quốc, còn chồng Hongkong, Anh, Canada thì phải trên dưới 100 triệu đồng.

Cái tài của các bà mối là họ có rất nhiều chiêu thức “biến hóa” để khiến cô dâu vừa nghèo, vừa xấu cũng có thể xuất ngoại được; hoặc chú rể thậm chí tàn tật vẫn có thể lấy được cô dâu xinh. Đây cũng là câu chuyện được kể trong lá đơn kêu cứu của chị Đinh Thị Th. gửi Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng.

Lá đơn của chị Đinh Thị Th. 23 tuổi, ở Thủy Nguyên kể chuyện chị lấy chồng Hàn Quốc thông qua bà mối là 2 bà bán thịt lợn ở chợ. Mong ước đổi đời, Th. đã bỏ ra 30 triệu đồng nộp tiền môi giới. Ngày đám cưới, cả làng được một phen lác mắt khi chồng tương lai của Th. xuất hiện, trông to cao, bảnh bao, trí thức như diễn viên Hàn Quốc. Nhiều chị em cùng làng xuýt xoa: "Có khi cái Th. lấy được diễn viên Hàn Quốc chứ chẳng chơi". Lễ rước dâu được tổ chức linh đình từ nhà gái ra đến… nhà nghỉ. Mọi thủ tục đàng hoàng xong, chú rể biến mất, nghe bà mối bảo là về nước có việc gấp. Cô dâu ở lại làm thủ tục xuất cảnh sang hưởng tuần trăng mật, đợi chờ mà lòng khấp khởi mơ về một cuộc sống thiên đường nơi nhà chồng.

Khi mọi thủ tục đã xong, Th. được bà mối mua vé máy bay cho sang Hàn Quốc. Anh chồng đón Th. Ở sân bay không phải là chàng đẹp trai hôm nọ mà là một “cụ” chân đi chấm phẩy. Gia cảnh chồng Th. thì có thể quy vào hàng bi đát: cô phải phụ chồng đi nhặt vỏ lon bia hàng đêm từ các quán nhậu để bán phế liệu. Được một thời gian ngắn, cô bỏ về Việt Nam. Về đến nơi, cô mới biết là bị bà mối lừa đảo: chàng rể hôm cưới là một thanh niên được bà mối thuê đóng thế, miệng giả vờ ú ớ như không biết tiếng Việt.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp Hoàng Xuân Tiến thì “Khó có thể bắt tận tay các bà mối lái, giới thiệu. Mỗi trường hợp xuất ngoại lấy chồng, chúng tôi đều tổ chức đoàn cán bộ đến xác minh, họ đều cho biết việc lấy chồng là hoàn toàn tự nguyện, do sự giới thiệu của bạn bè, không hề qua mối lái, dịch vụ. Thế nên chúng tôi không thể giúp gì cho họ cả!”. Hội Phụ nữ xã cũng đã thành lập 3 câu lạc bộ với nội dung sinh hoạt tập trung vào chủ đề: Pháp luật, tình yêu đôi lứa và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng đua nhau lấy chồng ngoại ở xã Đại Hợp không mấy suy giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên