Về xứ Thanh gặp "Tùng trống"

Đam mê văn hoá cổ Đông Sơn. Khát khao được khôi phục lại nghề đúc trống đồng truyền thống. Đã từng bán hết gia tài đi học nghề. Và đến nay đã trở thành một nghệ nhân…

Đó chính là Thiều Quang Tùng - người đã trực tiếp đúc trống đồng và kiếm dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Công phu nghề đúc trống đồng

Ngồi trên xe tới nhà nghệ nhân Thiều Quang Tùng, anh Lê Bá Ứng - Trưởng phòng Công thương huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) khoe với chúng tôi: “Tùng trống” ở đây ai cũng biết, đó là một nghệ nhân có tài, có tâm và dám hy sinh vì nghề”…

Chúng tôi tới nhà “Tùng trống” khi trời đã cập trưa. Người thanh niên cao nhẳng, đen sạm niềm nở ra tiếp chúng tôi. Trong căn nhà nhỏ vừa là chỗ ở, vừa là gian trưng bày sản phẩm trống đồng, Thiều Quang Tùng nói: “Đấy, mình vừa xây tạm được thế này thôi. Chật chội, nhưng miễn sao có chỗ nghỉ và ngắm nhìn những sản phẩm là vui rồi”.

Chúng tôi trực tiếp “mục sở thị” vào xưởng đúc, ngắm nhìn Tùng và những người thợ đang say mê ngồi, nằm với đủ tư thế để làm trống, mới thấy sự kỳ công của nghề. Tất cả đều phải tỉ mỉ và công phu, từ đúc khuôn đến hoàn thiện sản phẩm.

Vừa làm, Tùng vừa cho hay, ban đầu là công việc tạo khuôn trống. Nhưng trước khi tạo khuôn, phải biết được đời trống mình cần đúc. Có 3 loại: trống Đông Sơn; trống Mường và loại “lai” các trống khác. Mỗi chiếc trống sẽ có một khuôn riêng, mỗi khuôn chỉ đúc được một chiếc. Việc tạo khuôn mất rất nhiều thời gian. Vì khuôn được làm bằng thứ đất dẻo cho nên nhiều khi đã khuya nhưng Tùng và những người thợ vẫn phải làm cho bằng xong mới được nghỉ, bởi để sang hôm sau đất sẽ khô, cứng, chế lại rất mất thời gian, mà cố làm sẽ bị nổ, hỏng trống như chơi.

Còn chất liệu đồng mà “Tùng trống” dùng là đồng phế liệu, trong đó có khoảng 82% đồng nguyên chất. Theo anh, dùng loại này tiết kiệm kinh phí, mà khi nấu không phải pha thêm vì đã có lượng chì, thiếc... thích hợp trong đó. Một chiếc trống đồng nếu được đúc bằng đồng nguyên chất sẽ “dẫn” kém, tiếng không vang. Thời gian để hoàn thành một chiếc trống trung bình từ 40 đến 45 ngày. Cũng có thể hơn hoặc kém tùy theo loại trống to, nhỏ và độ phức tạp của hoa văn trên trống.

Theo Tùng, nghề làm trống đồng không giống như những nghề bình thường khác. Đặc biệt, với nghề này không được phép “sáng tác” mà phải tìm tòi, học làm theo cách của người xưa.

Bán gia tài để “cứu” nghề truyền thống

Thiều Quang Tùng sinh năm 1965, lớn lên tại làng quê nghèo Kim Sơn, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn trong một gia đình đông anh em. Tổ tiên anh không có ai theo nghề đúc trống đồng, thế nhưng đến đời anh thì mọi chuyện đổi khác.

Tùng đam mê văn hoá Đông Sơn và khao khát khôi phục nền văn hoá Đông Sơn trên trống đồng. Đầu năm 1999, Tùng gom góp được ít vốn liếng rồi đến làng Trà Bồng (huyện Đông Sơn) để học nghề đúc đồng. Suốt 4 năm đầu anh đúc hỏng liên tục. Nhưng chí không nản cộng với niềm đam mê đã giúp Tùng dần thành công.

Khi đã học được nghề, anh lại vét những đồng bạc cuối cùng của gia đình để đi đến nhiều nơi khác miệt mài học thêm kinh nghiệm. Sau nhiều năm “vật lộn”, Tùng quyết định một bước đi táo bạo đánh dấu bước ngoặt cuộc đời mình. Tùng quyết định bán nốt gia sản còn lại là ngôi nhà cũ trong thôn do bố mẹ để lại với mục đích khôi phục một nền văn hoá đang có nguy cơ thất truyền.

Tất cả tiền bán nhà anh dồn hết cho việc đấu thầu đất của xã và dựng xưởng đúc trống rộng 5.000m2. “Lúc bán nhà cũng có lời ra tiếng vào, nhưng được sự ủng hộ của vợ nên mình cũng rất tự tin. Cái tên “Tùng trống” cũng từ đấy mà ra” - Tùng cười vui nói với chúng tôi. Trong xưởng của Tùng, hiện có nhiều người rất trẻ theo học và làm nghề.

Hiện tại, Tùng chưa thể làm giàu bằng nghề, bởi có chút lãi lời nào từ đơn đặt hàng của khách, anh dùng trả lương cho người học việc nhằm thực hiện hoài bão khôi phục lại nghề đúc trống đồng của quê hương.

Vinh dự lớn trong đời

Nhắc tới việc dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trống và kiếm, Tùng tự hào kể: Năm 2007, vào dịp Thanh Hóa kỷ niệm ngày Di sản văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc có về dự. Sau lễ, Tùng mời ông về xưởng đúc của mình tham quan.

Anh em trong Chi hội Di sản văn hóa Thanh Hóa có nhã ý tặng ông Dương Trung Quốc chiếc trống đồng. Lúc đó, Nhà sử học nói: “Anh em đã có nhã ý tặng thì tôi xin toàn quyền quyết định về cái trống này. Tôi sẽ đem về dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tùng nói, sẽ đúc một chiếc khác xin dâng tặng Đại tướng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Đại tướng được phong hàm (25/1/1948), còn chiếc này xin tặng ông. Và ông Dương Trung Quốc ưng thuận.

Chiếc trống đồng dâng tặng Đại tướng có đường kính 60cm (tương ứng với 60 năm) và chiều cao 48cm (năm 1948). Tùng cho biết, anh Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh khi đó có ý tưởng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật gắn với 2 cuộc kháng chiến, vì vậy Tùng với anh Sơn bàn nhau sẽ đưa hình ảnh của hai sự kiện là chiến thắng Điện Biên Phủ và xe tăng đánh sập cổng sắt tiến vào dinh Độc Lập lên thân trống.

Chiếc trống vẫn được mô phỏng theo chiếc trống được tìm thấy ở Quảng Xương (Thanh Hóa), hoa văn giữ nguyên theo nét trống Quảng Xương. Tang trống còn giữ nguyên họa tiết thuyền và người, phản ánh đời sống sông nước của người Việt cổ”. Tùng đã không quản ngày đêm cùng với nhóm thợ của mình làm gấp gáp trong 45 ngày liền. Đến ngày phải bàn giao trống thì 4 giờ chiều hôm trước mới xong.

Tùng và anh Hồ Quang Sơn còn có thêm ý tưởng đúc kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng cũng trong dịp này. Thanh kiếm được mô phỏng theo kiếm cổ Đông Sơn. Chuôi kiếm có 2 tượng kiếm. Trên 2 tượng kiếm có khắc họa hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến: thời chống Pháp, bộ đội đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ; thời chống Mỹ, bộ đội đội mũ tai bèo, mặc áo xanh.

Để hoàn thiện cây kiếm độc đáo này, Tùng mất thêm 20 ngày vùi mình trong xưởng. “Tôi rất tự hào và thấy mình thật vinh dự được làm trống và kiếm dâng tặng Đại tướng. Vậy nên, tôi đã làm với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn đối với Đại tướng. Những gì tinh túy nhất, tôi đều truyền vào chiếc trống và thanh kiếm ấy” - Tùng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên