Vợ lính thời bình

Bên cạnh sự ồn ào tấp nập của cuộc sống thị trường, những người vợ lính vẫn lặng lẽ lo cơm áo gạo tiền, quán xuyến gia đình khi các anh đi xa

Ngày 8/3 năm nay, các chị cũng chẳng nhận được hoa của chồng, chỉ cần có lời động viên là thấy ấm lòng. Với các chị, bao nhọc nhằn đặt lên vai, vừa làm tròn thiên chức của người mẹ, vừa thay chồng nuôi dạy con cái, hiếu thảo với cha mẹ nội ngoại hai bên. Giữa bộn bề cuộc sống, với biết bao đổi th thay, các chị vẫn vẹn toàn chung thủy, đảm đang, tảo tần, luôn là điểm tựa vững chắc cho chồng yên tâm công tác. Những người phụ nữ mà chúng tôi muốn nói đến, đó là những người vợ của cán bộ chiến sĩ ở tiểu đoàn DK1, Vùng B Hải quân.

Chờ chồng đằng đẵng

“Anh ấy đi từ tháng 1/2005 đến tháng 4/2007 mới về. Gọi là công tác ở tỉnh nhà, nhưng cách đất liền hàng ngàn cây số. Hai cái Tết không nhìn thấy mặt chồng, mâm cơm ngày Tết chỉ một mẹ, một con. Thằng Bô (tên cháu là Hiếu) cứ hỏi mẹ, “Sao bố đi bộ đội lâu thế?”. Lúc ấy tôi không trả lời được, chỉ đêm về mới thủ thỉ với con rằng: Bố đi làm nhiệm vụ ở đảo xa lắm, sang năm mới về. Con có thích chú bộ đội Hải quân đứng gác ngày đêm ngoài hải đảo không? Nó chẳng nói gì, chỉ dụi đầu vào lòng tôi” - Chị Nguyễn Thị Chính, vợ Thiếu tá Đinh Công Trung, chính trị viên nhà giàn Phúc Nguyên tâm sự.

Đại úy Hoàng Văn Ninh gặp vợ và con gái sau nhiều tháng làm nhiệm vụ ngoài nhà giàn trở về

Trong câu chuyện, chị kể cho tôi nghe kỷ niệm ngày đầu anh chị đến với nhau. Năm 1991, anh chị tổ chức đám cưới, khi ấy anh Trung đang là học viên năm thứ hai của Trường sĩ quan chính trị quân sự đóng quân tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc (nay là Học viện chính trị Bắc Ninh). Gọi là cưới nhau cho “oai” chứ thực ra là “cưới chui” vì học viên không được phép lấy vợ khi chưa ra trường.

Cưới nhau được 6 ngày, anh Trung trở lại trường học, chị ở nhà thay anh chăm sóc mẹ chồng, tần tảo với ruộng đồng. “Con gái ở quê khỏe như trâu nên chẳng nề hà gì. Khi em có bầu thằng Bô, bụng to vượt mặt mà vẫn đi cấy lúa. Sinh con, anh ấy cũng không có nhà, mãi đến khi con được 2 tuổi mới gặp mặt bố”.

Năm 1994, anh Trung ra trường, về Lữ đoàn M71 công tác. Nhớ chồng nên đầu năm 1996, chị bồng con vào Vũng Tàu sinh sống. Lúc đó, đơn vị không có nhà tập thể, tổ ấm của họ là căn phòng mượn tạm bệnh xá. Gần chồng được hai tháng, anh Trung ra nhà giàn Quế Đường A làm nhiệm vụ. Ở quê đã xa chồng, nay lại càng xa hơn. Một mẹ một con trong gian phòng vắng lạnh, chị cô đơn trống trải. Những lúc con ốm, chạy vạy không đủ tiền mua thuốc cho con, chị phải vay hàng xóm, đồng đội của chồng giúp đỡ. “27 tháng không nhìn thấy mặt, tính thời gian gần chồng có đáng là bao”, chị Chính tâm sự.

Cũng như trường hợp chị Chính, chị Cao Thị Hồng ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình - vợ Thiếu tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8 đã thay chồng gánh vác hai bên nội ngoại vẹn toàn hơn chục năm qua. Mỗi lần nghỉ phép, anh Thủy về thăm vợ “chưa nóng chỗ” lại phải đi nhà giàn thay cho đồng đội khác vào bờ. Anh Thủy kể, có lần con ốm, vợ anh một mình cõng con vượt hơn 4,5 km đường rừng Tuyên Hóa, Quảng Bình đến bệnh xá xã. Con sốt quá cao, chị Hồng chỉ biết ôm con đi quanh hành lang chờ bác sĩ. Giữa đêm tối lạnh căm căm, cả hai mẹ con đều khóc.

Anh Thủy cho tôi xem lá thư của chị Hồng viết cho chồng dãi bày tâm sự: “Nếu nói về vợ lính thời bình không thiệt thòi là không đúng, nhưng đã là vợ lính thì phải biết chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn đúng không anh. Hôm con ốm, em cõng con vượt rừng đến bệnh xá và 3 đêm không ngủ, vì phải dành giật sự sống cho con từ tay tử thần. Hằng ngày em phải đối mặt với bao khó khăn cơm áo gạo tiền, rồi tâm lý xa chồng. Em cắn răng chịu đựng nỗi cô đơn vì vắng anh. Rồi khó khăn tất cả cũng vượt qua. Nhiều khi em nghĩ, vợ lính thời bình mà phải chịu cách xa, nhưng em thấy tự hào có chồng là bộ đội DK, những lúc nhớ anh, chỉ biết gửi tình yêu vào trang thư này. Em hạnh phúc vì được làm vợ anh - người lính hải quân cương nghị và chín chắn trong mỗi lời nói và việc làm”.

Tôi không trích hết lá thư của chị Hồng trong bài viết này, song điều mà chị Hồng tâm sự là tiếng nói chung, là tình yêu thủy chung của trăm người vợ có chồng là bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió.

Vắng chồng, chị Nguyễn Thị Chính vẫn chăm con chu đáo

Khó khăn không nói hết bằng lời

Chúng tôi đến thăm 37 gia đình quân nhân tiểu đoàn DK1. Một trong 37 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải kể đến nhà Thiếu úy chuyên nghiệp pháo thủ Trần Văn Tiên ở 54/57 đường Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu. Căn nhà nhỏ ẩm thấp lọt thỏm giữa các khối nhà cao tầng. Vật dụng trong nhà không có gì ngoài chiếc ti vi cũ, và chiếc giường cưới đã ọp ẹp. Đón nhận món quà của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trao tặng, anh Tiên nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Vợ em hôm nay phải lên với con đang ở bệnh viện phổi Sài Gòn. Con em lúc sinh ra chỉ nặng 1,2 kg. Cháu bị bệnh tim bẩm sinh, bị bệnh phổi. Cháu đã mổ mắt một lần rồi. Cháu nó ốm yếu liên miên, nên làm đến đâu tiền thuốc cho con đến đó”.

Cũng khó khăn như gia đình anh Tiên, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền vợ của Thiếu tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng nhà giàn Quế Đường, là giáo viên trường tiểu học Hải Nam, phường 12, thành phố Vũng Tàu. Căn nhà nhỏ ở hẻm 1172 đường 30/4 luôn trống trải vì chồng xa nhà biền biệt. Cơn bão số 12 năm 2007 ập đến lúc nửa đêm làm nhà tốc sạch mái. Hai mẹ con chị phải chui xuống gầm bếp sợ nhà sập. Sáng ra giữa mưa bão, hai mẹ con đi nhặt từng tấm tôn, mong bão qua mau nhờ đồng đội của chồng ở đơn vị ra lợp lại. Tôi xúc động khi đọc được bài thơ chị viết tặng chồng những ngày mới cưới: “Chỉ bên em ít ngày rồi anh lại đi xa/Em trải dài nỗi nhớ theo tháng năm chờ đợi/Bạn bè em ai cũng bảo yêu lính là dại khờ nông nổi/Bởi gia tài có gì hơn ngoài chiếc ba lô/Tình yêu anh em gói trong bài giảng/Soi trong mắt học trong ấy có bóng hình anh”.

Đi “tuyển quân”.

Với những người vợ lính có chồng công tác gần nhà thì việc “sinh con theo kế hoạch” là bình thường, còn những người có chồng là bộ đội DK1 thì một năm gần chồng vẻn vẹn hơn kém chưa đến 30 ngày. Với thời gian ấy, các cặp vợ chồng trẻ muốn sinh con thật không dễ, nên các chị xin theo chồng vào đơn vị “tuyển quân” sau khi chồng hết thời gian nghỉ phép ở quê nhà.

Vợ chồng Thiếu tá Trần Văn Lợi, Chính trị viên nhà giàn Tư Chính 4 cưới nhau năm 1999. Chưa đầy tuần trăng mật, Lợi phải vào đơn vị để ra nhà giàn thay trực cho đồng đội về bờ, để lại quê nhà Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An người vợ trẻ cùng mẹ già 85 tuổi. Chị Hà Thúy Vân (vợ Lợi) ước ao có một đứa con. Vậy là tháng 10/2000, chị Vân xin chồng vào đơn vị “tuyển quân” đúng lúc anh Lợi từ biển trở về. Song lần ấy quân không đậu. Tháng 8/2005, Lợi được nghỉ phép. 30 ngày ngắn ngủi gần vợ cũng chẳng kết quả gì. Vân bàn với chồng: “Thua keo này ta bày keo khác. Lần này anh cho em theo, nhất định mình sẽ thắng lợi”. Theo chồng vào Vũng Tàu, tổ ấm dã chiến của họ là một phòng tại nhà khách của Lữ đoàn M71. Sau 20 ngày ngắn ngủi, Vân có dấu hiệu đậu thai. Phấn khởi, chị đem kết quả về khoe mẹ chồng, Vân nói: “Xa chồng, niềm vui lớn nhất của người phụ nữ là có đứa con. Mẹ chồng em mong lắm, tha hồ cụ thích”. Cái niềm vui nho nhỏ ấy của vợ chồng Vân bây giờ đã học lớp lá và thêm một “cậu hải quân nhỏ” nữa gần 2 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Chiến, vợ thiếu tá Bùi Văn Dong theo chồng vào đơn vị “tuyển quân”

Trong nhiều chị đi tuyển quân, chị Nguyễn Thị Chiến, vợ của Thiếu tá y sĩ Bùi Văn Dong kém phần may mắn. 9 năm qua, căn nhà thuê của vợ chồng chị ở 41/7 đường Đô Lương chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà cứ rộng thênh vì luôn vắng bóng chồng. Ngày đêm chị lủi thủi một mình, đêm về làm bạn với chiếc giường cũ kỹ. Hôm chúng tôi đến tặng quà, chị Chiến nghẹn ngào nói: “Em vào đây đã 9 năm, chỉ mong có đứa con. Anh Dong đã 6 lần về mà mãi chưa được. Một mình ở đây buồn lắm”. Chị Chiến khóc, những giọt nước mắt nóng hổi nén chặt lâu ngày hôm nay mới có dịp trào ra…

Khó có thể nói hết những niềm vui nỗi buồn, trăn trở lo toan của những người vợ lính DK1. Ai cũng một lòng thủy chung son sắc, đảm đang thay chồng nuôi dạy con ngoan. Song cái mà các chị không tiện nói ra là nỗi cô đơn chờ chồng dài đằng đẵng. Những lúc khó khăn hoạn nạn, con ốm, mẹ cha già, các chị lại phải gồng mình lên gánh vác. Song vượt lên trên những khó khăn thiếu thốn ấy, đức cần cù chịu khó, hy sinh hạnh phúc riêng tư, thủy chung vẹn toàn đã là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành nhiệm vụ. Đức chịu thương, chịu khó và vị tha ấy có lẽ chỉ có ở những người vợ lính DK1./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên