Vụ cháy gas 2 mẹ con chết thảm: Đứa con 7 tuổi bại não bơ vơ

Người chồng hiện đang phải nằm viện với thương tích 70%, còn đứa con trai đầu của chị đã 7 tuổi nhưng chưa bao giờ cất được tiếng gọi mẹ vì bệnh bại não

Đã hơn nửa tháng kể từ ngày xảy ra vụ nổ ở cửa hàng gas Phú Vinh (xã Vân Trì, Từ Liêm, Hà Nội) và cái chết thương tâm của hai mẹ con với hình ảnh người mẹ khi chết còn ôm chặt đứa con trai 8 tháng tuổi trong lòng vẫn là nỗi đau ám ảnh lòng người. Càng xót xa hơn khi chồng chị đang phải nằm viện với thương tích 70% và ở nơi quê nhà, đứa con trai đầu của chị đã 7 tuổi nhưng chưa bao giờ cất được tiếng gọi mẹ vì căn bệnh bại não từ khi mới chào đời.

Buổi sáng định mệnh

Vừa gặp tôi, chị Trần Thị Tiểu Thương (sinh năm 1980), em gái của chị Ngàn (sinh năm 1979)– nạn nhân trong vụ nổ, đã ôm mặt khóc nức nở. Nhìn người phụ nữ ấy với gương mặt nhạt nhòa nước mắt, tôi biết nỗi đau mất chị gái và đứa cháu nhỏ 8 tháng tuổi vẫn chưa phút nào nguôi trong lòng chị.

Tôi không biết cách nào để mở đầu câu chuyện với chị, bởi tôi không thể gợi lại nỗi đau quá lớn vừa xảy ra với gia đình chị. Tôi chỉ biết nắm lấy tay chị và ngồi lặng im. Nhưng rồi, sau phút xúc động, chị đã kể lại cho tôi về buổi sáng định mệnh ấy, buổi sáng mà với chị mới chỉ như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Vụ nổ gas oan nghiệt đã cướp đi sinh mạng của cậu bé 8 tháng tuổi này

Buổi tối trước hôm xảy ra vụ nổ (ngày 11/12), chị Thương từ Nghệ An ra chơi nhà chị gái (thực chất là một căn phòng chị Ngàn thuê để vừa ở, vừa kinh doanh gas được 2 năm nay), mang theo 5 chiếc bánh gai làm quà và một hộp sữa cho đứa cháu trai mới 8 tháng tuổi là Nguyễn Huy Thành Đạt. Tối đó, chị Ngàn đưa chìa khóa và nhờ em gái ra dọn dẹp một phòng trọ khác ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) mà chị đã thuê ở trong thời gian sinh con. Lúc đi, chị còn đưa thêm cho em gái 200.000 đồng cùng một mớ tiền lẻ và hẹn sáng hôm sau Thương lại qua nhà để cùng chị đưa cháu Đạt đi khám mắt. Nhưng rồi 6h sáng hôm sau, Thương tỉnh dậy mà như không tin vào tai mình khi nhận được điện thoại báo tin cửa hàng gas bị nổ.

Chị về cửa hàng thì thấy ngọn lửa đang bùng cháy và mọi người đang tìm mọi cách để dập lửa. Chị lao vào gọi thất thanh: “Chị đâu? Cháu Đạt đâu?” nhưng không ai trả lời mà chỉ kéo chị ra ngoài. Rồi đến trưa, thi thể chị Ngàn và cháu Đạt được đưa ra ngoài. Chị Thương đã ngất lịm đi khi nhìn thấy thi thể người chị đã cháy đen nhưng vẫn ôm chặt đứa con trong vòng tay…

Chiều đó, bố chị Ngàn từ Nghệ An ra đến nơi. Từ ngày sinh cháu, vì đường sá xa xôi lại bận việc đồng áng nên ông bà cũng chưa có điều kiện ra thăm cháu. Người đàn ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy với mái tóc bạc trắng chỉ còn biết ôm con, ôm cháu mà khóc: “Ngàn ơi!”, “Đạt ơi, ông chưa được nhìn thấy mặt cháu”.

Hoàng hôn chợt tắt

Là chị cả trong một gia đình làm nghề nông ở thành phố Vinh, Nghệ An, người con gái có cái tên rất đẹp – Trần Thị Tiểu Ngàn sớm phải vất vả bươn chải vào tận miền Nam để kiếm sống. Một lần từ phòng trọ đi ra, Ngàn cùng em gái là Trần Thị Tiểu Thương tình cờ gặp anh Nguyễn Huy Việt (quê ở xã Tuy Lập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Hai người quen nhau từ đó rồi nên vợ nên chồng. Năm 2004, anh chị sinh được đứa con trai đầu lòng là Nguyễn Anh Tiến nhưng cháu bị bại não từ nhỏ. Tiến bị liệt nửa người, không nói được và cũng không nhận thức được nên lúc nào cũng phải có người chăm sóc.

Bàn thờ chị Ngàn và con trai

Suốt 7 năm ròng, vợ chồng chị đưa con đi khắp nơi như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, lên Tuyên Quang bốc thuốc nam… nhưng đều không có kết quả gì. Từ năm ngoái, vợ chồng anh Việt nhờ ông bà nội đưa cháu vào tận “Vườn Kỳ lạ” ở Long An để chữa bệnh, những mong sẽ có một điều kỳ diệu sẽ đến với con mình nhưng từ đó đến nay thấm thoắt đã gần một năm mà bệnh vẫn chưa có tiến triển gì. Thu nhập từ cửa hàng gas trừ tiền thuê nhà và các khoản chi tiêu khác đều đổ dồn vào việc chữa bệnh cho con. Không đủ, hai vợ chồng còn phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Những tưởng đứa con trai thứ hai lành lặn, bụ bẫm và kháu khỉnh là sự bù đắp cho anh chị. Nào ngờ, niềm hạnh phúc ấy chỉ như ánh hoàng hôn, vừa lên đã chợt tắt.

Đêm Noel

Tôi đến thăm anh Nguyễn Huy Việt ở khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) vào 6h tối một ngày Giáng sinh lạnh giá. Căn phòng nhỏ im ắng với 4 giường bệnh chỉ có tiếng thở đều đều, chốc chốc lại vang lên những tiếng ho dữ dội. Trên giường bệnh, anh Việt đang nằm như khúc tượng, toàn thân băng trắng toát. Cùng phòng với anh Việt còn người em họ và một nhân viên cũng đều là nạn nhân trong vụ nổ ở cửa hàng gas Phú Vinh. Anh Nguyễn Huy Hà, em trai thứ hai của anh Việt cho biết, anh Việt không có bảo hiểm nên chi phí điều trị mỗi ngày lên đến 6 -7 triệu đồng. Với những người có độ bỏng tương tự (60-70%) thì thời gian hồi phục phải mất từ 3-4 tháng. Bố mẹ Việt vẫn phải ở Phú Thọ để chăm sóc cho cháu Tiến bị tàn tật nên mọi công việc để chăm sóc cho anh đều do hai người em trai lo liệu. Từ ngày vào viện, hai anh em đã phải vay mượn nhiều nơi mới lo được số tiền hơn 100 triệu đồng trong những ngày đầu điều trị. Những ngày tiếp theo, họ không biết sẽ phải xoay sở ra sao.

Ngay từ lúc tỉnh dậy, anh Việt luôn ra dấu hỏi vợ con mình nhưng mọi người vẫn giấu chưa cho anh biết sự thật. Khi nghe nói có người tới thăm, anh Việt liếc nhìn sang tôi. Khuôn mặt cháy sạm của anh bị băng kín, chỉ hở ra đôi mắt. Tôi nói với anh rằng tôi là nhà báo, biết hoàn cảnh gia đình anh nên đến thăm. Lúc này, anh đã nói được nhưng giọng khàn đục nên tôi phải ghé tai sát vào anh mới nghe rõ tiếng trả lời: “Cám ơn chị. Cũng là cái không may chị ạ. Vợ con tôi mất hết rồi. Tôi còn đứa con bị liệt ở nhà…”. Rồi anh lại ho lên những tiếng “khục khục” dữ dội. Tôi chỉ biết an ủi anh cố gắng chữa bệnh và gửi anh món quà nhỏ. Nhưng anh khẽ lắc đầu chừng như tỏ ý không lấy tiền của người lạ. Mãi sau, anh mới đồng ý. Tôi không mong món quà nhỏ của mình có thể xoa dịu nỗi đau mà anh đang phải gánh chịu, nỗi đau đớn về thể xác và nỗi đau mất vợ con lớn hơn thế gấp nghìn lần. Nhưng đó là điều duy nhất tôi có thể làm cho anh lúc này. Tiễn tôi ra cửa, anh Hà nói, dù gia đình vẫn giấu nhưng dường như đã linh tính được điều chẳng lành nên gần đây anh Việt vẫn luôn nói là vợ con đã mất rồi.

Theo bác sỹ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, ngoài bị bỏng thương tích 60 – 70%, anh Việt còn bị bỏng hô hấp do phải thở lâu trong phòng kín và hít phải khí độc nên rất khó nói trước được điều gì. Bác sỹ Thống cũng cho biết thêm, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị bỏng do rò rỉ khí gas ngày càng tăng với mức độ rất phức tạp, chỉ sau bỏng nước sôi. Nguyên nhân chủ yếu là do người dùng cũng như cơ sở phân phối gas không được trang bị những kiến thức đầy đủ khi lắp đặt và sử dụng bếp gas. Trong trường hợp bị bỏng gas cần xử trí bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (ở nhiệt độ 8-25 độ C, nhưng không được ngâm nước đá) để giảm tổn thương. Sau đó lấy vải sạch phủ kín vùng bỏng rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu được sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau rát, giảm phù nề, hạn chế tổn thương và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị./.

Bạn đọc giúp đỡ gia đình anh Việt xin gửi về địa chỉ:

Anh Nguyễn Huy Mạnh (em trai anh Việt)

Số tài khoản: 11724053323014, ngân hàng teckcombank chi nhánh Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên