Vụ tiêu cực XKLĐ tại Nam Định: Công tác điều tra dậm chân tại chỗ

Ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định: Hiện nay lực lượng thanh tra của Sở chỉ có 4 người, trong khi đó, số lượng công việc khổng lồ, lại là thời điểm cuối năm nên càng bí.

Sau nhiều lần gọi điện liên lạc bất thành, ngày 6/1, chúng tôi đã đặt được lịch làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định, ngay từ những ngày đầu tiếp nhận thông tin từ Đài TNVN về những hành vi tiêu cực của bà Vũ Thị Bích Ngọc - Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH Nam Định), lãnh đạo Sở đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp, từ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, thành lập tổ thanh tra xác minh vụ việc…

Tuy nhiên sự “nhanh chóng” đó cũng kéo dài tới gần 2 tháng và đến ngày 14/12/2011, Đài TNVN mới nhận được Công văn số 1095/SL, Sở LĐ-TB&XH Nam Định, đưa “kết quả nhanh”.

Tuy nhiên, những kết quả này dường như vẫn giẫm chân tại chỗ trong khi loạt bài điều tra của chúng tôi đã đưa ra nhiều chứng cứ mới, chứng minh về những hành vi tiêu cực của bà Vũ Thị Bích Ngọc cũng như những nghi vấn liên quan đến một số cán bộ của Sở.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định tại buổi làm việc với phóng viên

Sự chậm trễ cũng như những kết luận sơ bộ trong công văn nói trên đã khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi nghi vấn về sự “cương quyết làm sáng tỏ vụ việc”.

Trong buổi làm việc ngày 6/1 mới đây, trên tinh thần thẳng thắn, ông Nguyễn Văn Vinh phân trần: “Sở dĩ có sự chậm trễ bởi chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay lực lượng thanh tra của Sở chỉ có 4 người, trong khi đó, số lượng công việc khổng lồ, lại là thời điểm cuối năm nên càng bí. Khi đi xác minh đối tượng của cả hai bên khó tìm, khó hợp tác. Lên gia đình Cường (Trần Phú Cường) thì Cường thì đi làm. Tìm gặp bà Ngọc cũng rất khó. Có hôm gọi lên còn khóc lóc. Hành vi của bà Ngọc là sai trái, không đúng chức năng, nhiệm vụ. Bà ấy cứ nói là vay tiền vì lý do khác, nhưng gia đình người ta (Cường) đang rất khó khăn, làm gì có tiền cho vay, đó là cả một sự vô lý”.

Một trong những động thái được xem là tích cực của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định là đã yêu cầu ngành Bảo hiểm xã hội ngừng cấp sổ hưu cho bà Vũ Thị Bích Ngọc, đồng thời đưa ông Lê Công Khoa - Thanh tra viên của Sở ra khỏi danh sách của tổ thanh tra.

Tuy nhiên, biện pháp xử lý bà Ngọc ra sao? Những “nghi án” về một đường dây “chạy” XKLĐ liên quan đến một số cán bộ của ngành sẽ được sở “tính toán” như thế nào? Về vấn đề này, ông Vinh khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi trước sau như một, không bao che, dung túng cho những người vi phạm. Trước mắt, trong tổ chức kiểm điểm, không những bà Ngọc mà tất cả cán bội viên chức của trung tâm, phải làm rõ việc này, liên quan thế nào. Anh Sơn (ông Đỗ Thanh Sơn - Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm -PV) và những người quản lý đơn vị này chắc chắn sẽ có kiểm điểm về liên quan trách nhiệm, sai phạm đến đâu chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ…”.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế PC46 - Công an tỉnh Nam Định những ngày cuối năm “nóng hổi” những vụ việc, vụ án. Còn nhớ, trong buổi làm việc đầu tiên với các cơ quan báo chí diễn ra ngày 9/12/2011, Đại tá Bùi Quang Hưng- Trưởng phòng cảnh sát kinh tế đã khẳng định: “Anh em chúng tôi quyết tâm làm hết trách nhiệm của mình, cùng cơ quan báo chí để đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực XKLĐ. Những biểu hiện như thế là trái công vụ để làm tiền, hành dân. Dù là thoản thuận nhưng mang tính chất lừa đảo”.

Một tháng qua, với tinh thần quyết tâm cao, lực lượng cảnh sát điều tra đã đưa ra những kết luận ban đầu về những nhân chứng từng bị lừa đảo như báo chí đã nêu: “Đối với gia đình Cường thì không có gì phải bàn nữa, rõ như ban ngày hành vi lừa đảo, dù có chối là vay vì lý do gì chăng nữa thì chứng cứ rất rõ ràng. Lời khai và chứng cứ của gia đình Mai Hiếu cũng rất tốt. Bố của Mai Hiếu rất cộng tác với anh em... Bác Thành cũng giữ nguyên lời khai như với báo chí...”.

Mặc dù vậy, về phía cơ quan điều tra cũng chưa tìm được chứng cứ nào mới. Theo Thượng tá Bùi Quang Hưng - Trưởng phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nam Định, trong quá trình điều tra, lực lượng cảnh sát cũng gặp phải những khó khăn nhất định: “Dân mình cứ được hoàn trả lại tiền, quyền lợi đạt được là không bao giờ nói mặt trái ra cả. Hoặc kể cả không đạt được nhưng người ta có một cái “hợp đồng”, tức là không thực hện được thì hoàn lại, bởi như thế là không không vi phạm “hợp đồng”. Trong việc đi vận động người dân, vận động người bị hại phải rất khéo để người ta thấy rõ hành vithu tiền như thế là hình thức lừa đảo”.

1 tháng qua cũng là thời gian vất vả của điều tra viên Nguyễn Văn Toản. Qua quá trình điều tra, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân chứng, trước mắt là những nhân chứng được nêu trong loạt bài điều tra của PV VOV2, điều tra viên Nguyễn Văn Toản đã đưa ra lời khẳng định: “Qua quá trình điều tra, gặp gỡ các nhân chứng đều cho thấy những điều báo chí nêu đều chính xác, khách quan... Chúng tôi tiếp tục thu thập nhiều chứng cứ, bằng chứng bằng nhiều biện pháp khác nhau, để đến khi trực diện đấu tranh các đối tượng sẽ đạt hiệu quả cao nhất”.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ để đưa ra ánh sáng những hành vi tiêu cực của những cán bộ biến chất, lũng loạn, ăn tiền của người lao động, lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin đến quí vị và các bạn trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên