Vừa nhặt xương người vừa khóc (phần 7)

Ở hầm mộ thứ nhất, khi đào đến tầng xương thứ 6, có người bật khóc khi thấy đầu của các anh ấy một bên, xương cốt một bên. Hỏi chuyện mới biết: sau khi địch tra tấn các anh đến chết, chúng lôi xác ra miệng hố, dùng xẻng chặt đứt đầu rồi lăng xuống...

Chúng tôi có mặt tại Phú Quốc vào đúng giai đoạn cao điểm của cuộc khai quật, tìm kiếm những hầm mộ liệt sĩ lớn nhất trong lịch sử. Hai chiếc máy xúc khổng lồ ầm ào bạt đồi, đào bới suốt ngày đêm khiến vạt rừng nguyên sinh bao năm thâm u, nay ồn ã như một đại công trường.

Trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K.92, tỉnh Kiên Giang, khuôn mặt gầy guộc lấm lem bụi đất nói với tôi mà như gào to giữa tiếng động cơ ầm ầm: “Chưa bao giờ đội K.92 phải huy động nhiều máy móc như thế này. Vì hài cốt nằm chồng chất tầng tầng lớp lớp dưới lòng đất sâu đến 6 – 9 m, bên trên lại toàn đất đá sỏi nên cuốc xẻng không thể làm gì được. Trước khi bắt tay vào cuộc hành trình khai quật, một Ban tìm kiếm được thành lập gồm 40 đồng chí lão luyện, tinh thông nghề nghiệp nhất của đội K.92 do đích thân ông Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang làm trưởng ban. Đội ngũ này đã từng lập nên kỳ tích: tìm kiếm được 1.202 hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia một thời khói lửa. Chưa bao giờ Ban tìm kiếm phải họp bàn kỹ lưỡng như đợt này. Mất cả tháng trời khảo sát hiện trường, dò gỡ bom mìn, phát quang rừng rậm, xẻ bạt đồi núi. Hàng ngàn mét vuông rừng già và cây dại đã được dọn sạch một cách bất đắc dĩ”.

Một tù nhân cộng sản bị địch mổ bụng moi gan

“Dừng lại! Dưới chân máy là 5 bộ hài cốt”. Tiếng nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa gào to cắt đứt cuộc trò chuyện giữa tôi và trung tá Nguyễn Văn Cao. Các chiến sĩ trẻ đội K.92 túc trực trên miệng hầm vội nhảy ào xuống hầm mộ sâu đến 5 m, rộng hơn 100 m2. Tay cuốc, tay xẻng, họ nhẹ nhàng đào bới, và nước mắt rưng rưng khi đếm đủ 5 bộ xương người.

Ở hầm mộ thứ nhất, chị và anh em đội K.92 đã tìm được 513 hài cốt. Hầm mộ thứ 2: 508 hài cốt. Hầm mộ thứ 3: 118 hài cốt. Hầm mộ thứ 4: 80 hài cốt. Chỉ trong vòng 6 tháng, chị và đội K.92 đã tìm và cất bốc được hơn…1.000 hài cốt liệt sĩ – một “kỳ tích” khiến nhiều người chả biết nên buồn hay vui, muốn xót xa cùng các liệt sỹ hay chúc mừng “thành công” của đội K92 nữa.

Có điều, để lập nên “kỳ tích” ấy, chị và các chiến sĩ đội K.92 đã phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn. Khi những chiếc máy xúc “ngoạm” những gầu đất sỏi cuối cùng, chạm đến tầng xương cốt, cũng là lúc công việc của chị và đội K.92 bắt đầu.

Tất cả mọi động tác phải hết sức nhẹ nhàng bởi lẫn vào từng thớ đất, từng nắm sỏi cát kia là những mẩu xương người. Mắt phải căng lên để nhặt xương cho kỹ, nhặt cả những thớ đất nâu mờ mờ hoa thổ. Kinh nghiệm mấy mươi năm đào bới hài cốt mách bảo chị rằng: đó là thịt xương của các chiến sĩ bị phân huỷ sau mấy chục năm đằng đẵng vùi sâu dưới lòng đất lạnh. Cho nên phải nhặt cho hết bởi để xót mẩu xương nào là có tội với tiền nhân, có tội với những anh hùng quên thân mình vì nghĩa lớn.

Mặc cho cái nắng chang chang vùng biển dội lửa xuống hầm nóng hầm hập, mặc cho sỏi đá cào rách tay, thậm chí, cả chất độc hoá học mà địch đổ xuống nhằm huỷ thân xác các tù nhân cộng sản ăn nứt bàn tay nhức buốt, da thịt sần sùi, tấy đỏ như miếng cháy của nồi cơm quá lửa, chị và các chiến sĩ đội K.92 vẫn miệt mài đào bới, nhặt nhạnh. Đi găng tay chống độc ư? Hàng ngàn đôi đã được nhân dân cả nước đóng thùng gửi ra cho các anh, các chị. Nhưng đi găng vào việc lần tìm từng mẩu xương trong đất đá sẽ rất khó vì không thật tay.

Hàng thúng hương trầm nghi ngút khói thắp khắp trên miệng hố mà sao mùi hôi nồng tử khí vẫn nồng nặc khiến một vài chiến sĩ trẻ phải nhao khỏi miệng hố, chạy vào góc rừng nôn thốc nôn tháo. Ai cũng gầy rộc đi. Có người còn bị sốt sình sịch. Nhưng không ai bỏ cuộc. Cứ cắt cơn sốt là lại nhảy xuống hầm đào.

Giơ bàn tay sưng tấy, mưng đỏ vì bị nhiễm chất độc hoá học lên gạt nước mắt, chị Năm Nghĩa vừa khóc, vừa kể: “Đau lòng lắm em ạ. Mười mấy năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, bàn tay chị đã cất bốc hàng nghìn nấm mộ nhưng chưa ở đâu, và chưa bao giờ, hài cốt lại nhiều như ở đây. Tầng tầng lớp lớp.

Ở hầm mộ thứ nhất, khi đào đến tầng xương thứ 6, chị bỗng khóc ầm lên khi thấy đầu của các anh ấy một bên, xương cốt một bên. Hỏi chuyện các anh, mới biết: sau khi địch tra tấn các anh đến chết, chúng lôi xác ra miệng hố, dùng xẻng chặt đứt đầu rồi lăng xuống. Có hộp sọ còn dính 2 cây đinh mười cắm phập.

Ở hầm mộ thứ hai, sau khi nhặt hết lớp xương thứ 3, thì chạm vào lớp đá tảng. Các cháu ở đội K.92 bảo hết rồi. Nhưng chị bảo: Bên dưới vẫn còn xương. Nhưng đá to quá, nặng cả tấn. Sức người không thể kéo được nên phải dùng máy cẩu.

Nhìn những tảng đá sừng sững lôi lên khỏi hầm hài cốt, ai cũng lạnh sống lưng. Nó to ngần ấy, nặng ngần ấy, nện lên thi thể gầy guộc, tong teo của các tù nhân thì nát bấy như người ta giã giò còn gì hả em.

Tàn độc hơn, chúng còn đổ cả chất độc hoá học xuống hầm nhằm huỷ hoại thân xác tù nhân. Cho nên, khi đào bới, nhiều hộp sọ hay đốt xương của các anh còn nguyên. Nhưng khi vừa đụng tay vào là vỡ vụn như cám. Đúng là bọn địch tàn độc hơn cả quỷ sứ. Chúng giết các anh đến mấy lần. Chúng định huỷ hoại vĩnh viễn thân xác các anh để hậu thế mãi mãi không bao giờ tìm thấy, tội ác tày giời của chúng vĩnh viễn chìm lấp trong bóng tối. Nhưng không, chính linh hồn các anh đã mách bảo, chỉ dẫn cho chúng ta tìm thấy”.

Trung tá Nguyễn Văn Cao dẫn tôi đi dọc những triền đất đỏ vừa đào bới hàng ngàn hài cốt, anh kể về những ám ảnh rùng rợn mà có lẽ suốt đời anh chẳng thể nào quên: “Có bộ xương được “đóng” tới 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc.

Gần 300 chiếc đinh được nhặt ra khỏi các xương sống, sương ống chân, ống tay, xương sọ…, khi đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để “trưng bày”, anh em phải đựng trong chiếc thúng to đoành, oằn lưng khiêng, ai trông thấy cũng bật khóc. Có người chửi thề chí mạng vì căm phẫn. Có lẽ, bức ảnh về cái xương sọ người bị cắm đinh trong Nhà trưng bày tội ác ở Nhà tù Phú Quốc lâu nay, cũng sẽ phải… gỡ xuống để thúng đinh từng cắm vào sọ hàng trăm chiến sỹ cách mạng mới được khai quật vào “thế chỗ” thì nó mới xứng tầm.

Nhiều đêm, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, không biết chúng nó đóng thế nào mà đinh cắm ngần ấy chiếc vào một thi thể được nhỉ? Đinh cắm vào thịt thì nó sẽ tự rụng ra khi cơ thể người tù bị phân hủy, thế thật ra là bao nhiêu cái đinh tất cả được cắm vào thi thể người tù bị đóng nhiều đinh nhất khi chưa đem “quẳng xác” ngoài bìa rừng?”.

Hơn 2.000 hài cốt thì 1.999 hài cốt vô danh

Hơn 2.000 hài cốt được tìm thấy trong tổng số 4.000 người đã bỏ mạng ở địa ngục trần gian này, chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khai (người Thanh Hóa) là có tên. Theo các cựu tù Phú Quốc, khi mà tù binh bị giết chết nhiều quá, lại sợ du kích tấn công bất ngờ, bọn cai ngục bèn bắt bạn tù của anh Khai đem đồng đội đi chôn, và một người bạn tù đã nhanh tay ghi tên Nguyễn Văn Khai rồi nhét vào túi ni lông dán kín lại.

Hôm thắp hương cho các liệt sĩ ở tượng đài Nắm Đấm, tôi đã không thể kìm được những tiếng nấc nghẹn khi nhìn bàn tay gầy guộc, chai sần của anh Cao, chị Năm Nghĩa lần giở từng gói hài cốt được bó chặt như bó giò xếp trong những chiếc hòm gỗ lớn, đánh số chi chít.

Khi còn sống, các anh đều có tên, có tuổi. Giờ nằm đây, tất cả đều vô danh, ai cũng là ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng vì quê hương.

Nhìn ra ngoài trời, mưa giăng trắng xoá. Ngẫm về kiếp người sao cứ thấy nghèn nghẹn, mênh mang. Nhưng dẫu sao, họ vẫn may mắn hơn hàng nghìn người còn vùi thân xác đâu đó dưới lòng đất lạnh, dưới những tán rừng sâu, da thịt, xương cốt họ chỉ còn là một vệt mờ mờ hoa thổ.

Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở LĐTBXH Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những tù nhân đau ốm đi chữa bệnh rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Bởi những người tù xấu số ấy đã bị ném xuống đáy biển Vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ. Cái việc họ trở về là bất khả.

Trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt tù nhân cộng sản ở Phú Quốc, 3 đại lễ cầu siêu đã được Giáo hội phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể và xúc động. Hàng trăm lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước, của các tỉnh, thành phố, hàng ngàn cựu tù binh và nhân dân cả nước đã đổ về Phú Quốc với niềm xúc động và xót thương vô hạn.

Các chuyến bay, các chuyến tàu ra đảo đều chạy hết công suất vẫn không chở hết dòng người nườm nượp đổ ra đảo. Chuyến nào cũng đông nghẹt. Điều kỳ lạ là cả ba lần làm lễ cầu siêu, cả ba lần trời đang nắng chang chang bỗng đổ mưa sầm sập. Mưa như trút nước, mưa như khóc than. Song không một ai trong số hàng ngàn người thành kính chắp tay nguyện cầu ấy che ô, che mũ. Họ vẫn đứng nghiêm trang, trong mưa, trước nỗi đau và niềm xót thương còn lớn hơn giông gió. Ai cũng thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau thương, mất mát mà những người tù cộng sản kiên trung phải gánh chịu. Giờ, đội mưa, đội nắng một chút, đâu có thấm tháp gì.

Tôi đã thắt lòng khi chứng kiến những  chiếc tàu gỗ hối hả chở hàng ngàn chiếc tiểu sành từ đất liền ra đảo. Cái cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, hối hả khiêng vác những chiếc tiểu sành kia sao mà xúc động, xót xa đến thế.

Lúc đầu, Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Kiên Giang mua hàng trăm chiếc tiểu chở ra đảo. Cứ nghĩ số quan quách ấy là đủ. Nhưng số lượng hài cốt tìm thấy cứ tăng vọt hàng ngày nên Sở phải huy động khắp tỉnh, xuống cả  tận Đồng Tháp Mười để thu mua rồi thuê tàu chở vượt 200 km đường biển ra đảo. Chuyện thu mua tiểu quách với số lượng khổng lồ này cũng là một “kỷ lục” rơi nước mắt ở nơi từng là “địa ngục trần gian” Phú Quốc.

Anh Cao bảo: “Ngót nửa năm giời sống ở rừng thâm u, hoang vắng tột độ này với bạt ngàn bom đạn ém lại từ thời cũ, đôi lúc nhìn rừng mà chính anh em trong đội K92 còn thoáng so mình chợn rợn. Nhưng nghĩ đến những người còn vùi xác thân giữa hoang lạnh mịt mù, lại thấy lòng mình nức nở. Vợ tôi nằm viện mấy tháng nay, phải nhờ người trông. Tôi bám trụ ngoài “chiến trường” này, vì cảm thấy trách nhiệm của mình quá lớn. Cả núi xương của những người cộng sản quả cảm đang chờ được bàn tay ấm nóng của người Việt hôm nay cất bốc. Cái vất vả của chúng tôi, có thấm tháp gì so với địa ngục trần gian kinh hoàng mà hơn 40.000 người cộng sản đã bị đày đoạ, có thấm gì so với những cái chết đau đớn, tức tưởi của hơn 4.000 người đã ngã xuống kia?”. Giọng anh Cao run rẩy, da diết.

Những ngày ở Phú Quốc, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh ăn ở, sinh hoạt của anh và các chiến sĩ đội K.92. Trong căn nhà quản trang bé tẹo nằm gần tượng đài Nắm Đấm, chục anh em mắc võng vào các song cửa, các cột kèo làm giường giã chiến.

Những bữa cơm đạm bạc chỉ rau với cá biển mà cái đầu thực dụng của kẻ phố thị như tôi nhẩm tính, giá trị chỉ chừng vài chục nghìn đồng. Chợ búa xa xôi, tiền bồi dưỡng chỉ vỏn vẹn 40.000 đồng/ngày nên ăn uống phải dè xẻn. Thậm chí dè xẻn với cả nước uống. Đi bộ lóc cóc vài cây số, xin được mấy can nước mưa, nên phải dùng tằn tiện. Vợ ốm, con đau trong đất liền, lòng thì thương đứt ruột nhưng cũng chỉ điện dăm ba phút động viện gọi là.

Những ngày ở Phú Quốc, tôi cũng đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh mấy anh lính trẻ, người sốt sình sịch vẫn cứ nhao ra nắng lửa, với chai nước sôi để nguội giắt ở lưng, kiên nhẫn, tỉ mẩn đào bới, lấn mãi vào các cánh rừng bom đạn cũ, lấn mãi vào lòng đất sâu rười rượi đỏ, nơi vùi lấp hàng nghìn bộ di cốt tủi hờn câm lặng.

Tôi chợt ngộ ra rằng: họ tận tuỵ, cần mẫn tìm kiếm hài cốt, không chỉ vì nhiệm vụ của một người lính mà cao hơn, họ đang xả thân vì một nghĩa cử, một món nợ ân tình mà lẽ ra chúng ta phải làm, phải trả từ lâu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên