Vùng đồi không yên ả

Một gã đàn ông xuất hiện, cao lớn, dữ dằn, cưỡi chiếc xe Ford Everest bóng loáng điềm nhiên lượn qua lượn lại vài vòng, nhìn thẳng vào mặt chúng tôi như nhắc nhớ một điều rằng những kẻ như gã mới là ông chủ của vùng đồi than này

>> Nhường khai trường cho thổ phỉ

Vụ cướp hàng trăm ngàn tấn than mà “tập đoàn than thổ phỉ” thực hiện tại Mạo Khê trong dịp Tết Canh Dần dẫu đã được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chính quyền huyện Đông Triều giữ kín suốt một tháng trời, song những tình tiết ngoạn mục, cũng như số than khổng lồ bị cướp đi đã trở thành một chủ đề nóng hổi để giang hồ Quảng Ninh râm ran bình luận. Trước sự quan tâm của dư luận và báo chí, lãnh đạo TKV khẳng định “sẽ không tái diễn những vụ việc tương tự!”. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi tìm hiểu cho thấy, không có nhiều cơ sở cho sự khẳng định này.

Thổ phỉ lộng hành

Trở lại với những diễn biến của vụ cướp than tại Mạo Khê (diễn ra từ 12 đến 19/2/2010), theo ước tính thì “tập đoàn than thổ phỉ” đã huy động tới 80 chiếc xe ben các loại, cùng với 27 máy xúc hiện đại đồng loạt tấn công vào nhiều khu vực thuộc các vỉa 9b và 9a nằm không xa trung tâm điều hành của Công ty Than Mạo Khê. Lực lượng cơ giới hùng hậu của “thổ phỉ” cấp tập khai thác liên tục trong cả một tuần lễ đã cướp đi cả trăm ngàn tấn than mà không hề gặp phải bất cứ động thái ngăn chặn tích cực nào của các cơ quan chức năng. Không một phương tiện nào bị bắt giữ, không một tên “thổ phỉ” nào bị xử lý trong đợt “ra quân” này. Công ty Than Mạo Khê, đơn vị quản lý tài nguyên, và chính quyền huyện Đông Triều quá yếu ớt đến mức không thể ngăn chặn hay đã cố tình buông xuôi cho “thổ phỉ” lộng hành?

Sau những bức tường cao vút này là khai trường của thổ phỉ

Hơn một tháng sau khi vụ việc diễn ra, câu trả lời của những người trong cuộc càng khiến người ta thêm mù mờ. Ông Lê Minh Chuẩn, Phó TGĐ TKV thì cho rằng “Lực lượng của chúng tôi quá yếu, không đủ sức cản nên lờ đi”. Còn ông Phó trưởng phòng bảo vệ mỏ Mạo Khê thì cho biết: “Thực ra đây chỉ là hành vi trộm than chứ không phải cướp bóc. Khi lực lượng bảo vệ tới hiện trường thì các đối tượng bỏ chạy, khi bảo vệ đi họ lại vào xúc thôi…” - Vậy thực chất vụ việc này là trộm hay cướp? Câu trả lời của những người trong cuộc có sự mâu thuẫn, chỉ có một sự thật duy nhất, đó là “tập đoàn than thổ phỉ” đã qua mặt TKV để ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới vào khai thác tài nguyên một cách bình an vô sự. Hàng trăm phương tiện cơ giới hạng nặng quần thảo vùng đồi Mạo Khê suốt một tuần lễ, lấy đi cả núi than mà cơ quan quản lý không thể làm gì.

Ngày 30/3/2010, khi chúng tôi có mặt tại khu Đồi Sắn, trọng điểm của chiến dịch cướp than dịp Tết Canh Dần, dẫu Công ty Than Mạo Khê đã cố gắng hoàn nguyên hiện trường, lấp đất kín các moong than mà “thổ phỉ” đã đào thì quang cảnh vẫn khiến người ta phải bàng hoàng. Những khu đồi bị đào nham nhở, có những khu vực mà diện tích bị đào lên tới vài ngàn m2. Mà khu vực này chỉ cách trụ sở phòng bảo vệ mỏ hơn 1.000m, khoảng 3 phút đi xe máy.

Những ngôi nhà mà chủ nhân đã đồng loạt chuyên đi nhượng lại cho thổ phỉ

Ông Phó trưởng phòng bảo vệ chỉ nhún vai trước sự ngạc nhiên của chúng tôi: “Anh em không thể ở mãi chỗ này, chúng tôi lên đuổi thì họ đi, mình về thì họ quay lại” - “Thế không lập biên bản thu giữ phương tiện được hay sao?” - “Thì có lập biên bản, ghi rõ nếu tiếp tục vi phạm thì thu giữ phương tiện, nhưng cái máy to như thế thì mình thu thế nào được, lấy gì để kéo đi, mà để lại hiện trường thì ai trông giữ, lại thôi… Họ làm đồng loạt ở nhiều điểm, anh em mình cứ quay như con vụ, đến điểm này thì họ đào điểm kia, mệt lắm!”.

Để chứng minh thêm về sự bất lực của mình, ông Phó phòng bảo vệ phân trần: “Những điểm mỏ này đều nằm trên đất của dân, họ bán cho các cai than, công khai hoặc ngấm ngầm, sau đó chuyển đi, cai than xây tường cao xung quanh rồi khai thác ở trong, mình chẳng làm gì được. Muốn giải quyết tận gốc thì chỉ làm sao để người dân không hám lợi, không bán vườn cho cai than vào khai thác thôi”.

Cảng Than Yên Đức- Nơi than lậu công khai tập kết

Câu chuyện đến đây bỗng trở nên bế tắc khi mà lỗi để thất thoát tài nguyên được đổ cho sự hám lợi của người dân. Chẳng có bất cứ một cơ chế nào để người ta không hám lợi, mà đó là cái lợi chẳng phải đắn đo gì khi mà mảnh vườn trị giá 100 triệu đồng được trả giá gấp 3 - 4 lần. Và câu chuyện “thổ phỉ” lộng hành trên vùng mỏ, mặc nhiên sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại để lấy than như lấy đồ trong túi của mình cứ tiếp tục tái diễn. Và như vậy, lời khẳng định “sự việc sẽ không tái diễn” của lãnh đạo TKV là hoàn toàn không có cơ sở.

Ông chủ vùng than

Ai là chủ vùng than? Câu hỏi này có vẻ ngẩn ngơ. Ông chủ mỏ than dĩ nhiên là các công ty thuộc TKV, đơn vị được Nhà nước giao quyền quản lý, khai thác vùng mỏ. Nhưng sự bất lực của Công ty Than Mạo Khê khi chứng kiến “tập đoàn thổ phỉ” mang máy móc vào cướp đi hàng trăm ngàn tấn than đã cho thấy họ chỉ là ông chủ trên danh nghĩa.

Cách trung tâm điều hành mỏ Mạo Khê chưa đầy 10 cây số là cảng than Yên Đức mà dân gian vẫn gọi là Bến Đụn. Ở đó ngày ngày tàu lớn tàu nhỏ vẫn vào ra tấp nập để ăn than. Suốt chiều dài hơn 1.000m của bến cảng này là bạt ngàn than, hàng triệu tấn than hiện hữu ở đây mà ông Đ, cán bộ thanh tra của TKV, người dẫn chúng tôi đến tham quan cũng không thể biết nguồn than đó xuất xứ từ đâu.

Nơi ăn nghỉ của thổ phỉ giữ lò

Than là tài nguyên của đất nước, được giao cho TKV quản lý, nhưng tất cả than ở cảng Yên Đức, TKV đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn để tồn tại cảng than này(?) Vậy thì phải chăng ông chủ thực sự của vùng mỏ Mạo Khê là chính quyền huyện Đông Triều? Chắc chắn không phải! Bởi nguồn thu từ hàng triệu tấn than không rõ nguồn gốc này đâu có trở về ngân sách địa phương. Ông chủ của những vỉa than cũng không phải những người dân có đất trên đó, mà là những kẻ giấu mặt. Là những kẻ như gã đàn ông mà chúng tôi gặp khi đến thăm hiện trường khu Đồi Sắn.

Khi chúng tôi đến Đồi Sắn được chừng 15 phút, có những thanh niên trẻ, dáng vẻ dặt dẹo lượn lờ ngắm nghía rồi lên xe máy phóng đi. Chừng 10 phút sau, một gã đàn ông xuất hiện, cao lớn, dữ dằn, mặc toàn đồ hiệu, cưỡi chiếc xe Ford Everest bóng loáng. Gã điềm nhiên lượn qua lượn lại vài vòng, nhìn thẳng vào mặt chúng tôi mà không đếm xỉa gì đến những người bảo vệ cùng đi, vẻ mặt như muốn nói: “Ông nhớ mặt chúng mày rồi, liệu hồn!”. Vẻ mặt ấy, thái độ điềm nhiên ấy như nhắc nhớ một điều rằng những kẻ như gã mới là ông chủ của vùng đồi than đấy, ông muốn lấy là lấy, ai cản được!

Đó không phải là một sự hình dung. Bởi thực tế, sau khi “tập đoàn than thổ phỉ” tiến hành chiến dịch cướp than rầm rộ bằng phương tiện cơ giới ở Mạo Khê, TKV cùng với chính quyền huyện Đông Triều đã tổ chức một cuộc họp rút kinh nghiệm. Cuộc họp diễn ra vào ngày 4/3 nhưng cho đến nay, gần một tháng rồi mà biên bản vẫn chưa được thông qua. Con số thiệt hại là bao nhiêu, tính chất của vụ việc là gì, trách nhiệm thuộc về ai, đặc biệt kẻ chủ mưu vụ cướp than lịch sử này là ai? Chưa có ai trả lời những câu hỏi này.

Cùng ngày chúng tôi có mặt tại Mạo Khê thì Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành làm việc với Công ty Than Mạo Khê để xem xét khởi tố điều tra vụ việc. Hy vọng, động thái ấy sẽ khiến cho câu chuyện “hàng trăm xe ben chui lọt lỗ kim” không trở thành một huyền thoại mới của giang hồ vùng mỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên