Xa xót Chóp Ly

Bản Chóp Ly, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có 60 nóc nhà thì có tới 50 hộ thuộc diện nghèo. Cái nghèo nơi đây còn quay quắt hơn khi trong bản có tới 22 đối tượng nghiện, suốt ngày chân co chân duỗi bên bàn đèn, bỏ bê gia đình, con cái

Vỡ nát “tổ ấm” vì nghiện

Tới bản Chóp Ly khi cơn mưa đầu mùa vừa tạnh, cảnh tượng chúng tôi được chứng kiến là những đứa trẻ lấm lem bùn đất, đang tự chơi với nhau trước mỗi căn nhà nền đất chẳng lấy gì làm khang trang lắm của đồng bào Mông nơi đây.

Tìm vào nhà trưởng bản Chóp Ly hỏi chuyện, chúng tôi được anh Giàng A Tùng cho biết: “Do diện tích đất canh tác của bản ít, chỉ có khoảng 65ha đất nương và 4,5ha đất lúa nên phần lớn hộ dân trong bản đều đói hoặc đứt bữa từ 3 - 4 tháng. Nhiều hộ vừa gặt xong, trong nhà chỉ có 3 - 4 bao thóc. Với 5 - 6 miệng ăn, số thóc ít ỏi này cũng chỉ giúp họ duy trì bữa ăn được đôi ba tháng, chưa đến Tết đã hết thóc gạo ăn rồi.

Cá biệt, trong bản có 22 đối tượng nghiện “hàng trắng”, suốt ngày hết nằm co đến nằm duỗi, không chịu lao động nên dù có vào mùa thu hoạch thì trong nhà vẫn không có hạt thóc nào”.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản mà lòng anh Tùng nặng trĩu. Qua mỗi một ngôi nhà là anh có thể đọc vanh vách tiểu sử của gia đình đó. Chỉ có điều cái lý lịch trích ngang của mỗi gia đình là một bản “cáo bạch” không lấy gì làm vui vẻ. Đối diện với nhà trưởng bản là ngôi nhà nằm sát bên sườn đồi của gia đình anh Giàng A Thếnh. Cả hai vợ chồng anh đều mắc nghiện. Anh Thếnh vừa mới chấp hành xong án tù 2 năm về tội buôn bán ma túy. Mãn hạn tù đúng vào thời điểm Chính phủ triển khai quyết định 167 - hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm, rách nát, gia đình anh đã được các cấp chính quyền đưa vào danh sách thụ hưởng chính sách này. Những tưởng đây là cơ hội làm lại cuộc đời lầm lỗi của mình, nhưng dù được sống trong ngôi nhà mới dựng mà lòng anh Thếnh vẫn cảm thấy buồn rười rượi vì vắng đi người vợ đầu ấp tay gối bấy lâu. Trong lúc anh đi tù, 4 đứa con do vợ chồng anh dứt ruột đẻ ra cũng không hề nhận được sự chở che của lòng mẹ. Để nuôi sống bản thân, những đứa trẻ miệng còn thơm mùi sữa mẹ này chỉ còn cách đi ăn xin những người trong bản, xin được gì thì ăn nấy.

Bất hạnh hơn, đứa con trai út Giàng A Thơ, mới 2 tuổi, được bà hàng xóm thương tình nhận làm con nuôi, nhưng do không được trông nom cẩn thận nên đã bị chết đuối. “Lúc em đi tù, vợ em nó không chịu làm gì để nuôi con mà chỉ lêu lổng theo trai, rồi vướng nghiện. Bây giờ trong nhà không còn một hạt thóc nào…” - anh Thếnh buồn bã nói. Khi chúng tôi gạn hỏi vợ đang đi đâu mà không thấy mặt, anh Thếnh ngập ngừng nói: “Thấy bảo nó sang bên Lào làm gái để nuôi thân”. Theo anh Thếnh, năm nay, do mới đi tù về nên không phát được nhiều nương, nhà lại không có ruộng nên cái đói lúc nào cũng cận kề.

Vào nhà Giàng Sáy Hạ, em trai Thếnh lúc giữa trưa, chúng tôi thấy bếp lửa vẫn lạnh tanh. Đứa con út của anh là Giàng A Vạ, 6 tuổi, do không có ai trông nom nên đang lúi húi chơi một mình. Vào nhà đánh thức anh Hạ dậy để hỏi chuyện thì được biết, Hạ cũng là đối tượng nghiện, vừa mãn hạn tù vì tội buôn ma túy. Lúc đang chấp hành hình phạt tù, vợ anh là Sùng Thị Dế đã đánh mất mình, suốt ngày chỉ biết đi theo trai bản trong làng chơi bời, rồi nghiện ngập. Hai đứa con nhỏ bị bỏ mặc, không ai quan tâm chăm sóc. “Trong nhà bây giờ không còn hạt thóc nào đâu. Ở nhà, vợ mình nó không lo gì đến chuyện làm nương rẫy lấy gạo nuôi con mà suốt ngày lêu lổng, theo trai để thỏa cơn nghiện. Nó vừa đi sạc nhờ điện thoại để có ai gọi đến thì đi đấy…” - anh Hạ buồn rầu nói.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời nhà anh Hạ thì cháu Vạ vào vét nồi cơm quèn quẹt. Những thìa cơm tẻ đỏ cuối cùng trong nồi được Vạ chan từ “canh” nước lã, đưa vào mồm nhai nghiến ngấu, như sợ ăn chậm ai sẽ giành mất phần ăn.

Trộm cắp hoành hành

Theo anh Tùng, trong số 22 đối tượng nghiện của bản thì có 5 cặp vợ chồng cùng bị nghiện. Có gia đình còn nghiện truyền kiếp từ đời bố sang đời con, như trường hợp gia đình ông Giang Và Lự. Dù đã trên 80 tuổi, nhưng ông vẫn mắc nghiện. Vợ ông Lự không chịu kém, cũng bị nghiện. Noi gương cha mẹ, con trai ông là Giàng Dìa Trống cũng đã có thâm niên hơn 10 năm chân co, chân duỗi bên bàn đèn. Những đối tượng này một khi đã bập vào hút hít thứ “hàng trắng” thì chẳng muốn động tay, động chân để làm ăn mà chỉ suốt ngày ngủ vùi, rồi nghĩ cách chôm chỉa để lấy tiền mua thuốc.

Theo anh Tùng, do trong bản có nhiều đối tượng nghiện là người nghèo, lại không lo làm ăn nên hễ cứ ai hở ra cái gì là bị mất cắp cái đấy. Song, để bắt được quả tang đối tượng nghiện ăn trộm lại rất khó do chúng thường chọn lúc vắng người hoặc đêm hôm khuya khoắt.

Tuy vậy, trong năm vừa rồi, chính quyền và người dân trong bản đã bắt được hàng chục vụ trộm cắp. “Từ đầu năm tới nay, tôi đã phải giảng hòa gần 10 vụ trộm cắp, có một vụ lớn đủ truy tố, nhưng gia đình người ta yêu cầu tạo điều kiện cho con cái người ta chuộc lại lỗi lầm, đó là vụ trộm con dê đực nặng khoảng 50kg; còn lại là những vụ trộm cắp vặt như: trộm gà, thóc, gạo, chó, quần áo…” - anh Tùng cho hay.

Cùng với trộm cắp, hiện trong bản cũng có 5 đối tượng phải chấp hành hình phạt tù vì có liên quan tới buôn bán ma túy.

Nghèo vì đói thông tin

Trao đổi với chúng tôi, anh Tùng tỏ ra khá suy tư khi phần lớn số hộ dân trong bản vẫn là hộ nghèo, “tổ ấm” của nhiều gia đình bị tan nát vì nghiện. Nhưng, điều khiến anh Tùng nghĩ nhiều nhất là những cách thức để người dân nơi đây thoát nghèo, không dính vào tệ nạn hút hít.

Theo anh Tùng, trong những năm qua, Nhà nước có rất nhiều chính sách quan tâm tới người dân nghèo. Đó là cơ hội để cho người dân thoát nghèo, nhưng dường như sự quan tâm này lại chưa đến đầu, đến đũa. Đơn cử, bản Chóp Ly đã được đầu tư một đoạn mương dài 360m, nhưng nước vẫn không vào ruộng được vì không có mương dẫn.

Thiếu đất canh tác, thiếu nước, không biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… là những nguyên nhân chính dẫn tới đói nghèo ở Chóp Ly. Đáng lưu ý, dù dòng điện cao thế 35KV chạy ngay trên nóc những ngôi nhà trong bản, nhưng người dân nơi đây vẫn chưa được dùng điện lưới quốc gia. “Trong bản có hơn chục hộ có tivi, nhưng chỉ xem được lúc đang là mùa mưa nhờ vào những máy phát điện mini. Còn mùa khô hanh thì đành đắp chiếu để vào một xó thôi” - Trưởng bản Tùng xót xa.

Với những khó khăn như vậy, “bóng tối” ở bản nghèo bao giờ sẽ được đẩy lui? Câu hỏi này cứ đeo đẳng mãi trong lòng Trưởng bản Tùng. “Mong muốn các cấp chính quyền giúp Chóp Ly xóa các tụ điểm bán lẻ ma túy, kiểm soát chặt những đối tượng nghiện và đầu tư để người dân được dùng điện, tiếp cận thông tin. Có như vậy, cuộc sống dân bản mới yên ổn và khấm khá lên được” - anh Tùng tha thiết kiến nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên