Biên giới Tây Nam:

Xăng dầu lại “ngấm” qua biên giới

Chúng tôi chứng kiến hàng đống can nhựa 30 lít đã được bơm đầy xăng đã được xếp sẵn chờ chuyển sang biên giới

Thời gian đầu tháng 2/2011, khi giá xăng dầu bên Campuchia đang nhích dần lên, đã làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nội địa nước bạn bình quân khoảng 3.000-4.000 đồng/lít. Sự chênh lệch này như “cú hích” khiến cho xăng dầu lậu trên tuyến biên giới Tây Nam lại cuồn cuộn “chảy” qua bên kia biên giới.

Sôi động trở lại

Có mặt tại Tịnh Biên (An Giang) bờ kênh Vĩnh Tế vào ngày 6/2/2011, chúng tôi khá bất ngờ trước cảnh dân buôn địa phương và dân buôn Campuchia đến mua gom xăng để vận chuyển qua Thum Đưng (Kirivong, Ta Keo, Campuchia). Tại đây, từng đống can nhựa loại 30 lít đã được bơm đầy xăng rồi chuyển xuống những chiếc tắc ráng chuyên dụng rồi lần lượt vượt biên giới sang nước bạn. 

Tại quán cà phê nằm trên đường đất sát bờ kênh, nơi tập hợp và nghỉ chân của dân chuyên vận chuyển xăng dầu lậu, chúng tôi làm quen với Trương Văn Phan, một thanh niên chuyên hành nghề chuyển xăng mướn. Phan cho biết: “Giá xăng ở bển (Campuchia - PV) đang tăng. Đây là cơ hội cho dân buôn “đeo” ngày mươi can loại 20 - 30 lít qua biên giới, kiếm lãi vài trăm nghìn đồng. Riêng tui chỉ vận chuyển thuê cho người Việt, chở qua bờ bên kia được hưởng 1.000-2.000 đồng/can (30 lít) dầu và 2.000-3.000 đồng/can xăng....”.

Theo hướng tay Phan chỉ, chúng tôi thấy hàng đống can nhựa bơm đầy xăng dầu chất sẵn dọc bến kênh. Anh còn cho biết: Mua xăng dầu xong, dân buôn ở đây thường chuyển ngay lên ghe vượt sông sang Prekchray, Kohthom để tránh sự kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu. Để “ăn hàng” được nhiều, họ còn đi mua gom từ các cây xăng nằm sâu trong nội địa đưa ngược lên biên giới để xuất lậu…

Tương tự như ở An Giang, trên sông Sở Thượng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh những chiếc tắc ráng chở xăng dầu liên tục ngược sông lên phía Prey Veng. (Tắc ráng - một loại ghe xuồng ở địa phương - BTV). Theo một nữ nhân viên bán xăng tại cây xăng ở Thường Lạc, những ghe buôn chuyến qua Campuchia khi khởi hành cũng không quên ghé vào các bè xăng ở đây “ôm” thêm hàng chục can dầu. Nhưng, cũng theo nữ nhân viên này, lượng xăng dầu mà dân buôn thời vụ kiểu này “ôm” theo mỗi chuyến vẫn kém xa so với những tay chuyên vận chuyển xăng dầu qua biên giới.

Đối tượng và tang vật một vụ buôn lậu xăng dầu bị lực lượng Quản lý thị trường An Giang
phát hiện, bắt giữ.

Phải “bịt” từ gốc

Còn nhớ, thời gian trước đây, khi tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam đặc biệt nhức nhối, một loạt giải pháp chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới đã được các cơ quan chức năng soạn thảo trình Ban Chỉ đạo 127/TƯ. Trong đó, đặc biệt coi trọng khâu quản lý từ gốc (tức là từ chính các cây xăng biên giới và các đại lý, doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng cho các cây xăng đó). Thế nhưng, chỉ được một thời gian “làm rắn”, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới giảm xuống, còn hiện nay, lại tiếp tục tái diễn.

Chính quyền cơ sở (huyện, xã) ở những nơi có buôn lậu xăng dầu cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cây xăng biên giới, kiên quyết xử lý những cây xăng cố tình bán xăng dầu vào can, phuy, xử lý thật nặng những cây xăng móc ngoặc với bọn buôn lậu tuồn hàng qua biên giới.

Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, các tổng đại lý cần nhanh chóng xác định mức tiêu dùng thực sự của các cây xăng biên giới, từ đó làm định mức để xuất hàng cho các cây xăng này. Doanh nghiệp, tổng đại lý nào xuất thừa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí cả trách nhiệm hình sự. Riêng với các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu (QLTT, công an, hải quan, biên phòng...) cần tập trung đánh vào những đường dây, đầu nậu lớn. Làm được như vậy, chắc chắn tình trạng “chảy máu” xăng dầu trên biên giới Tây Nam sẽ giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên