Xe khách cạnh tranh kiểu “luật rừng”

Tình trạng đe dọa, ép xe, cản trở… giữa một số hãng xe khách tuyến Hải Phòng- Hà Nội đang diễn ra rất phức tạp, gây mất trật tự an ninh, đe dọa tính mạng hành khách.

Một thực tế là nghề dịch vụ vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô phát triển rất nhanh trong những năm qua. Từ lúc chỉ có xe của những cá nhân góp tiền mua một vài cái đưa vào vận chuyển hành khách, càng ngày đã xuất hiện nhiều tập đoàn, công ty lớn với những gói dịch vụ chất lượng cao, tuyến ổn định và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, lượng khách có hạn, lượng xe ngày càng nhiều đã làm nảy sinh bài toán cung- cầu. Và những kiểu cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, có lẽ cũng bắt đầu từ đây. 

“Xe Chúa” là xe gì?

Nhắc đến tuyến Hà Nội- Hải Phòng và ngược lại, người dân không còn xa lạ với những hãng vận tải lớn như Hải Âu, Hoàng Long, Xuân Sơn, Thanh Long, Đất Cảng… Có thể nói, các hãng này đã liên tục đưa ra những gói dịch vụ ngày càng tốt hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có hãng lại áp dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng xe chạy như “rùa bò”, vượt ẩu, thậm chí dừng hẳn khiến cho người đi xe rất bức xúc. Để tìm hiểu cụ thể, sáng 1/3, chúng tôi đã vào vai hành khách đi từ Hà Nội đến Hải Phòng và ngược lại trên xe chất lượng cao của một doanh nghiệp vận tải lớn của Hải Phòng. Và thực tế hoàn toàn chính xác như những gì người dân đã phản ánh.

Đoạn đường từ bến xe Gia Lâm đến cầu Thanh Trì (Hà Nội) không bao xa nhưng chiếc xe phải “bò” trong 25 phút. Nhiều khi, trên đường không có khách đón xe nhưng bác tài lúc thì cho xe chạy rì rì, lúc tăng ga phóng như “ma đuổi”, thậm chí có khi dừng hẳn, khiến hành khách trên xe ngó nghiêng và chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.

Tình trạng trên lại lặp lại ở chiều Hải Phòng- Hà Nội, cụ thể là từ cầu vượt Quán Toan đến trạm soát vé. Xe đi trước cứ túc tắc di chuyển với một tốc độ “không thể chậm hơn” và đương nhiên nhiều xe đằng sau chỉ còn biết “bám đuôi”.

Xe khách từ bến Lương Yên (Hà Nội) đi Hải Phòng (Ảnh:KT)

Bác Trần Văn Thanh, người Hải Phòng cho biết: “Tôi thường xuyên lên Hà Nội thăm con và chứng kiến cảnh này nhiều lần rồi. Ban đầu thì không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng sau đó mới biết xe tôi đi bị “xe Chúa” ép phải nghe theo”.

Tương tự, bác Hùng, người Hải Phòng bức xúc: “Trong tháng qua tôi đi 2 lần thì đều thấy xe đến cầu Quán Toan thì dừng lại từ 10-15 phút. Tôi có hỏi tài xế là xe dừng đợi người nhà hay có việc gì, thì tài xế nói phải chờ “xe Chúa” đi rồi chúng cháu mới được đi. Chỉ vì một xe mà nhiều xe khác không được đi thì không thể chấp nhận được. Đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “xe Chúa” được nói đến ở trên không ai khác chính là một số hãng xe khách chạy cùng tuyến, bao gồm cả xe “dù” và xe hãng từng có uy tín. Chủ của những hãng xe này cấu kết với những tay “anh chị” để dằn mặt tài xế hãng xe đối thủ, ép để xe của hãng mình bắt khách vào “giờ vàng” và địa điểm thuận lợi.

Cho đi được đi, ép dừng phải dừng

Sau hơn 10 phút kể từ khi xe xuất bến, thấy xe chạy quá chậm, nhiều người hỏi tài xế và phụ xe thì được trả lời là “xe đang bị nhốt để đợi xe Chúa đi qua”. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe bỗng dưng hạ tốc độ khi thấy một người đàn ông ngoài 30 tuổi đội mũ lụp sụp đứng bên đường vẫy tay. Và với nhiều hình thức, chiếc xe mà chúng tôi đi bị cản trở liên tục trong suốt quãng đường từ Bến xe Gia Lâm tới gầm cầu vượt Thanh Trì.

Được biết, ngoài việc chạy xe máy cản trở xe khách của hãng khác dọc đường, các đối tượng “máu mặt” còn lên cả xe đối thủ để ngồi và “điều khiển” lái xe chạy theo ý mình, lúc nhanh, lúc chậm để xe họ “hốt” khách. Ngoài ra, những tay anh chị này còn gọi điện đe dọa lái, phụ xe, thậm chí thuê xe khác va chạm với xe đối thủ để dằn mặt. Thường các lái xe phải thực hiện theo, vì không ít người đã bị đe dọa, bị đánh khi không nghe theo lời chúng.

Có thể nói, tình trạng trên diễn ra đã lâu, cơ quan chức năng đã biết, nhưng chính sự “hành động” còn chưa quyết liệt nên chuyện đâu lại vào đó. Cuối năm 2011, trinh sát Đội 2, Phòng PC45, CATP Hải Phòng đã thu thập, xác minh các nguồn tin của quần chúng và bắt quả tang nhiều đối tượng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên các tuyến xe khách liên tỉnh.

Đơn vị này cũng phát hiện một số doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách đã tuyển nhân viên điều hành, lái và phụ xe một cách bừa bãi, không có hợp đồng lao động, sau đó “khoán” cho các đầu xe. Ngoài ra, việc một số chủ xe “tạo điều kiện” cho các lái, phụ xe và “cò” hưởng thêm khoản cước phí hàng hóa mà hành khách thuê vận chuyển đã khiến tình trạng tranh giành khách trở nên căng thẳng hơn.

Anh Nguyễn Văn Thuận, người Hải Phòng cho biết, do tính chất công việc nên anh thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội và Hải Phòng và không ít lần gặp cảnh trớ trêu: “Xe chạy khi chậm khi nhanh khiến chúng tôi rất ức chế, đôi khi lỡ việc và thi thoảng lại hết hồn vì xe lạng lách vượt nhau”. 

Với tình trạng trên, hành khách- những người dân đi trên những tuyến xe không những không được hưởng dịch vụ tương xứng với giá vé, mà tính mạng của họ có khi còn bị đe dọa. Còn với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, rõ ràng, họ chỉ còn biết chờ đợi các cơ quan chức năng, các nhà quản lý liên quan siết chặt và xử lý đúng đắn, bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đương nhiên, họ cũng không thể chờ được mãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên