Xin đừng gọi cô là “người rắn”

Câu chuyện thương tâm về một người phụ nữ tàn tật ở Hưng Yên

Từ lâu lắm rồi, ở huyện Văn Giang, người ta vẫn cứ bàn tán xôn xao câu chuyện hoang đường về người rắn. Những khi trà dư, tửu hậu, câu chuyện được thêu đi, dệt lại về chuyện ông Đào Ngôi,  bố cô Đào Thị Thêu, vốn là thầy tử vi “trảm xà” trong vườn bị rắn báo oán nên đẻ ra người con gái đầu lắc lư, lưỡi thò thụt, lết trên mặt đất oằn oại để di chuyển. Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh người phụ nữ bất hạnh Đào Thị Thêu ấy, có  sự ân tình, thơm thảo của một người cựu chiến binh  vẫn “đơm hoa kết trái”…

Đài hoa không cánh

Đã gần 60 năm nay, bà Đào Thị Thêu, SN 1946, trú tại làng Lại ốc, xã Long Hưng, huyện Văn Giang chưa bao giờ được bước chân ra khỏi chái nhà nhỏ như hộp diêm, lúp xúp nằm bên cạnh mảnh vườn hoang. Đã qua không biết bao nhiêu mùa xuân, những cô thôn nữ trong làng xinh đẹp, má hồng như ráng pha đã lần lượt “theo chồng, bỏ cuộc chơi” thì người phụ nữ bất hạnh này vẫn lê lết gặm nhấm cuộc đời trên chiếc chõng tre mòn vẹt.

Khi mới gần 10 tuổi, cô Thêu lâm cơn bạo bệnh, hai cánh tay quắp lại, teo tóp, đầu lắc lư, lưỡi thò thụt. Người làng ác khẩu cứ đồn đại rằng do cha cô Thêu là thầy tử vi vốn thông thiên cơ nhưng trong khi làm nhà lại đánh chết con rắn hổ mang. Con rắn này đã tu luyện lâu năm nhưng vẫn bị nhốt vào trong cối đá và bị đập đến nát nhừ. Vì vậy, nên “dao sắc không gọt được chuôi” vợ thầy tử vi bị rắn báo oán sinh ra “nhân xà”.

Vì vậy, mặc dù đầu óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn nhưng từ những năm 50 của thế kỷ trước  đến nay cô chưa bao giờ ra khỏi nhà, chưa bao giờ được biết đến ánh bình minh hay những đêm trăng sáng. Tự ti với sự tật nguyền của con mình, bố mẹ cô cũng không bao giờ cho cô ra khỏi chiếc chõng tre mặc dù nước mắt của người đàn bà này đã làm ố thâm mảnh ván mỏng lót chỗ nằm. Cô lăn lóc trong nhà chơi với nhúm tro bếp trong khi bạn bè cùng lứa trong làng vác liềm đi giữa mênh mông mùa vàng, khi những đôi trai gái hẹn hò trên những quai đê đẫm sương đêm. Năm này qua tháng khác, “đài hoa không cánh” chỉ biết làm bạn với mấy chiếc chân chõng tre, vài ba chiếc bát nhôm sứt mẻ.

Cô lăn lóc trong nhà chơi với nhúm tro bếp trong khi bạn bè cùng lứa trong làng vác liềm đi giữa mênh mông mùa vàng, khi những đôi trai gái hẹn hò trên những quai đê đẫm sương đêm. Năm này qua tháng khác, “đài hoa không cánh” chỉ biết làm bạn với mấy chiếc chân chõng tre, vài ba chiếc bát nhôm sứt mẻ…

Bố cô, ông Đào Ngôi mất sớm để lại hai mẹ con côi cút tảo tần rau cháo nuôi nhau. Nhà thì nghèo, cơm không đủ ăn, bà Nguyễn Thị Thơ, mẹ cô Thêu, cứ tay liềm tay hái đi làm thuê “khắp đông rồi lại tới đoài” nuôi con. Gà chưa gáy, bà cụ đã cắp tay nải lên đường nhưng không quên nấu nồi cháo đặc cho con ăn. Sáng dậy, cô Thêu lại oằn mình lết ra bếp, lấy chân quắp thìa, cố gắng trệu trạo ăn trong cơn co giật liên miên suốt cả cuộc đời. Ăn xong, cô lại cố gắng toài ra nền nhà dùng đôi chân  tuốt rơm để mẹ sau khi làm thuê làm mướn về bện chổi kiếm thêm. Cuộc đời mãi thế.

Mưa trên sa mạc

Trong thời gian cô Thêu đang lăn lóc trong góc đời thì ông Đào Kiểm là người họ hàng đang chinh chiến khắp các chiến trường Tây Lào, Bắc Lào... Những chiến dịch ác liệt ở Cánh Đồng Chum, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, những đêm hành quân dọc dãy Trường Sơn vào Tây Nguyên đánh trận ở PLây Cu, Buôn Ma Thuột… cũng không làm nguôi đi nỗi nhớ người chị tật nguyền chốn quê nhà. Những bức thư của người lính thông tin này bị đạn bom phạt góc, khét mùi khói súng vẫn liên tục bay về phương Bắc lồng lộng mây trời thăm cha, hỏi mẹ và không bao giờ quên người chị như đóa hoa vô hương, vô sắc đang bầm dập trước sự cay nghiệt của đất trời. Mỗi lần nghe người nhà đọc thư thăm hỏi của em mình, cô Thêu chỉ biết ôm mặt khóc. Nước mắt của người phụ nữ tật nguyền, xấu xí, nghèo đói ít khi làm rung động lòng người nhưng luôn gieo vào trong trái tim chính họ những cơn mưa rung bão giật.

Căn nhà đau khổ của cô Thêu

Trong mỗi lần nghỉ phép ngắn ngủi giữa cuộc đời binh nghiệp, ông Đào Kiểm về bao giờ cũng cố gắng cầm theo mấy thanh lương khô, vài nhánh hoa rừng làm quà cho chị. Mỗi lần như thế, cô Thêu vui lắm, cuống quýt dùng chân nâng cành hoa dại lên say sưa ngắm. Suốt cả một đời, ngoài đứa em ruột thịt, chẳng ai rỗi việc mang hoa đến tặng người phụ nữ tật nguyền. Quá lắm, họ chỉ cho ít cơm thừa canh cặn rồi dè bỉu, khinh khi. Không nói được nhiều nhưng cô Thêu hiểu hết những gì họ nói. Vậy nên, ngoài bà mẹ tảo tần sống đến 92 tuổi để thương yêu, chăm bón cô con gái bất hạnh rồi mới khuất núi, cô Thêu chỉ quý mến người em họ. Mẹ chết để lại mấy sào ruộng cho con gái, họ hàng xúm lại, lúc làm giúp, lúc cho thuê để lấy chút hoa lợi chăm bẵm cho cô nhưng cũng chẳng mấy ai ở bên người đàn bà tật nguyền này lúc trái nắng, trở trời. Cho đến khi ông Kiểm phục viên về làng, cô Thêu đỡ buồn tủi hơn, đỡ đói rét hơn trong vòng tay ruột thịt.

Là bệnh binh, mỗi tháng được ba cọc ba đồng tiền trợ cấp, ông Kiểm cố gắng nuôi chị đầy đủ trong vòng vây đắt đỏ xiết chặt.  Sáng nào ông cũng sang với chị, nấu cháo, đun mỳ, tắm rửa vệ sinh rồi mới vác cuốc ra đồng kiếm ăn. Nhà ông Kiểm cũng nghèo, hai vợ chồng làm ruộng nên cũng chẳng dư dả gì nhưng cả hai đều hết lòng hết dạ chăm lo người chị đang côi cút giữa cuộc đời. Mỗi ngày, hai vợ chồng già cắt cử thay nhau ở bên chị. Bà Thêu năm nay đã 62 tuổi nên hàm răng đã rụng hết. Lúc còn trẻ, bà còn oằn oại di chuyển trên nền nhà nhưng bây giờ chỉ biết nằm co giật trên chõng tre. Người thân ai vào bà cũng biết nhưng bà Thêu chỉ biết khóc. Thương hai vợ chồng đứa em nghèo khổ nhưng hiếu thảo, bà chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời, ngoan ngoãn ăn cho họ vui lòng. Cứ lâu lâu không trông thấy họ, bà Thêu lại ôm mặt ngồi khóc. Cuộc đời vẫn chầm chậm trôi như thế.

Thương chị, ông Kiểm nai lưng ra kiếm sống nhưng mỗi tháng cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Số tiền nhỏ nhoi ấy phải chia ra nuôi vợ, nuôi con. Vậy nên đồ ăn thức uống dành cho chị cũng giảm tiện, chỉ mong sao được ấm lòng trong những ngày giáp hạt.  Hiện nay, bà Đào Thị Thêu đang gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn, bất hạnh. Bà và những người thân rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm khắp bốn phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên