"Xóa mây nâu" trên đỉnh Dào San

Trước cảnh nhiều gia đình lụi tàn, kiệt quệ vì thuốc phiện đã thôi thúc các chiến sĩ Đồn biên phòng 281 Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) quyết tâm giúp những đối tượng nghiện từ bỏ làn khói thuốc phiện đang giăng mờ nơi bản nghèo.

Ở nơi biên cương, khi đời sống bà con gặp muôn vàn khó khăn, cơm ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc mà người chủ gia đình lại “chân co chân duỗi” bên bàn đèn thì việc kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, tan hoang là điều tất yếu.

“Tôi không trốn nữa đâu, cán bộ à!”

 Theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu, đồn biên phòng Dào San phối hợp cùng lực lượng công an và chính quyền xã, bản mở đợt cai nghiện tại cộng đồng.

Trung tá Hoàng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng 281 Dào San cho biết, trong đợt cai nghiện này, các lực lượng chức năng thực hiện biện pháp “thiết quân luật”, tức là cấm trại tuyệt đối. Mỗi người nghiện sẽ có 1 chiến sĩ canh chừng. Ai đi đâu hay làm gì, các chiến sĩ này đều đi theo. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ y tế thường trực 24/24, người nào lên cơn nghiện sẽ được giúp cắt cơn ngay.

 Khi chúng tôi đến thăm đã thấy vài người đàn ông vừa được cắt cơn mấy ngày, với vẻ mặt mệt mỏi đang ngồi sưởi nắng. Nhìn vào trong nhà cộng đồng của xã, chúng tôi thấy một số đối tượng đang nằm mê mệt trên tấm đệm được trải trên nền nhà trong khi tất cả các cổng, cửa ra vào đều được bịt kín lại và gia cố bằng những thanh gỗ đóng nẹp vào ngang hai cánh cửa, rồi che chắn lại cho kín gió. “Phải làm chắc chắn như vậy, phòng những người nghiện lên cơn sẽ phá cửa trốn thoát” - anh Mạnh giải thích.

Thực ra, biện pháp mạnh “cấm trại” chỉ áp dụng trong mấy ngày đầu thôi. Khi ả phù dung đã tạm thời xa họ thì việc quản lý, vận động cũng dễ dàng hơn. Khi chúng tôi bắt chuyện, anh Giàng Seo Mè ở bản U Ly Chải, xã Dào San nói ngay: “Tôi không trốn nữa đâu, cán bộ à”. Mè sinh năm 1984, đã bị mắc nghiện hơn 6 năm. Từ hôm đến đây Mè đã khoẻ dần lên, không còn cảm giác thèm thuốc và đập phá như mấy ngày đầu.

Theo anh Mạnh, 1 đợt cai nghiện kéo dài khoảng 10 ngày và mỗi người đi cai được hưởng 150.000 đồng và 5kg gạo. Các anh nuôi ở đồn cũng vào cuộc, hàng ngày lo cơm nước chu đáo cho những người nghiện. Không những thế, nếu người nghiện có bệnh tật gì khác đều được các bác sỹ điều trị miễn phí. Vì thế, theo phản ánh của những người đến cai nghiện thì “ở đây sướng hơn ở nhà”. Nhiều người cai xong lại không muốn về nhà nữa. Bởi lẽ đến trung tâm được ăn uống đầy đủ, được xem ti vi, chăm sóc sức khoẻ… Thỉnh thoảng các chiến sĩ còn tổ chức giao lưu văn nghệ vừa giúp họ quên đi “ả phù dung” mà tình quân dân thêm bền chặt. Tấm lòng chân thành đó của các chiến sĩ đã khiến những người nghiện rất cảm động.

Tuy vậy, để có được lòng tin với bà con như thế, các cán bộ và chiến sĩ biên phòng cũng trải qua không ít khó khăn. Lúc đầu đi vận động người dân ra đăng ký cai nghiện, vào bất cứ nhà nào cũng thấy những người nghiện bỏ trốn hết. Ai nể quá thì tiếp qua loa rồi bảo cán bộ về đi, gia đình còn phải đi làm. Nhiều hộ thì treo lá xanh trước cửa nên không ai vào được. Điều đó càng thôi thúc các chiến sĩ phải khéo hơn nữa trong việc vận động. Đến một lần không gặp thì đến hai lần, sáng, trưa, chiều, tối bóng dáng những người lính biên phòng luôn thường trực ở các bản. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lời nói phải của các chiến sĩ dần dần cũng có người nghe theo.

Khi đang mải trò chuyện với các chiến sỹ biên phòng về quy trình và hiệu quả của việc cai nghiện tại cộng đồng thì anh Tráng A Say ở bản U Ly Chải địu cả con đến đây tự nguyện đăng ký cai nghiện. Say vừa đưa vợ đi khám bệnh ở Trạm y tế xã. Vợ Say vì làm nhiều quá mà kiệt sức. Thương vợ, thương con, Say quyết định đập bàn đèn, đến nhờ các chiến sĩ biên phòng cai nghiện. “Mấy lần trước cán bộ đến vận động nhưng tôi không nghe. Giờ nhìn mấy anh em cùng bản cai được rồi thì tôi tin mình sẽ cai được…” - Say cho biết.

Quyết không tái nghiện

Cách đây hơn chục năm, ông Lý A Xè, 46 tuổi ở bản U Lý Trải đã nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ hút thuốc phiện. Một điếu, hai điếu rồi vài ba điếu, hút mãi đâm thành quen, thành nghiện. Từ một người chồng chân chất, toan lo nghèo khó ông biến thành một người hoàn toàn khác. Nhà ông vốn nghèo, cái ăn, cái mặc hàng ngày của vợ con vẫn còn thiếu. Vậy mà ông cho luôn cả con trâu, con bò (tài sản đáng giá nhất của nhà) qua nõ điếu thuốc phiện. Những lúc tỉnh, nhìn vợ con nheo nhóc, ông cũng muốn đoạn tuyệt ả phù dung cho vợ con bớt khổ. Cái đầu thì nghĩ nhưng ông không thể thực hiện được.

Vừa rồi, các chiến sĩ biên phòng vào vận động, ông Xè đã đồng ý đi cai liền. Sau vài buổi bỏ thuốc, ông đã cảm thấy người khoẻ hẳn, đầu óc cũng tỉnh táo hơn rất nhiều. Theo bác sỹ quân y Phùng Nủ, cùng với nghiện, ông Xè còn có tiền sử bệnh dạ dày mãn tính. Lần này lên cai nghiện, ông cũng được bác sỹ điều trị luôn cho căn bệnh quái ác luôn hành hạ cơ thể này. “Lần này, tôi quyết không tái nghiện nữa…” - ông Xè hứa với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ.

Nhà có người nghiện là một nỗi thống khổ. Vợ con nheo nhóc, ruộng nương bị bỏ bê, trộm cắp phát sinh… Vào những ngày mùa đông rét mướt, nhiều trai tráng trong các bản thay vì sửa lại cái nhà cho vợ con bớt rét, che đậy chuồng trâu, chuồng bò thì lại “chân co chân duỗi” bên bàn đèn. Giờ đây, nương thuốc phiện đã bị cấm, muốn hút phải bỏ tiền ra mua. Khi không làm được ra tiền thì họ bán đồ đạc trong nhà. Của nả trong nhà không cánh mà bay. Vì thế, khi ông Dì A Phăng, bản Hợp II quyết tâm lên nhà cộng đồng cai nghiện, vợ ông là Giàng Thị Diêu đã phấn khởi ra mặt, mang cơm, đậu lên tiếp tế cho chồng. Nhưng các chiến sỹ ở đồn biên phòng bảo thôi vì đã có người phục vụ rồi. Sau khi cắt được cơn nghiện, ông Phăng vui vẻ nói: “Giờ tôi đã thấm thía cái cảnh tự do khi không còn lệ thuộc vào ả phù dung nữa rồi”./.

Lúc đầu đi vận động người dân ra đăng ký cai nghiện, vào bất cứ nhà nào cũng thấy những người nghiện bỏ trốn hết. Ai nể quá thì tiếp qua loa rồi bảo cán bộ về đi, gia đình còn phải đi làm. Đến một lần không gặp thì đến hai, ba lần. Sáng, trưa hay tối, bóng dáng những người lính biên phòng luôn thường trực ở các bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên