Xóm 25 năm thèm... điện

Chỉ cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chưa đầy 15 km, vậy mà 80 hộ dân với gần 300 nhân khẩu  đã 25 năm nay chưa một ngày được sống dưới ánh điện.

Đó là tình cảnh của người dân thuộc xóm 3, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Rời thị xã Phủ Lý từ 7 giờ sáng, sau gần 1h đồng hồ chạy xe máy trên đường như chìm trong “sương bụi” mù mịt dẫn vào mảnh đất “nổi danh” là "một thôn cõng 4 nhà máy xi măng”, tôi tìm đến được đầu đường mòn dẫn vào thôn Thanh Sơn. Thoát được khói bụi, tôi lại tiếp tục hành trình gần 1 giờ đồng hồ đánh vật với con đường lởm chởm đất đá, “ổ voi”, “ổ trâu” là trục chính dẫn vào xóm 3- Động Đình của thôn Thanh Sơn. Lên đỉnh dốc Môi, tôi “tự hào” vì đã vượt qua được chặng đường dài 4 km cam go trong vòng chưa đầy… 1 tiếng.

Đang loay hoay giữa ngã ba đường thì gặp một người phụ nữ trung niên gò lưng đẩy chiếc xe đạp leo tới dốc. Thấy tôi ngơ ngác hỏi đường về xóm 3 Động Đình, chị cười bảo: “Cán bộ về điều tra đời sống dân bốn không à?” Tôi chưa kịp hiểu, chị đã tiếp: “Không điện, không nước, không trạm y tế, không trường học. Cứ đi đi. Còn hơn 2 cây số nữa thôi. Vào đó tha hồ mà tìm hiểu”. Tôi càng tò mò xem, trong số “4 không” ấy, không điện thì cuộc sống sẽ ra sao.  

Dân: “Thèm điện đến …phát khóc”

9h30 phút sáng, tại xóm 3 Động Đình. Tạt vào một nhà bên đường, tôi đánh tiếng hỏi thăm. Thấy có khách lạ, mấy người phụ nữ độ tuổi 40, 50 đang làm trên nương sắn tất tả chạy về. Các chị là Lại Thị Tuyền, Vũ Thị Khoa, Lê Thị Đông, Vũ Thị Thảo đều dân xóm 3. Thấy tôi có ý hỏi thăm chuyện đời sống, mấy chị ngồi thượt người bên bờ sân, giọng buồn: “Hơn 20 năm đói khổ ở đây nhưng chẳng thèm gì bằng thèm điện”.

Rồi cả chủ và khách kéo vào trong nhà. Ai nấy tìm chỗ ghé ngồi lên mấy chiếc giường. Chị Tuyền – chủ nhà- te tái cầm mấy chiếc quạt làm bằng car-ton chia cho mọi người rồi cũng đưa cho tôi một cái, bảo: “Không có điện. Ở đây chỉ quạt tay thôi. Tự quạt lấy cho đỡ mồ hôi đi”.

Gia đình chị Tuyền cũng như những người dân xóm 3 Động Đình không thể nào quên cái cảnh trống rong cờ mở lúc rời làng quê, theo chủ trương của tỉnh để đi lập vùng kinh tế mới từ năm 1985. Gần 25 năm trôi qua, sức người xả ra với núi rừng, cái đói, cái nghèo cũng bớt đi phần nào. Nhưng cái thèm khát được sống trong ánh điện thì chưa bao giờ nguôi. Đêm đêm, tiếng gió cứ xào xạc, tiếng cây rừng cót két và lũ côn trùng kêu rả rích. Cuộc sống của xóm làng cứ như bị chìm đi giữa đại ngàn mù mịt vì thiếu ánh điện.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây mới thấy họ thiếu quá nhiều thứ cho cuộc sống mà những người dân nghèo nhất ở bất kỳ một làng quê nào khác cũng dễ dàng có được. Cuộc sống nơi xóm núi đã khó khăn, không có điện lưới lại thêm trăm bề cơ cực kéo theo.

Không có nước giếng khoan, vì nếu có thuê được thợ về khoan giếng thì chắc chắn cũng không thể lấy nước lên mà dùng được vì không có điện để chạy máy bơm. Vậy nên, cứ hàng chục nhà chung nhau một giếng tự đào khoét ở khe núi để múc nước về ăn uống, rửa ráy mấy chục năm nay. Chị Tuyền kể: “Những hôm nắng ráo còn đỡ, những hôm mưa, đường trơn, đi gánh nước xa cả cây số, ngã trầy xước chân tay, đổ hết nước, vẫn phải cố mà đi gánh lại để lấy nước dùng”.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ chưa kịp hết mừng vì đã xây được bể đựng nước mưa ăn thì ngoài làng lại mọc lên nhiều nhà máy xi măng, rồi khai thác đá vôi xả bụi trên không quanh năm nên ai cũng biết nước mưa rất bẩn nhưng “cực chẳng đã” vẫn phải ăn.

Nhìn chiếc ti vi đen trắng trong tủ nhà chị Tuyền, tôi bảo: “Kiếm cái ti vi màu xem cho rõ...” – Chị Tuyền, chị Thảo, Chị Đông cùng bảo: Cái đen trắng còn dùng bình ắc quy chạy được, chứ ti vi màu về làm cảnh à!

Cách mà những hộ có ti vi ở đây duy trì “nguồn năng lượng” là tuân thủ nghiêm ngặt quy định: Chỉ xem thời sự tối, nếu có phim hay lắm thì hẹn giờ để xem một ít thôi, còn giữ bình điện được lâu. Mỗi nhà có ti vi phải đầu tư hai chiếc bình ắc quy để có thể xem ti vi trong 1 tuần, mất ít nhất khoảng 1 triệu tiền ăc quy/năm. Mỗi khi bình hết điện, anh Hanh (chồng chị Tuyền) lại phải chở đi cách 7km để thuê nạp mất 2000đ/bình/lượt. Vậy nên, cả khu dân cư có đền gần 300 nhân khẩu này cũng chỉ có chưa đến 10 chiếc ti vi để xem chung. Không những thế, từ ngày anh Hanh tậu được chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc, anh đâm ra “về phố” nhiều hơn vì cứ vài ngày lại phải phi xe ra đó ngồi sạc pin nhờ, khi đầy rồi mới về.

Nguồn sáng duy nhất của cư dân xóm 3 về đêm là đèn dầu và ánh trăng (nếu có). Nhất là vụ thu hoạch sắn, nhà nào cũng tất bật cả ngày đi nhổ sắn trên nương, tối về lại cặm cụi thái sắn bằng tay. Cứ tính trung bình, nhà ít cũng được 5 đến 7 tấn/vụ, nhà nhiều thu cả gần 20 tấn sắn củ. Không có điện, chẳng những việc đi lại nhà, sân, vườn bập bõm khiến họ “lăn chiêng ngã bống”, không thể dùng máy móc phụ trợ lao động và nhất là phải dùng tay thái sắn thủ công ngày đêm cho kịp sắn còn tươi. Nếu có điện, mỗi nhà chỉ cần một ngày chạy máy là thái hết sắn. Đằng này thái tay, có khi mất cả tháng. Chị Tuyền kể: “Lắm hôm, mải làm không kịp đi mua dầu. Lúc tối đang làm hết dầu, còn 1 cái đèn con, phải dành ánh sáng cho chồng thái sắn. Tôi bê sắn lên sân trên vườn phơi. Vừa đi vừa lần mò sờ đường. Lắm lần vừa bê được rổ sắn mới thái còn đang ướt, tối quá, ngã đổ tung tóe ra vườn, lấm lem. Hai vợ chồng phải cặm cụi nhặt rồi đem rửa để phơi. Những lúc như thế, thèm điện đến phát khóc”.

Nhà chị Khoa – anh Đông thì mua được cái máy quay sắn bằng dầu nhưng cứ thái bằng máy thì chi

Vì không có điện để chạy máy nên anh Thanh phải cặm cụi quay sắn bằng tay

phí tiền dầu là bán sắn đi sẽ lỗ nên lại phải quay tay.

Cuộc sống không có điện chẳng những khó khăn trong sinh hoạt và lao động sản xuất mà còn khiến đời sống gia đình cũng ít được sum vầy hơn. Bởi lẽ, đa số những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường phải di cư về ngoài làng (cách chừng 7km) ở nhờ để “tiện việc học tập và được xem ti vi”. Thế nên, như chị Thảo kể: “Dần dần nhiều đứa cũng quen cuộc sống nơi có điện, thi thoảng có về với bố mẹ cũng chỉ chốc lát rồi lại … “chuồn” vì nhà mình tối thui”.

Không có điện. Giá như xa xôi cách trở đã đành, đằng ngày, từ chỗ có trạm biến áp điện lưới vào đến xóm 3 Động Đình chưa đầy 2 km. Thế nên người dân càng “thèm điện”. Họ bảo: Họp hành cũng kêu nhiều rồi, chúng tôi ao ước có đường dây và trạm điện về tới đầu dốc Môi cũng được, còn lại sẽ đóng tiền chung nhau mua dây dẫn về nhà. Nhưng cứ thấy cán bộ hứa rồi lại chẳng thấy đâu. Dân đen quanh năm rừng núi, chẳng biết hỏi ai(!). 

Cán bộ: “Chúng tôi còn đang tính…”

Tôi mang câu chuyện của những cư dân “thèm điện” này đi tìm gặp ông trưởng thôn Đỗ Minh Tiến, người đang phụ trách việc quản lý điện của thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian khá tươm tất. Chiếc tủ lạnh kê ngay ngắn góc nhà. Chiếc ti vi màu to ngự gian phía Đông. Mấy chiếc quạt trần, quạt cây quay tít làm tôi dịu cả người. Trong không khí mát mẻ, ông trưởng thôn vừa rót nước mời chúng tôi, vừa bảo: “Chúng tôi đang định sang năm kỷ niệm 25 năm thành lập làng kinh tế mới đấy. 80 hộ dân xung phong đi kinh tế mới về đây lập làng. Giờ đã gần 300 khẩu rồi. Rộng lắm. Đất đai cũng màu mỡ..”. Ông Tiến đang có vẻ tự hào về mấy xóm của thôn Thanh Sơn này lắm thì tôi đặt câu hỏi cắt ngang: Gần 25 năm rồi. Vậy là gần 9000 ngày dân không có điện, ông trưởng thôn nghĩ sao?

Tôi làm trưởng thôn này 10 năm rồi. Năm 2008 có đề nghị cấp trên xin cho bà con điện. Có xin lên chi nhánh, lên Sở rồi. Họ có về khảo sát đợt năm ngoái đấy, nhưng rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả.

Sao chính quyền địa phương không thúc mạnh thêm vào?

Chúng tôi cũng đang tính sẽ đề nghị...

Trong khi ông Tiến còn đang tỏ ra chia sẻ với đời sống bà con, tôi hỏi thêm: Chắc trong đó, chẳng có đồng chí nào là cán bộ của thôn, của xã nhỉ?

- Chúng tôi ở ngoài này cả!- Ông Tiến cười đáp.

Chẳng lẽ để lễ kỷ niệm 25 năm thành lập thôn tổ chức mà dân vẫn chưa có điện?

Chúng tôi cũng đang tính..! – Ông Tiến nhấp ngụm nước chè, đưa điếu thuốc lá lên rít một hơi rồi nhả khói khoan khoái.

Còn tôi biết, dân xóm 3 đang không có điện nên cuộc sống cơ cực lắm!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên