Xóm nổi khắc khoải dưới chân cầu Trà Khúc

Trong những con thuyền dập dềnh dưới dòng sông Trà là hàng trăm con người đang vật vã trong cuộc mưu sinh, với giấc mơ một ngày được lên bờ…

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng mong ước được lên bờ dường như rất xa vời, bởi  với họ đó là cả một cuộc di dân. “Cũng muốn lên bờ lắm nhưng tiền đâu mà thuê trọ, làm ra được ít đồng tiền phải chi đủ thứ, lấy đâu mà lên bờ”, chị Thanh, một người đã bám trụ ở đây 27 năm tâm sự, cũng là lời mở đầu khi chúng tôi tìm đến xóm nổi dưới chân cầu Trà Khúc, nối giữa hai bờ sông Trà, Quảng Ngãi.

Kiếp này cho đến kiếp nào…

Không nghề nghiệp, không mảnh đất cắm dùi, chỉ trôi nổi với chiếc thuyền chài lênh đênh trên sông nước. Để rồi quanh năm đói ăn, thiếu nước, trẻ em thất học... Đó là tình cảnh của gần 130 nhân khẩu xóm nổi dưới chân cầu Trà Khúc. Không biết xóm này có tên là gì, vì hỏi cư dân trong xóm cũng không ai có thể trả lời. Tôi đành đặt cho xóm một cái tên thuần túy và dễ nhớ là “xóm Nổi” như bao xóm nổi khác.

Đứng trên cầu Trà Khúc nhìn xuống dòng sông, nơi có những con thuyền bồng bềnh trên mặt nước bám lấy sông Trà, và cũng ít ai biết được trong những con thuyền kia là hàng trăm con người đang vật vã trong cuộc mưu sinh.

Xóm nổi dưới chân cầu Trà Khúc

Nằm sát bờ là chiếc thuyền, và cũng là mái ấm của 5 con người trong gia đình chị Vũ Thị Huyền, năm nay đã 39 tuổi. “Gia đình tôi là cận nghèo trong xóm, từ đời cha ông chúng tôi đã gắn bó với con thuyền, dòng sông. Bây giờ đời con tôi cũng vậy”, chị Huyền tâm sự. Phía xa xa, trong những con thuyền lặng lẽ, thi thoảng xen vào giữa tiếng sóng nước là tiếng trẻ con khóc hiu hắt cả dòng sông.

Tất cả những người dân xóm Nổi này sống đều nhờ vào nguồn tôm, cá, ốc, hến mà dòng sông Trà mang lại, nhưng do nạn đánh bắt bằng cách tận diệt nên nguồn lợi từ sông mang lại ngày càng cạn kiệt. Ông Huỳnh Văn Toản, một lão ngư nhiều năm sống trên thuyền than thở: “Cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn. Con tôm, con cá ngày càng ít dần. Nghề cào hến mưu sinh qua ngày nhưng đâu có được bao nhiêu. Mấy năm trước còn đi hút cát thuê cho các ghe, nhưng từ khi việc khai thác cát nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình bị cấm, họ đổ xô đi quăng chài, thả lưới nhưng đâu có đủ sống được!”.

Quả thực cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng bế tắc, đã có bao nhiêu con người sinh ra, lớn lên trên khúc sông Trà này, họ đã sống cuộc sống khổ cực, quanh năm suốt tháng chỉ biết lao động bằng nghề chài lưới mà cha ông để lại, cứ thế đời con tiếp nối đời cha. Cái “cần câu cơm” để lại chỉ giúp họ tìm được con tôm, con cá trang trải cho cuộc sống hàng ngày nhưng chẳng đủ, và cứ thế nghèo khó nối tiếp nghèo khó, họ không thể tự quyết định được cuộc sống của mình. Họ mong muốn được thoát nghèo, nhưng cái ăn của họ còn chưa đủ thì ai dám nghĩ đến.

Chị Phan Thị Hải, 31 tuổi ngẩn ngơ: “Buổi tối, nhà không có điện, bọn trẻ chẳng biết đến học bài là gì. Muốn mắc điện thì chúng tôi phải kéo dây từ các hộ trên bờ và mất mỗi tháng 250.000 đồng. Lúc trước nhà tôi cũng mắc, nhưng sau tốn tiền quá nên thôi. Mấy đứa trẻ cứ đòi mắc lại, nhưng tôi bảo không có điện còn được ăn cá ăn rau, mắc điện vào thì chỉ ăn cơm với mắm thôi, thế là từ chúng cũng không dám đòi bố mẹ mắc điện nữa!”.  

Nước sinh hoạt với những người dân ở đây cũng trở thành một thứ xa xỉ. Họ phải mua nước với giá 10.000 đồng một can loại 20 lit. Nước mua này chỉ dùng để ăn uống, còn sinh hoạt và tắm rửa thì hướng thẳng ra sông. Họ dùng nước múc từ dòng sông Trà đục ngầu, lắng phèn cặn rồi mới dùng được. Việc tắm giặt cũng múc nước sông lên dùng, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng dựa vào dòng sông.

Khi vào mùa mưa lũ, nhưng giữ chiếc thuyền chỉ có một dây thừng được buộc vào gốc cây trên bờ, có “nhà” thì chỉ buộc vào một chiếc cọc nhỏ. Chị Hải thở dài: “Hôm nào mưa thì suốt đêm chỉ lo hứng dột và che chắn nhà, chứ cũng chẳng còn thời gian mà lo thuyền tuột dây trôi ra xa, vả lại ai cũng biết bơi hết rồi, đâu còn sợ sóng nước là chi! Chỉ tội cho lũ trẻ...”. Nhưng, nhìn những dụng cụ bảo hiểm ấy cũng không ai dám chắc là nó thực sự hữu hiệu đối với chiếc bè có đến 5, 6 người mỗi khi gặp trời mưa to gió lớn...

Giấc mơ lên bờ

Dẫu biết rằng, trong lòng họ luôn khao khát và tự hào nếu con em mình đường học hành đến nơi đến chốn. Nhưng họ đâu có thể làm khác được, khi nghèo đói đồng nghĩa với thất học gắn liền với họ từ bao đời nay. Với người dân xóm Nổi, lên được bờ là cả một giấc mơ. Cuộc sống người ta lúc khó, khi nghèo, những người dân nghèo này không mong ước có nhà cao cửa rộng. Đơn giản họ chỉ mong có một mái nhà che mưa, che nắng, nhưng họ làm sao có được khi tài sản duy nhất của ông cha để lại chỉ là một con thuyền cũ nát, cùng mớ đồ nghề đánh bắt cá để họ có thể “nối nghiệp”. 

Những thân phận mong ước được "lên bờ"

Người dân quanh năm chỉ sống dựa vào dòng sông, họ phải lo từng bữa ăn nói chi tới chuyện mua đất. Mà có được miếng đất thì lấy tiền đâu mà làm nhà. Cứ thế, họ lại phải bám trụ lấy “ngôi nhà nổi” của mình ngày qua ngày, mùa tiếp mùa, kiếp cha rồi đến đời con.

“Ai chẳng muốn mình có nhà cửa đàng hoàng hả chú, chúng tôi cũng ngán cảnh sông nước này lắm rồi. Quanh năm chỉ gắn liền với con tôm, con cá, ăn còn không đủ chứ làm gì giám mơ đến chuyện lên bờ. Cứ mỗi mùa mưa bão lên sóng dữ là cả nhà lo ngay ngáy chẳng may lũ mạnh, gió táp thuyền trôi, càng nhiều tuổi tôi lại càng thấy sợ cảnh nổi nênh mùa mưa bão”, một bà lão tâm sự. Và rồi những hộ dân này lên bờ cũng chưa được, mà ở mãi dưới lòng sông thì cũng chẳng yên. Họ vẫn tiếp tục “in bóng” mình dưới dòng sông Trà miệt mài mỗi ngày.

Còn một điều nữa, bởi họ lo lắng không biết lên bờ rồi thì làm gì để sống, rồi viễn cảnh quăng chài, thả lưới dưới sông kiếm sống qua ngày lại hiện lên rõ mồn một. Một người phụ nữ khẽ mở “cửa sổ” trên vòm mái thuyền, nhìn lên phía bờ sông có nhiều người đang đi lại nói chuyện tíu tít và ngước nhìn nơi có những mái nhà đỏ ngói mới. 

Hoàng hôn đổ xuống, xóm Nổi chập chờn mờ tỏ và hun hút ánh mắt của những đứa trẻ nhìn mơ màng về phía ánh đèn rực rỡ, lúc gần lúc xa, phía thành phố Quảng Ngãi sát bên bờ sông Trà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên