Xuân về bản Là Si

Với sự góp sức của chính quyền và bộ đội biên phòng, những ngôi nhà kiên cố cho người La Hủ đang mọc lên, những mái tôn xanh thay dần mái lá vàng...

Tết này, 21 gia đình người dân tộc La Hủ vốn bao đời nay sống lang thang trên các triền núi ở bản Là Si, thuộc xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu đã có ngôi nhà riêng của mình.

Hành trình lên tận cùng miền Tây Bắc Tổ quốc, chúng tôi được chứng kiến câu chuyện làm nhà đón Tết đầy tình nghĩa...

Mái ấm ở Là Si

Lên đường trong tư thế, háo hức đến với đồng bào La Hủ, chúng tôi không thể hình dung trước quãng đường sẽ qua. Xuống dốc, lên dốc rồi lại xuống dốc. 5 lần lên xuống qua đủ bốn đỉnh núi không thể đo nổi độ cao, chỉ biết đi theo lời dặn của những người có kinh nghiệm: Mười bước chân nghỉ một lần, mười lần nghỉ đứng, một lần nghỉ ngồi. Nhưng rồi, đường đi ngày càng dốc ngược, nhìn lên cao chỉ thấy núi xanh rờn, nhìn trước mặt chỉ thấy chân của người đi trước. Sau này, nghe lính biên phòng kể, mới biết mình đã vượt qua dốc núi trên độ cao khoảng 2.000m.

Giữa điệp trùng non thẳm, một tiếng kêu cũng lọt vào thinh không, có lúc tôi đã ngờ rằng chốn sơn cùng thuỷ tận ấy khó có người sinh sống. Vậy mà, qua năm bảy quả núi, phạt lá rừng, xoạc những bước chân dốc ngược, rồi lại lao từ đỉnh dốc xuống suối, đoàn của chúng tôi cũng đến nơi.

Xuân này, người dân bản Là Si đã có nhà để ở

Bản Là Si được lập ở “chòm” The La Cồ, trên trảng đất bằng phẳng hiếm hoi giữa chập chùng núi non Tây Bắc. Những đứa trẻ chạy chân trần lấp ló nhìn chúng tôi vào bản. Các chị phụ nữ tụm lại chỉ trỏ. Loa phát thanh tiếng Hà Nhì mời bà con tới nhà văn hoá dự lễ bàn giao nhà đại đoàn kết. Trên vách gỗ của căn nhà mới dựng còn dòng chữ trên băng rôn tươi mới: “Bảo tồn phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc La Hủ”.

Sau phần trao quà cho các đơn vị tập thể, đoàn công tác đi từng hộ treo ảnh Bác Hồ trang trọng lên bức tường chính mỗi gian nhà và trồng cây đoàn kết. Bà Giàng Na Pệ, 63 tuổi, được cán bộ biên phòng trao tận tay 5 cân gạo, 1 cân thịt, niềm vui được nhân lên như mấy cái Tết cộng lại. “Hôm nay là cái Tết của đồng bào ta rồi. Có thịt có gạo, nhà được ăn ngon, mẹ vui lắm! Bộ đội biên phòng cho mẹ cái nhà, mẹ nằm đỡ lạnh, bộ đội ở đây với bản ta…”.

Lễ bàn giao 21 căn nhà mới cho bà con dân tộc La Hủ diễn ra trong những điệu múa, tiếng khèn náo nức tươi vui. Thầy giáo Khoàng Thanh Bình xoay tròn điệu xoè quanh các em nhỏ. Đêm hội tưng bừng trong ánh lửa, bộ đội với dân tay trong tay quay vòng, hòa chung niềm vui. Từ người già, trẻ con đã biết hát những bài ca truyền thống yêu nước bằng tiếng phổ thông. Thiếu úy biên phòng Lừ Mù Chư, người Hà Nhì phiên dịch lời bài hát cho chúng tôi nghe: “Đất Là Si này là đất của ta/ Đất của ta, đất Là Si đất của người La Hủ/ Núi sông, đất đai của ta tươi đẹp/ Bộ đội đến giúp, cuộc sống người La Hủ thêm đẹp tươi!...”.

Hành trình 65 ngày đêm

Đã bao đời, người La Hủ có cuộc sống gắn liền với bảy không: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không thông tin, không thủy lợi. Từ rất lâu, người La Hủ chưa quen với hai chữ “định cư”, mà vô tình quần tụ tại 4 xã của huyện Mường Tè (Lai Châu) là: Pa Ủ, Pà Vầy Sủ, Ka Lăng, Bum Tở với tổng số trên 8 ngàn người.

Bộ đội biên phòng Lai Châu dựng nhà giúp dân

Đợt phát động thi đua đột kích “65 ngày đêm hành quân về biên giới, giúp dân xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội” tại những bản biên giới xa xôi nhất đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu nhiệm vụ quan trọng: Củng cố cơ sở chính trị, khám chữa bệnh, xây dựng lớp học, hướng dẫn nhân dân sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tháng 6/2009, 90 cán bộ chiến sĩ từ các đồn, tiểu đoàn huấn luyện, tiểu đoàn cơ động của lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh khoác ba lô hành lý tư trang, lương thực thực phẩm và các vật dụng khác đến Là Si, vượt qua gió rét, mưa dầm, ruồi vàng, vắt cắn… Muốn có gỗ tốt, bộ đội phải kéo gỗ ngược dốc chuyển về, tôn cuộn tròn 4 - 5 tấm vác vào bản. Khó khăn nhất là quãng đường gần 20 cây số đường rừng trèo đèo, lội suối, vượt thác ghềnh. Tấm lợp dài vác trên vai che khuất tầm nhìn, qua rừng rậm dễ bị ngã, có thể rơi xuống vực hoặc bị lũ cuốn trôi. Song, cán bộ chiến sĩ biên phòng đã tự nguyện tham gia với quyết tâm cao độ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bà Hà Thị Nở, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu nhận xét: “Điều đặc biệt đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi vào bản Là Si là những mái nhà lợp bằng tôn và xung quanh là những tấm ván được bộ đội biên phòng dày công thực hiện trong ròng rã 6 tháng trời. Giá trị vật chất của mỗi mái nhà tuy chỉ 30 triệu đồng nhưng giá trị tinh thần to lớn của nó thì có lẽ không thể đo đếm được”.

Ấm áp tình quân dân

Và sau quá trình vận động thuyết phục nhiều ngày, đồng bào đã tự nguyện cùng bộ đội dựng nhà cho chính họ. Ông Lý Anh Nhừ, Chủ tịch xã Thu Lũm cho biết, xã đã vận động nhân dân góp công, góp sức, các ban ngành đoàn thể cùng anh em biên phòng đến từng hộ gia đình vận động định canh định cư, trong 3 ngày đã vận động được 320 hộ tham gia vận chuyển tấm lợp vào bản Là Si, đủ lợp cho 23 mái nhà.

Lập bản làm nhà cho đồng bào chỉ là bước đầu, việc tổ chức cuộc sống và giảm nghèo bền vững mới là mục tiêu lâu dài và nặng nề. Vì thế, sau khi làm nhà cho dân ở Là Si, vẫn còn một “chốt biên phòng” với khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ ở lại bản vài năm để cùng dân xây dựng cuộc sống mới, phát triển nông nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng công trình nước sạch, thuỷ lợi, sắp xếp ổn định dân cư…

Nơi trời xanh, núi cao và mây trắng, nơi những đỉnh núi chọc trời, những người lính biên phòng vẫn thầm lặng trong hành trình tìm lại tộc người La Hủ để đưa đồng bào về lập bản, lập trường, làm đường, dựng trạm.

Lâu lắm rồi mới thấy những ánh mắt lấp lánh niềm vui ở Là Si. Dẫu biết rằng sẽ còn phải đầu tư, phải cố gắng rất nhiều, Là Si mới có được tiêu chuẩn của một bản làng với đầy đủ điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, thông tin, giao thương buôn bán... Nhưng từ những ánh mắt ấm áp ấy, xuân này, cuộc sống mới đã bắt đầu ở Là Si..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên