Phụ nữ là đối tượng gặp nhiều khó khăn do Covid-19
VOV.VN - Dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của những người nghèo vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Gánh nặng mưu sinh trĩu nặng trên vai những người phụ nữ yếu thế.
Đã nhiều ngày qua, cả nước không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, nhưng chị Bùi Thiện Bích Nga ở số 237/11/ 60 đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn không tìm được việc làm.
“Trước khi có dịch, tôi làm phụ trong bếp nhà hàng, một ngày trung bình kiếm được 300.000 đồng. Đến nay, tôi đã mất việc làm tại nhà hàng đó. Nói chung kinh tế khó khăn, chẳng có người thuê nên kinh tế rất eo hẹp”, chị Nga nói.
Cũng vì dịch Covid-19, gia đình 5 người chị Kiều Thị Quý ở Ứng Hòa, Hà Nội đều phải nghỉ ở nhà, không việc làm nhưng chi phí cho sinh hoạt tằn tiện cũng mất 100.000 đồng/ngày, trong khi giá cả các mặt hàng lại đắt đỏ. Vợ chồng chị Quý ra các quận trung tâm nội thành để tìm việc làm thêm nhưng vẫn khó. Việc làm thì không kiếm được, trong khi phải chi trả thêm tiền ăn, tiền trọ.
Với những lao động bán hàng tự do trên phố như chị Vũ Thị Bích ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và chị Phạm Thị Hậu ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, việc buôn bán ế ẩm kéo dài khiến cuộc sống vô cùng khốn đốn.
Nhà chị Bích chỉ có 2 mẹ con, con trai bị thiểu năng trí tuệ chỉ nằm liệt một chỗ, hàng tháng đều phải đi viện điều trị. Một mình chị Bích bán hàng rong trên phố để kiểm tiền trang trải cuộc sống, thuốc men cho 2 mẹ con.
Còn chị Phạm Thị Hậu bán hàng rong tăm, chổi nuôi 3 đứa con ăn học ở quê: “Tiền nong, vốn liếng hết sạch rồi, tôi phải vay mượn thêm để có vốn chuẩn bị hàng đi chợ, cùng với đó là lo lắng cho con cái”.
Khó khăn chất chồng khó khăn khi chi phí sinh hoạt hàng ngày đã chẳng đủ mà người thân trong nhà lại đau ốm liên miên. Đó là phải kể đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng thuộc hộ nghèo tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Chồng chị là anh Nguyễn Chí Cường bị tai nạn lao động mất cánh tay phải và chấn thương nhiều bộ phận trên cơ thể. Vì vậy mọi gánh nặng gia đình đè trĩu trên vai chị. Con trai thứ 3 của chị Hồng bị bệnh tan máu bẩm sinh, phải điều trị ở bệnh viện Huyết học truyền máu TW hơn 6 năm nay. Con gái thứ 2 vừa phải phẫu thuật do bị u máu. Chi phí chữa bệnh của chồng và các con đều tốn kém.
Sau nhiều năm chống đỡ, hiện chị Hồng đang mắc một số bệnh như: u vú, u tuyến giáp, u cổ tử cung mà chưa thu xếp được tiền phẫu thuật. Do đó, khi được Tổ chức Tài chính vi mô tình thương (gọi tắt là TYM) trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tiền mặt và hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để làm ăn, chị rất xúc động.
“Tổ chức TYM có vào thăm gia đình và trao gạo, xà phòng, khẩu trang… nhiều thực phẩm khác, tôi rất xúc động. Tôi không biết nói gì mà chỉ biết cám ơn mọi người đã quan tâm đến gia đình tôi, động viên, giúp đỡ gia đình tôi trong lúc vô cùng khó khăn thế này”, chị Hồng chia sẻ.
Để đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ, TYM thuộc TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thiết kế các loại vốn đa dạng trên cơ sở nhu cầu và khả năng sử dụng, hoàn trả của các thành viên. Với ưu điểm không yêu cầu tài sản thế chấp, chia nhỏ gốc, lãi vốn vay có thể trả dần, không mất chi phí, nguồn vốn ổn định lâu dài…
TYM còn giúp các thành viên học cách quản lý thu chi trong gia đình một cách phù hợp, biến những đồng tiền nhỏ lẻ thành các món tiết kiệm có giá trị.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng giám đốc TYM cho biết, đơn vị này hiện có hơn 4.000 điểm giao dịch tại 700 xã, phường thị trấn ở 13 tỉnh, thành trên cả nước.
“Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân trong đó có phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế. TYM là một tổ chức thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện sứ mệnh giúp phụ nữ nghèo, yếu thế cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và vi tài chính. Cho nên, trong điều kiện bệnh dịch tác động rất lớn đến đời sống cũng như sinh kế của chị em phụ nữ yếu thế thì thực hiện chỉ thị của TW Hội Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi vừa tích cực chống dịch vừa tìm các giải pháp, biện pháp để hỗ trợ chị em vượt qua những khó khăn như thế này”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay./.