“Phù phép” cả trăm ha rừng?

Lợi dụng chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã biến hàng trăm ha đất rừng đã được Nhà nước giao cho dân quản lý, thành tài sản của một số tổ chức, cá nhân.

Đã sáu trôi năm qua, những người dân được giao đất rừng từng “một nắng, hai sương”, ngày đêm cuốc bẫm để bảo vệ những cánh rừng xanh tốt vẫn không nhận được một lời giải thích thỏa đáng, một đồng tiền đền bù từ hàng trăm ha đất rừng bị thu hồi...

Thu hồi 300 ha rừng bằng… miệng!

Tháng 5/2003, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chuyển đổi hàng nghìn ha đất lâm nghiệp kém hiệu quả khu vực Tây Bắc Quỳnh Lưu sang đất nông nghiệp, trong đó, có gần 300 ha đất rừng phòng hộ tại xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng. Đây là diện tích rừng được Nhà nước giao cho hơn 20 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc Thanh trông coi, bảo vệ theo Khế ước giao khoán, thời hạn hợp đồng 50 năm. Nhưng thay vì thực thi quyết định chuyển đổi của UBND tỉnh, UBND xã Tân Thắng ra lệnh thu hồi bằng miệng toàn bộ diện tích rừng mà hơn 20 hộ dân trong coi, giao cho một số tổ chức, cá nhân mà chính người dân Bắc Thắng cũng không biết họ là ai, từ đâu đến.

Với sự “phù phép” của cán bộ xã Tân Thắng, hàng trăm ha rừng đã được UBND xã Tân Thắng chia cho một số tổ chức, cá nhân, trong đó có cả quan chức của UBND huyện Quỳnh Lưu như ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường; ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu.

Trong căn nhà, dưới chỉ có đất, trên trông thấu trời, anh Lô Văn Tài, chủ Khế ước 43 ha rừng, nạn nhân của chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chua xót kể cho chúng tôi nghe chuyện anh gắn bó với rừng cũng như chuyện những cánh rừng đã “biến mất”: Năm 1995, trước hiện trạng diện tích rừng Bắc Thắng ngày càng hoang hóa, UBND huyện Quỳnh Lưu chủ trương, vận động nhân dân trong coi bảo vệ rừng. Và khi hầu hết người dân Tân Thắng từ chối, thì việc hồi sinh những cánh rừng đặt lên vai những hộ đồng bào Thanh trong xóm. Nhưng khi rừng Bắc Thắng dần lấy lại màu xanh nhờ sự cần mẫn của những con người nơi đây, thì “phép Vua” của UBND xã Tân Thắng đã “cuốn” đi của họ tất cả. Sự thể bắt đầu năm 2003, khi lãnh đạo UBND xã Tân Thắng “phù phép” Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Nghệ An thành Quyết định thu hồi đất. Tất nhiên, những người dân thật thà như đếm không hề do dự trước Quyết định của chính quyền. Anh Lô Văn Tài cho biết: “Xã lừa chúng tôi, nói đây là chủ trương Nhà nước. Cán bộ nói thì phải tin chứ, không tin cán bộ thì tin ai? Nhưng mãi đến giờ  mới biết xã lấy nhưng xã không làm, còn chúng tôi thì không được đền bù gì cả....”.

Nói là Quyết định, nhưng tất cả chỉ diễn ra bằng miệng. Để dễ thuyết phục người dân, UBND xã Tân Thắng dựng chuyện Nhà nước lấy đất xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu dứa. Khi người dân hỏi chuyện đền bù, công trông coi bảo vệ rừng, thì chính quyền xã “tát bùn sang ao”, nói đó là chủ trương của huyện, của tỉnh. Thế là, những người dân Bắc Thắng không chỉ mất rừng, mà quyền lợi, công trông coi mấy năm liền cũng theo sông ra bể. Khế ước ký kết giữa UBND huyện Quỳnh Lưu và các hộ dân năm 1995 ghi rõ, trong trường hợp bị thu hồi, người dân được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng. Nhưng những nội dung của Khế ước này đã bị UBND xã Tân Thắng lờ đi.

Cán bộ xã: Chủ trương trên, cứ làm ào, giờ mới thấy sai!

Sáu năm qua, những hộ dân xóm Bắc Thắng cần mẫn “đội mưa” gõ cửa chính quyền xã Tân Thắng, nhưng chỉ nhận được sự thoái thác: lên huyện, lên tỉnh mà hỏi. Trong buổi làm việc với phóng viên Đài TNVN, ông Đào Anh Truyền, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng vẫn khăng khăng, việc thu hồi đất đã được nhân dân chấp thuận, chuyện phản đối, khiếu nại là hoàn toàn không có. Đã thế, ông Chủ tịch xã còn hoạt ngôn “Mình làm việc cho dân, thì không để dân thiệt”. Khi chúng tôi đề cập sự bức xúc của người dân qua những lá đơn khiếu nại, cũng như với phóng viên, ông Truyền cho rằng, chuyện bức xúc gần đây mới có. Lấp liếm mãi rồi cuối cùng ông Chủ tịch xã Đào Văn Truyền cũng phải thừa nhận: “Bây giờ, nghĩ lại mới thấy là sai, anh em bọn tôi trình độ quản lý hạn chế, ngày đó tôi cũng vừa chuyển từ Trạm trưởng y tế sang làm Chủ tịch, nên còn lúng túng. Khi đó không có cơ quan nào hướng dẫn nên chúng tôi cũng không biết. Chủ trương của trên là chúng tôi cứ làm ào ”.

UBND tỉnh Nghệ An không có Quyết định thu hồi diện tích đất rừng ở xóm Bắc Thắng, mà chỉ có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc UBND xã Tân Thắng thu hồi đất rừng có Khế ước mà không thanh lý hợp đồng, đền bù công sức, tiền của cho nhân dân là sai quy định của pháp luật. Quyền lợi người dân phải được tôn trọng, phải thực hiện đúng pháp luật... (Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)
Với sự “phù phép” của cán bộ xã Tân Thắng, hàng trăm ha rừng đã được UBND xã Tân Thắng chia cho một số tổ chức, cá nhân, trong đó có cả quan chức của UBND huyện Quỳnh Lưu như ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường; ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó phòng Nông nghiệp huyện… Và như lời Chủ tịch UBND xã Đào Văn Truyền thì tất cả là để trồng dứa nguyên liệu phục vụ Nhà máy dứa cô đặc của tỉnh. Trớ trêu thay, nhiều năm qua, hầu hết diện tích này đang để cỏ dại phát triển. Xót xa, và đói kém, nhiều lần các hộ dân trở lại rừng trồng ngô, trồng sắn, nhưng khi những hạt ngô, nhành sắn chưa kịp nhú mầm, thì những chiếc máy cày không biết từ đâu đến xới tung mọi công sức, tiền của của họ.

 Cán bộ huyện: “Hình như, có lẽ, chắc là…”

Nếu như ông Chủ tịch UBND xã Tân Thắng đỗ lỗi do “trình độ quản lý yếu kém”, thì điệp khúc mà chúng tôi nhận được khi làm việc với ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳnh Lưu là “hình như, có lẽ, chắc là”. Ông Trưởng phòng luôn miệng, diện tích rừng mà các hộ dân bị thu hồi “hình như” có Khế ước giao khoán, và trước khi thu hồi, “chắc là” các cơ quan chức năng đã kiểm tra…

Nhưng có một điều mà ông Trưởng phòng không “hình như, có lẽ” đó là hơn 4 ha đất rừng mà ông có được từ việc thu hồi của các hộ dân. Các cơ quan chức năng mà ông Năm nhắc tới không hề đề cập Phòng Tài nguyên Môi trường, đơn vị tham mưu cho UBND huyện Quỳnh Lưu về tài nguyên môi trường. Ông Đậu Đức Năm cho rằng, chuyện chuyển đổi, thu hồi đất rừng ở Tân Thắng, ông không hề hay biết, vì trước năm 2006 ông chỉ làm Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường. Còn hơn 4 ha đất rừng ở xóm Bắc Thắng mà ông có được từ năm 2004 là do thuê lại của xã. Ông Năm quanh co, 3 năm trên cương vị Trưởng phòng, ông không nhận được bất kỳ khiếu nại hay phàn nàn nào của người dân về chuyện đất rừng Bắc Thắng, nên việc đúng hay sai trong sự vụ này thì phải kiểm tra lại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, trước khi làm việc với Phóng viên Đài TNVN ông không hề hay tin những sai phạm của UBND xã Tân Thắng và các cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu trong việc “phù phép” hàng trăm ha rừng. Ông Nguyễn Đình Chi khẳng định, “Năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An không có Quyết định thu hồi diện tích đất rừng ở xóm Bắc Thắng, mà chỉ có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc UBND xã Tân Thắng thu hồi đất rừng có Khế ước mà không thanh lý hợp đồng, đền bù công sức, tiền của cho nhân dân là sai quy định của pháp luật. Quyền lợi người dân phải được tôn trọng, phải thực hiện đúng pháp luật. Nếu dân chưa được hưởng thì phải thanh toán một cách sòng phẳng cho dân...”.

Những khuất tất, sai phạm của UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu trong việc “phù phép” hàng trăm ha rừng có Khế ước đã “hai năm rõ mười”. Dư luận đang chờ sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An trong việc điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm. Nghiêm túc nhìn nhận và xử lý sai trái không chỉ trả lại niềm tin cho người dân vào các cấp chính quyền, mà còn hi vọng trả lại màu xanh cho những cánh rừng Bắc Thắng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên