Phú Yên: Khắc khoải nhà ở vùng lũ
Đã gần 9 tháng kể từ ngày cơn lũ lịch sử đầu tháng 11/2009 đi qua, nhiều người dân bị mất nhà do lũ ở Phú Yên vẫn chưa thể ổn định chỗ ở. Những căn nhà tạm càng trở nên chông chênh khi mùa mưa bão năm 2010 đã cận kề
Ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai là việc mà các cấp chính quyền địa phương nổ lực giải quyết từ cuối năm ngoái đến nay, thế nhưng trên thực tế nhiều nơi công việc này vẫn diễn ra khá chậm.
Kéo dài cuộc sống tạm bợ
Chúng tôi trở lại thôn Hội Phú, phía bên kia kè Bình Thạnh, một trong những vùng bị lũ tàn phá nặng nề của xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên). Cơn lũ lịch sử từ thượng nguồn sông Cái đổ về đã phá vỡ hơn 2km đê kè Bình Thạnh và ùa thẳng vào làng, cuốn trôi ruộng vườn, nhà cửa cùng tài sản tích góp cả đời của người dân thôn Hội Phú. Sau lũ, nhiều người trở về tay trắng, thậm chí mảnh đất ở trước đây chỉ còn là hầm nước.
Gia đình chị Bùi Thị Liên cùng với 11 hộ khác trong diện này ở thôn Hội Phú phải che tạm túp lều để ở từ đó đến nay. 2 vợ chồng cùng với 3 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 9, nhỏ nhất lớp 4 từ 9 tháng nay phải sống trong chiếc lều chưa đầy 10m2. Tấm ván còn sót lại sau cơn lũ là nơi ăn, ngủ cũng là nơi sinh hoạt duy nhất của cả nhà. Ruộng bị lấp, ngày ngày chồng chị Liên phải ra sông Cái đánh cá được chừng 30.000- 50.000 đồng mỗi ngày để trang trải cuộc sống cho cả nhà. Nắng nóng ngày hè và những cơn mưa dông những đầu mùa mưa này đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người phụ nữ này.
Chị Bùi Thị Liên nói trong nước mắt: “Ăn, ngủ, sách vở, học hành cũng một chỗ đó luôn chứ giờ hổng có chỗ nào nữa cả. Lũ cuốn trôi hết không còn gì, chỉ còn một hầm nước. Không có chỗ mà che cho con nó học. Cả 9 tháng nay, ăn cũng không yên mà ngủ cũng không yên, cầu mong cho Nhà nước giúp đỡ, cho một chỗ đất cho mình xây dựng nhà ở cho yên tâm. Mưa gió tới nơi đây nữa không biết làm sao đây!”.
Em Võ Thị Kim Linh, con gái chị Bùi Thị Liên năm nay học lớp 9, khi trò chuyện, em không nói nhiều về chuẩn bị vào năm học mới như bao đứa trẻ khác mà chỉ mong sớm có một mái nhà để tránh được nước lũ năm nay và 3 chị em ổn định việc học hành: “Từ hồi nhà sập đến giờ vẫn chưa có nhà, con vẫn ở tạm thế này. Mùa nắng thì nóng mà mùa mưa con sợ nó trôi một lần nữa quá. Con mong muốn xã cấp đất nhanh để nhà con có nhà ở trước mùa mưa bão, nếu mưa xuống con chẳng biết chạy đi đâu nữa”.
Khi tìm hiểu những trường hợp chưa có đất ở như gia đình chị Liên chúng tôi được chính quyền xã An Ninh Tây cho biết: Toàn xã An Ninh Tây có 17 hộ chưa xây dựng lại nhà ở. Hầu hết những người này đều có nhà cũ xây dựng trên đất trái phép nên chưa được giải quyết hỗ trợ đất để xây dựng nhà ở mới sau lũ. Sở dĩ kéo dài như vật một phần địa phương chưa tạo được quỹ đất để xây dựng nhà trong khi tâm lý của người dân mất nhà là muốn ở lại chỗ cũ để quen với sinh hoạt, làm ăn… nhưng nơi cũ đã không còn quỹ đất ở nên xã cũng lúng túng khi triển khai. Cả hai lý do này khiến cho việc tái thiết nhà ở cho người dân mất nhà sau lũ kéo dài nhiều tháng liền. Không chỉ ở An Ninh Tây mà nhiều xã khác thuộc 3 huyện, thị xã phía bắc tỉnh Phú Yên bị ảnh hưởng cơn lũ lịch sử trong tình cảnh tương tự.
Cách nào giải quyết đất ở, nhà ở?
Theo thống kê mới nhất của các ngành chức năng ở tỉnh Phú Yên, trong số 2.950 hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn do lũ ở Phú Yên cuối năm ngoái, đến lúc này đã có 2.755 hộ đã xây dựng nhà ở và hiện vẫn còn đến 195 gia đình chưa xây dựng nhà. Kế hoạch tái thiết nhà ở sau lũ ở tỉnh Phú Yên bị chậm xuất phát từ những vướng mắc phát sinh trong khâu giải quyết mặt bằng để người xây dựng xây dựng lại nhà.
Mục tiêu mà tỉnh Phú Yên đặt ra là trước mùa lũ năm nay, tất cả các gia đình đều về nơi ở mới. Thế nhưng với tình trạng như hiện nay, mục tiêu này khó có thể đạt được. Giải quyết vấn đề này như thế nào, ông Lưu Minh Phương, Phó chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, huyện Tuy An cho biết: “Uỷ ban huyện chỉ đạo Uỷ ban xã đang tích cực quy hoạch đất trình huyện gấp giải quyết hết số nhà ở còn lại. Hiện giờ chính quyền đang xúc tiến nhanh việc giao đất cho các hộ. Ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, bà con tích cực huy động trong họ hàng làng xóm, tích góp thêm để xây dựng nhà trước mùa mưa. Huyện Tuy An phấn đấu giải quyết xong đất ở cho những hộ mất đất mất nhà do lũ trong tháng 8/2010”.
Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết tốt nhà ở cho nhân dân vùng lũ cần sự quyết tâm rất lớn và sự phối hợp chặt chẽ, cũng như nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ đối với cuộc sống của người dân. Ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên cho rằng: “Nếu ai chứng kiến cảnh sống của những người dân mất nhà sau lũ trong những ngày nắng nóng vừa qua mới thấy hết những khó khăn mà người dân phải gánh chịu. Vì vậy hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng quy hoạch đất tái định cư, những điểm khu dân cư để đảm bảo hỗ trợ cho người dân có đất ở và phải làm quyết liệt, đồng thuận cao thì mới mong giải quyết được”.
Trong thực tế, trong khi chờ chính quyền giải quyết đất ở, nhiều người dân tự san nhượng đất trong anh em dòng họ để ổn định nhà ở cho mình và rất nhiều trường hợp xây dựng nhà ở ngay tại vị trí mà năm ngoái nhà ở của họ bị lũ san bằng. Những gì diễn ra trong thời gian qua bộc lộ hạn chế trong quy hoạch các khu dân cư ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền cơ sở.
Giá như những nỗ lực giải quyết đất ở được thực hiện ngay từ đầu năm thì nhiều tháng qua, nhiều người dân đã không phải sống một cuộc sống chông chênh, tạm bợ triền miên. Những bộn bề và lo toan về nơi ở của những người dân vùng lũ Phú Yên vẫn đang hiển hiện nhiều nơi. Bây giờ, nếu giải quyết được đất ở thì liệu có xây xong nhà ở trước khi bão ập đến? Đây là điều mà các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở Phú Yên phải tính đến./.