Quá trình tìm kiếm xương người tiền sử trong hang núi lửa ở Đắk Nông

VOV.VN - Các nhà khảo cổ đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt con người và tìm thấy dấu vết 10 cá thể tại hang động núi lửa ở Đắk Nông.

Cuối năm 2007, TS La Thế Phúc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và cộng sự đã phát hiện ra một loạt hang động núi lửa ở thôn Nam Tần, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Năm 2017, TS La Thế Phúc được giao chủ trì đề tài đột xuất cấp cơ sở: Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cầm trên tay hộp sọ em bé gái 4 tuổi từ hàng ngàn năm trước.
Theo lời kể của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đến ngày 15/12/2017, kết quả thăm dò khảo cổ hang động núi lửa này phát hiện xương chồi lên.

"Nếu đúng như kết quả thăm dò thì đây là bước ngoặt của ngành khảo cổ khi lần đầu tiên ở Việt Nam có di cốt người trên vùng đất Tây Nguyên", PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.

Trong các hang động núi lửa còn có các mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước,
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật các di chỉ ở Tây Nguyên, phát hiện hàng vạn công cụ đá nhưng chưa từng tìm được xương hay răng người.

Ông Sử cho biết: "Qua quá trình khai quật phát hiện hàng vạn công cụ lao động bằng đá như công cụ chặt, công cụ hình đãi, công cụ hình bàn, rìu ngắn, hòn ghè... tồn tại suốt từ 7.000 - 4.000 năm (TCN). Tổ hợp công cụ mang đặc trưng riêng của Tây Nguyên kế thừa những thành tựu của cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình tiền kỳ Đá mới, tiếp tục trung kỳ Đá mới”.

Nghĩa là cư dân văn hóa Hòa Bình sinh sống cách đây 10.000 – 7.000 năm (TCN), khi kết thúc quá trình đó có một nhóm cư dân khác di chuyển xuống dưới hang và họ tiếp tục sinh sống, tuy nhiên, thay vì hang đá vôi như người Hòa Bình thì những cư dân này sống trong những hang núi lửa và vẫn duy trì việc chế tác công cụ.

Phiên bản di cốt người tiền sử.
Quá trình tìm kiếm bộ xương người cổ được tiếp tục khi ông Cường đến Krông Nô, vào hang để xem chiếc "xương chi người" chồi lên như lời kể. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, chiếc xương giống xương chày người thật nhưng đầu xương chày lại là xương chày của hươu nai.

Tháng 3/2018, trong những mẫu vật ở hang C6-1, ông Cường phát hiện 1 chiếc răng khôn bên phải hàm trên của người xen lẫn các công cụ đá, xương động vật của lớp 3-1 ô C2. Tuy nhiên, mặt nhai của chiếc răng đúng nhưng răng lại có đến 4 chân răng trong khi răng này chỉ có từ 1-3 chân.

Ông Cường đã gửi hình ảnh cho người bạn là GS.TS Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và câu trả lời ông nhận được là đúng răng người.

Đến ngày 22/3/2018, khi đào ở vách tây của hang C6-1 đoàn đã phát hiện ra một đoạn xương đùi và xương chày của một cá thể trưởng thành. Hai ngày sau, đoàn khảo cổ tiếp tục phát hiện được bộ xương trẻ em trong hố khai quật. Bộ xương này được xác định của một em bé gái 4 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã tháo dỡ từng phần của hộp sọ và các phần khác của xương. Hộp sọ vỡ thành hơn 100 mảnh, còn giữ lại ở hàm trên 9 răng sữa, hàm dưới 8 răng sữa. Một điều đáng chú ý là vì đây là sọ của trẻ em 4 tuổi nhưng răng cửa sữa mòn vẹt.

Các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật bằng đá, gốm...
Theo TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di chỉ khảo cổ tiền sử trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Lý giải việc tại sao trên vùng đất này có rất nhiều địa điểm khảo cổ bên ngoài nhưng chưa tìm thấy di tích người mà lại tìm thấy di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa, ông Phúc cho biết: “Đối với môi trường bên ngoài, do biên độ giao động nhiệt lớn kích thích quá trình thoái hóa và hệ vi sinh vật phân hủy nhanh chóng. Trong khi đó, trong hang động, điều kiện nhiệt độ bình ổn dao động từ 22-26 độ C, hơn nữa hệ vi sinh vật nghèo, thấp hơn bên ngoài đến hàng chục nghìn lần nên tốc độ phân hủy hữu cơ rất chậm”.

Ông Phúc cũng cho biết, mục tiêu của quá trình nghiên cứu để xác định cư dân tiền sử ngày trước sống như thế nào, sinh hoạt hàng ngày ra sao, tại sao những di chỉ để lại nhiều mảnh tước (công cụ bằng đá người tiền sử chế tác phục cụ cuộc sống)./.

Năm 2018, ở hang C6-1 phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người và có ít nhất trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 10 cá thể  mà trong đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

Theo kết quả phân tích, thì ngôi mộ này có niên đại cách ngày nay 6.100 năm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tập tục thay quần áo mới cho người chết ở Indonesia
Tập tục thay quần áo mới cho người chết ở Indonesia

VOV.VN - Cứ 3 năm một lần, người dân ở Torajan, Indonesia lại thay quần áo cho người đã mất để thể hiện tình yêu và sự tôn trọng.

Tập tục thay quần áo mới cho người chết ở Indonesia

Tập tục thay quần áo mới cho người chết ở Indonesia

VOV.VN - Cứ 3 năm một lần, người dân ở Torajan, Indonesia lại thay quần áo cho người đã mất để thể hiện tình yêu và sự tôn trọng.

Nơi duy nhất giữ lửa nghề Đậu bạc truyền thống Định Công
Nơi duy nhất giữ lửa nghề Đậu bạc truyền thống Định Công

VOV.VN - Được làm hoàn toàn thủ công, những sản phẩm Đậu bạc ở làng Định Công được uốn, ghép từ những sợi bạc mảnh tạo thành hình độc đáo.

Nơi duy nhất giữ lửa nghề Đậu bạc truyền thống Định Công

Nơi duy nhất giữ lửa nghề Đậu bạc truyền thống Định Công

VOV.VN - Được làm hoàn toàn thủ công, những sản phẩm Đậu bạc ở làng Định Công được uốn, ghép từ những sợi bạc mảnh tạo thành hình độc đáo.