Quản lý cỗ, bàn: Giải pháp ngăn chặn ngộ độc thực phẩm tập thể

VOV.VN - Nhiều vụ ngộ độc tập thể ở vùng cao Tây Bắc đã xảy ra, nhiều người phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Các địa phương cũng đã vào cuộc ngăn chặn, nhưng thực tế vẫn chưa hạn chế được tình trạng này. Vậy, các tỉnh Tây Bắc cần có những giải pháp như thế nào mới có thể  đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng thực phẩm.

Đối với các địa phương ở tỉnh Yên Bái, giải pháp chủ yếu vẫn là công tác tuyên truyền. Ông Mùa A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: Rút kinh nghiệm từ vụ ngộ độc tập thể làm 13 người phải nhập viện cấp cứu trong bữa liên hoan đầu năm ngoái, xã đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về vệ sinh an thực phẩm an toàn, cảnh giác với ngộ độc thực phẩm.

Sẽ tăng cường cán bộ y tế tổ chức giám sát, quản lý các bữa ăn mang tính chất cộng đồng và bữa ăn đông người tại thôn bản.

Ông Mùa A Páo nói: “Từ đầu năm xã hướng bà con trong ăn uống là ăn chín, uống sôi để đảm bảo an toàn. Sử dụng thực phẩm bà con không dùng thực phẩm có phun thuốc trừ sâu, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Một số thực phẩm tươi như thịt, bà con để lâu ngày trong nhà cũng vận động bà con nếu có mùi là không nên sử dụng”.

Hơn 3 năm nay, kể từ khi ra quy định đưa tất cả cỗ đám vào quản lý, trên địa bàn xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong các bữa ăn đông người.

Việc yêu cầu ký cam kết trước khi tổ chức cỗ đám không chỉ được áp dụng riêng tại Lùng Vai mà còn được triển khai rộng rãi tại tất cả các xã trong toàn tỉnh Lào Cai. Qua đó, hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm được nâng cao, từ 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào lớn.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng địa phương cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ tới toàn thể người dân, góp phần làm giảm thiểu tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân của tỉnh từ 38,7 ca (năm 2013) xuống 8,2 ca (năm 2014), 7,2 ca (năm 2015) và còn 3,3 ca (năm 2016).

Bà Lê Thị Thanh Mai, cán bộ xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: “Trước khi một gia đình nào đó tổ chức cỗ đám, đại diện gia đình phải đến UBND xã để đăng ký trực tiếp và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm rồi mới được tiến hành. Trong những năm qua toàn xã không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào cả”.

Theo Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được ngành xác định ưu tiên số một. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các thứ tiếng dân tộc; qua các băng zôn, khẩu hiệu, các đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi… Tuy nhiên, hiện nay biện pháp hữu hiệu nhất mà ngành vẫn đang đẩy mạnh triển khai đó là việc tăng cường cán bộ y tế các tuyến xuống cơ sở nói chuyện trực tiếp với người dân.

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên nói: “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các đơn vị như Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe.

Ở tuyến huyện có phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện, rồi xuống tuyến xã thì có trạm y tế xã, xuống thôn bản thì có nhân viên y tế thôn bản, trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm đồng thời với việc thanh kiểm tra thường xuyên, tổ chức cấp cứu điều trị kịp thời các trường hợp ngộ độc, điều tra xác định nguyên nhân sớm để loại trừ và ngăn chặn trong các dịp tiếp theo”.

Giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm.

Những giải pháp mà các địa phương, các ngành chức năng ở các tỉnh Tây Bắc đưa ra cũng như đã triển khai thực hiện như: tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chỉ đạo lực lượng xuống địa bàn kiểm tra, ký cam kết… thời gian qua mới chỉ đạt được hiệu quả ở mức độ rất khiêm tốn nên vẫn chưa hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể.

Để cần và đủ thì những giải pháp đó cần phải đi vào thực tế hơn, phải tăng cường lực lượng kiểm tra, ngăn chặn ngay từ nơi sản xuất, phải có chế tài xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đặc biệt phải ngăn chặn được tình trạng tiêu cực của lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm thì người dân mới có cơ hội sử dụng thực phẩm an toàn, mới có thể hạn chế được tình trạng “Ngộ độc thực phẩm tập thể trên vùng cao Tây Bắc”, câu chuyện đau lòng bấy lâu nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên