Quản lý nguồn phóng xạ chưa nghiêm
VOV.VN - Lỗi lớn nhất hiện nay là các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ chưa thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước
Hiện nay, việc tìm kiếm nguồn phóng xạ Cô-ban 60 bị thất lạc tại Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục được cơ quan chức năng triển khai. Tuy nhiên, sau vụ việc này cho thấy công tác bảo đảm an toàn, an ninh cũng như ý thức của người trực tiếp làm việc với nguồn phóng xạ và cấp quản lý còn chưa đầy đủ về sự nguy hiểm của phóng xạ đối với con người và môi trường. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Cấn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, Việt Nam hiện có bao nhiêu nguồn phóng xạ. Các nguồn này được quản lý như nào?
Ông Cấn Văn Minh: Theo thống kê của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Trong đó có 1.867 nguồn không còn sử dụng đang được lưu giữ tại cơ sở hoặc được chuyển đến cơ sở làm dịch vụ để lưu giữ lâu dài. Các nguồn phóng xạ ở Việt Nam được quản lý rất chặt chẽ theo Thông tư 23/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nguồn phóng xạ. Khi các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ thì nhân viên làm việc trực tiếp với nguồn phóng xạ cũng phải được cấp phép; Cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ phải thực hiện các yêu cầu trong giấy phép từ vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tập huấn thường xuyên; Báo cáo sự thay đổi, di chuyển nguồn phóng xạ hằng năm. Với các nguồn phóng xạ lớn, phải thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định, sau đó mới cấp phép sử dụng. Mỗi năm, thanh tra của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thanh tra, kiểm tra khoảng 100 đơn vị có nguồn phóng xạ theo kế hoạch và cả đột xuất.
PV: Quy trình quản lý chặt chẽ như vậy, tuy nhiên thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ thất lạc nguồn phóng xạ như ở Xi măng Việt Trung, Xi măng Sông Đà, Công ty APAVE châu Á - Thái Bình Dương và mới đây nhất là vụ thất lạc tại Nhà máy Thép Pomina. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Cấn Văn Minh: Lỗi lớn nhất hiện nay là các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ chưa thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn phóng xạ, nhất là các cơ sở ở xa. Một mặt họ cam kết thực hiện nhưng mặt khác lại làm ẩu. Ví dụ như vụ thất lạc nguồn phóng xạ ở thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái. Theo quy định khi di chuyển hoặc hết giờ làm việc nguồn phóng xạ phải đặt trong thùng kẽm vì đó là các thiết bị di động. Như trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh, nguồn phóng xạ đó trong thiết bị xách tay dùng để soi chiếu các lớp cắt kim loại, các mối hàn đã đảm bảo độ phẳng chưa. Hết giờ làm việc phải cất trong hòm nhưng lại để tơ hơ, kẻ trộm tưởng máy bơm nước nên ăn cắp bán cho đi với giá 250 nghìn đồng trong khi giá của nguồn phóng xạ này là 300 triệu đồng.
PV: Sau những vụ để mất, thất lạc nguồn phóng xạ nguy hiểm, ngoài trách nhiệm của đơn vị sử dụng, thì trách nhiệm còn thuộc về ai nữa, thưa ông?
Ông Cấn Văn Minh: Cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc để thất lạc. Vì vậy, buộc phải tăng cường các biện pháp để quản lý như tăng cường tập huấn cho các đơn vị lưu giữ và sử dụng các nguồn phóng xạ. Không chỉ tập huấn cho những người chuyên làm với nó mà cả những lãnh đạo đơn vị đó. Đồng thời, làm chặt chẽ lại các văn bản quản lý. Hiện, chúng tôi đang sửa đổi Thông tư 23 nhằm tăng cường quản lý nguồn phóng xạ. Sắp tới, sẽ tiến hành gắn các chip định vị các thiết bị phóng xạ di động để biết được vị trí cũng như đo được độ phóng xạ nếu bị phát tán ra. Đây cũng là cách phòng ngừa nếu thất lạc có thể tìm lại ngay. Còn khi chưa được gắn thì việc tìm kiếm rất khó khăn.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.