Quản lý xung đột ở Biển Đông bằng xây dựng lòng tin
VOV.VN - Việc giữ nguyên trạng và kiềm chế không thực hiện các hành vi làm xấu thêm tình hình cần được hết sức coi trọng.
Chiều nay (18/11), tại Đà Nẵng, đã bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong ngày làm việc thứ hai, các chuyên gia, học giả đã thảo luận về vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế; các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp biển; quy chế lãnh thổ, vùng biển và vùng trời trong quy định của luật pháp quốc tế. Đáng chú ý là việc quản lý xung đột ở Biển Đông bằng các giải pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
Các học giả đánh giá tình trạng và xu hướng quan hệ quốc tế liên quan đến việc thiết lập, duy trì trật tự hàng hải tại Biển Đông; các yếu tố chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc; vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực.
Một số học giả cho rằng, với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình.
Một số học giả lo ngại rằng, chính tham vọng trở thành cường quốc biển đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực châu Á; bức tranh địa chính trị châu Á trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, làm vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp và khó giải quyết.
Tuy nhiên, một số học giả cho rằng, tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Nhiều học giả nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.
Học giả Nông Hông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Luật Biển, Viện Nghiên cứu Nam Hà, Trung Quốc cho rằng có nhiều bước để gia tăng hợp tác trong đó bảo vệ môi trường được coi là động lực. Chủ đề môi trường sẽ được quan tâm ở mức độ cao hơn và được đưa vào chương trình nghị sự và như thế, an ninh môi trường sẽ trở thành động lực để thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế khác nhau, các học giả đã tập trung phân tích chế độ pháp lý đối với các thực thể trên biển, các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực nhận diện phòng không tại các khu vực chồng lấn; kinh nghiệm áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Các học giả đặc biệt nhấn mạnh, trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn nhằm biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định: qua 7 phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau với gần 40 bài phát biểu, tham luận, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế… Nhiều đóng góp có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra với chung một mục đích, giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông.
Ông Đặng Đình Quý nói: “Bên canh những phân tích mang tính học thuật cũng có những kiến nghị rất cụ thể, sát thực. Hy vọng những học giả ở đây, họ cũng là những người kiến nghị chính sách cho các Chính phủ các cơ quan liên quan, sẽ chuyển tải những kiến nghị đó đến các cơ quan liên quan để những Chính phủ của họ tự tính toán trên cơ sở những lợi ích của họ và những quyết định của họ trên Biển Đông trong những năm tới. Đó là những điểm rất mới”.
Trong môi trường đầy biến động hiện nay, việc giữ nguyên trạng và kiềm chế không thực hiện các hành vi làm xấu thêm tình hình cần được hết sức coi trọng nhằm kiểm soát, quản lý xung đột một cách hữu hiệu ở Biển Đông./.