Quan tâm và cải thiện hơn nữa đời sống của công nhân, viên chức, lao động

Bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện đời sống, đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, giải quyết nhà ở cho CNVC-LĐ lâm vào tình trạng khó khăn.... là những vấn đề đã và đang được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và các ngày lễ lớn của đất nước, phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Đặng Ngọc Tùng, Uỷ viên  Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về kết quả  hơn một năm triển khai Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết kết quả hơn một năm triển khai Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ về vị trí, vai trò to lớn của GCCN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, từng bước nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVC-LĐ.

Tổng  LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quán triệt cho đội cán bộ chủ chốt, báo cáo viên Công đoàn trong toàn hệ thống. Để tạo sự thuận lợi cho CNVC-LĐ học tập, nghiên cứu, các ban, đơn vị Tổng LĐLĐ Việt Nam đã biên soạn và phát hành 70.000 cuốn tài liệu với những nội dung ngắn gọn, cơ bản nhất chuyển tới các cấp công đoàn. Các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cho CNVC-LĐ, đặc biệt là lực lượng CNLĐ trẻ nắm và hiểu được vai trò, địa vị chính trị của GCCN trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Đến nay, hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc nghiên cứu, học tập những nội dung cơ bản của Nghị quyết.

Để góp phần thực hiện chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2013 có 70% trở lên công nhân qua đào tạo, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia với các bộ, ngành liên quan về xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, nâng cao năng lực của các trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề thuộc hệ thống công đoàn; phát động và chỉ đạo tốt các phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La...

Các cấp công đoàn tăng cường giáo dục, bồi dưỡng phát triển đảng viên trong công nhân, phấn đấu trong nhiệm kỳ 2008- 2013 mỗi năm ít nhất có 90.000 CNLĐ được công đoàn giới thiệu để cấp uỷ Đảng bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia cùng với các cơ quan chức năng của Chính phủ và chính quyền cùng cấp xây dựng, sửa đổi bổ sung các Luật, nghị định, thông tư về nhiều chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn như Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Dạy nghề; kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Lao động, Luật Công đoàn và đã được bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá XII và kiến nghị Trung ương Đảng sớm ban hành Chiến lược xây dựng GCCN thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

PV: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, công đoàn các cấp gặp những khó khăn, vướng mắc gì và cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước những giải pháp nào để giải quyết việc làm, chăm lo đời sống của người lao động, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Tùng
Ông Đặng Ngọc Tùng: Kết luận của Bộ Chính trị phân công thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 đang được Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các cấp bộ đảng tổ chức thực hiện. Tuy nhiên việc triển khai rất chậm, thiếu đồng bộ, thậm chí còn có biểu hiện khoán trắng cho tổ chức công đoàn. Không ít cán bộ lãnh đạo còn có biểu hiện xem nhẹ vai trò GCCN và công đoàn, do đó những vấn đề mà Đề án, Nghị quyết của TW về GCCN đã chỉ rõ cần phải đặt lên bàn nghị sự của các cấp, các ngành nhưng đã không được thực hiện nghiêm túc. Ở những nơi này, trên thực tế, lời nói đã không đi đôi với việc làm.

Cùng với những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đẩy những vấn đề cấp bách như  bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện đời sống, đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, giải quyết nhà ở cho CNVC-LĐ lâm vào tình trạng bế tắc, tình cảnh GCCN và những người làm công hưởng lương đã bức xúc lại càng bức xúc hơn.

Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân, xác định rõ tiêu chuẩn công nhân phải qua đào tạo, đặc biệt trong các ngành trọng điểm, các lĩnh vực đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao.

Cần xây dựng, hoàn thiện chính sách hướng nghiệp ở cấp học phổ thông nhằm giúp học sinh định hướng đúng đắn việc chọn nghề; có cơ chế khuyến khích, tuyển chọn một bộ phận thanh niên ưu tú, nhất là con em các gia đình có truyền thống làm công nhân, những thanh niên hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự... được đào tạo trong các trường dạy nghề.

Tạo điều kiện thuận lợi về cả vật chất và tinh thần cho công nhân học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học; nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi trong tuyển chọn, sử dụng đối với những công nhân giỏi nghề, học tập có kết quả cao, để đưa đi thực tập hoặc đào tạo thêm ở các nước có nền công nghiệp phát triển.

Cần có quy định về việc tôn vinh những công nhân hội tụ đủ đức và tài, có nhiều sáng kiến, thành tích nổi bật trong lao động, sản xuất nhằm khuyến khích và thúc đẩy không khí thi đua phấn đấu trong đội ngũ công nhân.

Xét ở góc độ quản lý, việc đáp ứng các điều kiện cho người lao động thực chất là đầu tư chiều sâu, là bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cần xây dựng, hoàn thiện hơn nữa môi trường xã hội và thị trường lao động lành mạnh, tạo mọi điều kiện để công nhân, lao động được phát huy hết khả năng của mình.

Chú trọng khuyến khích các lĩnh vực, ngành nghề, khuyến khích người có vốn, kỹ thuật, công nghệ, có trình độ quản lý... đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lực lượng lao động.  Hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội, thành lập quỹ hỗ trợ thất nghiệp trên cơ sở huy động sự đóng góp của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để trợ cấp một phần tài chính cho người lao động khi bị thất nghiệp; cải cách chính sách tiền lương và công tác tổ chức tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp nhằm bảo đảm đời sống cho công nhân...

PV: Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế, theo ông, thời gian tới, công đoàn các cấp cần tập trung những nội dung, hoạt động nào?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta và trực tiếp đối với người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng  LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn cần nắm vững diễn biến tư tưởng của CNLĐ, tình hình việc làm, thu nhập của công nhân, đặc biệt CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các ngành kinh tế hướng chủ yếu xuất khẩu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ thực tế đề xuất các biện pháp khắc phục góp phần ổn định xã hội, đồng thời Đoàn Chủ tịch Tổng  LĐLĐ Việt Nam làm việc với Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị những vấn đề của CNVC-LĐ đang rất cần được quan tâm giải quyết, như: hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động mất việc; tăng nguồn phân bổ vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho công nhân lao động bị mất việc, bị dôi dư trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp được vay, để giảm khó khăn của người lao động .... Mọi hoạt động đều hướng về cơ sở vì người lao động.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên