Quán triệt Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị
VOV.VN -Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu tới năm 2020 xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông…
Sáng nay (9/10), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội và 46 điểm cầu tại địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: Công nghệ thông tin là một trong những nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội, an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia, đồng thời là một ngành kinh tế, một thế mạnh đối với những quốc gia biết tận dụng, khai thác và phát triển.
Tại Việt Nam, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu tới năm 2020 xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là một nội dung bắt buộc trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực ở Trung ương cũng như địa phương. Đối với hạ tầng thông tin quốc gia, Nghị quyết đề ra mục tiêu kết nối băng rộng, chất lượng cao đến tất cả các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục trong cả nước. Đối với công nghiệp công nghệ thông tin, Nghị quyết chủ trương áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ công nghệ thông tin.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam cho rằng ở nước ta, các mạng kết nối viễn thông - internet, mạng cáp quang diện rộng, mạng vô tuyến, di động, các đài trạm kết nối nội hạt, các cổng kết nối quốc tế… tương đối đồng bộ.
Tuy nhiên, để khai thác ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, không thể không tính đến hệ thống quản lý, khai thác, sử dụng các trung tâm quản lý dữ liệu và trung tâm quản lý điều hành. Đây là lĩnh vực mà chúng ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ công trên mạng với chi phí hợp lý.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020 phải đảm bảo đây là hệ thống quản lý thông tin kết nối vào bảo mật (quản lý định danh). Bên cạnh đó cần phải xây dựng hạ tầng các kho dữ liệu lưu trữ điện tử, các dịch vụ cơ bản như: chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu... cùng với các hoạt động tư vấn, đào tạo, giám sát do Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước các cấp thực hiện./.