Quảng Nam bồi dưỡng kiến thức, nâng cao vai trò đội ngũ người có uy tín
VOV.VN- Tỉnh Quảng Nam thường xuyên gặp mặt, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các già làng, người có uy tín. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thường xuyên cung cấp thông tin thời sự, vấn đề kinh tế-xã hội và tạo điều kiện cho già làng đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó giúp đội ngũ già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình tại cơ sở.
Những ngày cuối tháng 10, bất chấp mưa gió, hàng chục già làng người có uy tín ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng tề tựu về thị trấn Thạnh Mỹ dự lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tính trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam năm 2024”.
Già làng Doãn Phú, ở Làng Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang tranh thủ giờ giải lao đọc thêm tài liệu về Luật Đất đai mới. Ông Phú kể, cá nhân ông đã ngăn được 4 vụ tảo hôn ở địa phương. Với vai trò là người có uy tín, ông còn đứng ra hòa giải rất nhiều vụ tranh chấp đất đai tại địa phương. Dự lớp tập huấn lần này, ông Doãn Phú học được nhiều điều bổ ích cho việc vận động quần chúng ở thôn.
“Lớp tập huấn này để trang bị kiến thức cho những người có uy tín tuyên truyền vận động cho nhân dân để hiểu được pháp luật của nhà nước. Thứ hai là tuyên truyền về pháp luật. Từ đó mình về xây dựng nông thôn mới, tập huấn này để tuyên truyền, phối hợp với cán bộ thôn tuyên truyền nếu giữa các gia đình có xích mích, mất trật tự hay vấn đề tranh chấp đất đai”, ông Phú nói.
Huyện Nam Giang hiện có 68 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, làng. Thời gian qua, đội ngũ này đã trở thành cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở trong việc vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cũng như đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Việc thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức sẽ giúp người có uy tín phát huy tốt vai trò vận động bà con tuân thủ pháp luật, thay đổi tư duy, tích cực phát triển sản xuất để giảm nghèo.
Cùng với việc tập huấn, cung cấp những kiến thức cơ bản cho người có uy tín, huyện Nam Giang còn tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các huyện trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo cơ hội để đội ngũ người có uy tín giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn trong sản xuất để về áp dụng tại địa phương.
Sau khi được đi tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm, ông Zơ Râm Năng, ở thôn A Liêng, xã TaBhing, huyện Nam Giang đã vận dụng vào thực tế, tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, ông Zơ Râm Năng còn tích cực vận động bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên để thoát nghèo.
“Phải nắm chắc các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Vai trò của già làng, người có uy tín phải tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, đừng có trông chờ ỷ lại cấp trên, phải tự lực, tự cường”, ông Zơ Râm Năng nói.
Thời gian qua, có rất nhiều già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiếu số tại tỉnh Quảng Nam đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Năm 2020, huyện miền núi Phước Sơn bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Thời điểm các tuyến đường bị lũ chia cắt, nhiều bản làng các xã vùng cao bị cô lập, hư hỏng nhà cửa, chính các già làng và người có uy tín đã phối hợp với lực lượng chức năng tìm cách đưa người dân đến trú tránh an toàn tại các điểm trường học, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Bão lũ qua đi, để có nơi lập làng mới, nhiều già làng và người có uy tín đã tình nguyện nhường đất đai, vườn tược, tạo điều kiện xây dựng các khu tái định cư, giúp cộng đồng tái thiết cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Quảng, Phó Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương hiện có 54 già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện luôn quan tâm động viên và bồi dưỡng kiến thức để phát huy tốt vai trò của họ tại cơ sở.
“Hàng năm, huyện đều tạo điều kiện để gặp gỡ trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các già làng. Trên tinh thần đó có điều kiện tiếp tục cùng với các già làng giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân trên địa bàn huyện”, ông Quảng cho biết.
Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 400 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của mình, các già làng, người có uy tín trở thành kênh kết nối quan trọng giúp chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng kịp thời và có hiệu quả. Tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm hỗ trợ đội ngũ già làng, người có uy tín.
Ông Hồ Xuân Danh, Phó Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ như các chế độ tham quan, tập huấn, thăm hỏi khi ốm đau. Các già làng cũng được cập nhật thường xuyên thông tin, kiến thức...
Ông Danh nói: “Đối với việc tập huấn cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh thì Ban Dân tộc tỉnh tổ chức trên cơ sở nội dung số 1 của tiểu dự án 1 thuộc dự án 10. Công tác tuyên truyền vận động cho người dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Đặc biệt là tuyên truyền thực hiện chương trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó còn mời công an báo cáo thêm tình hình kinh tế xã hội an ninh tại địa phương”.
Những năm gần đây, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Những kết quả đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.