Quảng Nam: Nguy cơ sập hầm vàng do động đất
(VOV) - Các hầm, hố đào vàng tại Nam Trà My có thể bị sập bất cứ lúc nào trước diễn biến của dư chấn động đất.
Động đất khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện gần đây khiến người dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam hoang mang.
Trong khi các nhà khoa học đang tập trung tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý, người dân vùng hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2 hết sức lo lắng vì nhà cửa của họ bị rúng động, nứt tường...
Thế nhưng trên địa bàn xã Trà Leng, huyện Nam Trà My - khu vực thượng nguồn thủy điện, những ngày qua, vẫn có hàng trăm người đào khoét núi đào đãi vàng... tiềm ẩn nguy cơ sập hầm.
Những hầm khai thác vàng như thế này có thể sập bất cứ lúc nào trước dư chấn động đất. |
Trở lại bãi vàng xã Trà Leng, hàng trăm người đào đãi vàng ở đây lo sợ vì lòng đất liên tục bị rung chuyển mạnh. Tại bãi sông Leng thuộc thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mơ Nông, bây giờ đã thành bãi vàng rộng lớn dày đặc những hầm hố được đào, khoét trong lòng đất.
Những đồi núi bị các phu vàng băm nát để dựng lán trại, đặt máy nghiền đá ngày đêm khai thác vàng. Hàng chục máy xay đá, máy phát điện, máy bơm không khí… hoạt động liên tục để cung cấp cho hầm lò.
Ông Đinh Quang Vũ, một người làm vàng tại đây cho biết, 2 tuần trước lòng đất tại khu vực bãi vàng rung chuyển mạnh, nhiều người sợ hãi bỏ chạy vào rừng.
“Hôm đó tôi đang đứng ở trên cây, tự nhiên thấy có hiện tượng rung bần bật. Lúc đầu chưa biết là động đất, chỉ nghĩ là do bắn mìn hay cái gì đó, sau xem tivi mới biết là động đất. Ở đây mỗi ngày xảy ra 3-4 lần rung lắc như vậy” - Ông Đinh Quang Vũ cho hay.
Hầu hết các bãi vàng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đều được khai thác theo hình thức hầm, hố. Nhiều hầm được đào sâu hàng chục mét, sau đó bắt đầu đào rộng ra theo kiểu địa đạo để tìm vỉa đá nhưng không được chống đỡ.
Có mặt tại hầm vàng của anh Hồ Văn Trung, nhìn thấy mọi người vẫn khoét núi đào hầm, mặc cho mấy hôm trước cũng tại đây động đất làm sập hầm vàng này. Anh Nguyễn Văn Trung cho biết, mọi người đào đất ở đây, đã thấy có những tiếng nổ nhỏ như nổ mìn, nhưng sau đó nổ lớn.
Tại bãi vàng ở xã Trà Leng, hiện vẫn còn hàng trăm người đào đãi vàng ở 30 hầm lò. Theo chân họ, chúng tôi bò xuống các hầm hố này chỉ thấy một số ít hầm sử dụng cây rừng chống đỡ tạm bợ. Những bệ đất, vách đá trên thân hầm nằm nhô ra như những cái bẫy chết người, chỉ cần có rung chấn là đổ sập ngay.
Anh Trần Quang Nam 25 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình cho biết, mọi người đều hoang mang lo sợ. Một số hầm ở đây cũng đã bị sạt lở nếu có động đất xảy ra thì rủi ro sẽ là rất lớn.
Giáp ranh với Trà Leng là xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cũng có rất nhiều bãi vàng đang hoạt động. Các bãi vàng này chỉ cách khu vực được các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu xác định xảy ra rung chấn mạnh nhất chưa đầy 5km nên nguy cơ sập hầm, vùi lấp các phu vàng luôn rình rập ngày đêm.
Hầu hết các hầm, hố đều được đào trên các đồi núi có kết cấu địa chất yếu, cộng thêm trời mưa thường xuyên nên rất dễ bị sập khi có rung chấn.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấm dứt hoạt động đào hầm khai thác vàng ở khu vực này để tránh xảy ra thảm họa thương tâm như vụ sập hầm làm chết 13 người tại xã Trà Giác, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra cách đây 3 năm./.