Quảng Nam: Sau lũ, nhiều di tích trở thành phế tích

Nếu không được tu bổ kịp thời, nhiều di tích hiện đang xuống cấp có nguy cơ sẽ thành phế tích.

Tỉnh Quảng Nam có 32 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích đã trở thành phế tích trong tổng số 121 di tích cần tu bổ. Đợt mưa lũ vừa qua càng làm cho các di tích này thêm xuống cấp. Nếu không được tu bổ kịp thời, Quảng Nam sẽ có thêm nhiều phế tích.

Đình Hiền Lộc, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình là di tích lịch sử cấp tỉnh, được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 16, với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Đình là nơi thờ tự các vị tiên hiền của làng. Có thời gian, đình Hiền Lộc trở thành trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng.

Đình làng Hiền Lộc, chỉ còn lại đống đổ nát

Qua trận mưa lũ vừa rồi, vài bức tường còn lại của Đình rong rêu bám đầy, gạch vỡ rơi rụng. Những mảnh ngói âm dương nằm ngổn ngang trên mặt đất. Những đầu rồng được chạm trổ tinh vi nằm xen lẫn với cỏ cây, đất đá. Cổng làng và bức bình phong đứng đơn độc. Cây cỏ bao phủ xung quanh đình. Những thanh kèo mục nát cùng chung số phận với những bó keo, bó củi dân gửi nhờ.

Anh Đoàn Hoàng Mai, người dân xã Bình Lãnh xót xa: “Đây là di tích lịch sử, di tích cách mạng. Thế nhưng, trải qua thời gian di tích đã bị xuống cấp trầm trọng. Cột kèo, cổ vật bị hư hỏng”.

Phật viện Đồng Dương ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình là một trong 2 trung tâm Phật học lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2000, Bộ VH-TT&DL đã xếp hạng Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia cần được bảo vệ. Thế nhưng, di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau mưa lũ, cổng tháp xiêu vẹo cùng những thanh đà chống đỡ đã bị mục nát từ lâu. Phần đế tháp bị sụt, phải chèn thêm những lớp gạch mới để giữ chân đế. Phật viện nằm lọt thỏm giữa khu rừng keo, bạc hà bạt ngàn, âm u. Muốn vào khu trung tâm Phật viện phải vượt qua đám dây leo chằng chịt, cỏ tranh, cây cối mọc ngang dọc.

Không chỉ những di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh bị xuống cấp mà ngay cả quần thể di tích Hội An - di sản văn hóa thế giới - cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đợt mưa lũ vừa qua đã nhấn chìm những ngôi nhà cổ, chùa Cầu ở Hội An. Sau lũ, đầu trụ đỡ dầm chùa Cầu tại vị trí phía nam bị đội lên, làm nứt vôi mố trụ móng ngay trên thành lan can. Một số dầm gỗ gác lên mố cầu cũng bị mục đầu dầm.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, cho biết: “Việc tu bổ các di tích có giá trị lịch sử cần phải thận trọng. Sở VH-TT&DL tỉnh đang dự tính tổ chức cuộc gặp với các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, quản lý để đề xuất phương án tu bổ chùa Cầu”.

Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam đã xây dựng Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh. Căn cứ vào mức độ xuống cấp của từng di tích để phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Quảng Nam cho biết: “Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Quảng Nam dành 42 tỷ để tu bổ 34 di tích xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích là phế tích. Riêng năm 2011, tỉnh đã đầu tư 2 tỷ đồng, các huyện, thành phố đối ứng được 4 tỷ đồng, tổng cộng là 6 tỷ đồng để tu bổ các di tích”.

Để cứu những di tích trong tình trạng xuống cấp, tỉnh Quảng Nam cần sự chung tay của mỗi người dân, Bộ VH-TT&DL cũng như các tổ chức trong nước và ngoài nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên