Quảng Nam từng bước nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
VOV.VN - Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Đây cũng là nội dung thuộc Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn năm 2021 - 2025. Những kết quả bước đầu cho thấy, thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, nhất là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
Bây giờ, ở thôn Pà Dồn, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, bản làng phong quang, đường bê tông thẳng nếp đến tận từng hộ dân. Nước sạch cũng được kéo về trước cửa mọi nhà. Đi trên đường làng không còn thấy cảnh trẻ em trần truồng, mũi dãi thò lò như xưa. Trẻ em Cơ tu ở đây giờ được chăm sóc, đưa đón đến lớp bán trú chứ không theo mẹ lên nương.
Chị Cor Thị Nhiêm, ở thôn Pà Dồn cho biết, chị em trong độ tuổi sinh đẻ ở đây được phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Các mẹ được hỗ trợ tăng cường việc khám thai định kỳ và hỗ trợ y tế cho phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi cũng được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, 2 năm nay, trẻ sơ sinh, trẻ em suy dinh dưỡng được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Bà mẹ mang thai được tăng cường chăm sóc sức khỏe, quản lý thai nghén tại trạm y tế; được tư vấn khám thai định kỳ tại trạm y tế hoặc các cơ sở y tế đủ điều kiện, đảm bảo khám thai ít nhất 04 lần/03 kỳ thai và sinh con tại cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất số ca đẻ tại nhà.
Chị Cor Thị Nhiêm tự tin nói: “Trẻ mới sinh phải bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng là cho ăn dặm, ăn từ loãng đến đặc. Mẹ chăm sóc cơ thể, hàng ngày vệ sinh sạch sẽ. Phải biết giữ vệ sinh , sức khỏe bà mẹ để chăm sóc con cái cho đảm bảo”.
Việc tuyên truyền vận động, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em “Tuần lễ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ” được triển khai đến từng thôn bản. Ngành y tế còn cung cấp que thử phát hiện chỉ số chỉ số protein trong nước tiểu cho trạm y tế xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; Cung cấp gói đỡ đẻ cho cô đỡ thôn, bản và các Trạm Y tế xã . Ông Ka Hiên Thọ, trưởng thôn Pà Oong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang cho biết, hàng tháng, ngành y tế, hội phụ nữ nấu cháo dinh dưỡng phát cho trẻ em suy dinh dưỡng: “Hàng năm, huyện cũng triển khai tại điểm thôn luôn cho bà mẹ nắm bắt. Thôn cũng phân công cho cán bộ y tế lập danh sách, rà soát, cân đo xem trẻ nào suy dinh dưỡng, thấp còi thì tiếp tục quan tâm hơn để phát triển cơ thể cũng như tăng cân, uống vitamin 6 tháng 1 lần đối với trẻ đó, rồi xổ giun v.v... để đảm bảo tăng cường sức khỏe cho trẻ”, ông Ka Hiên Thọ thông tin thêm.
Trung tâm y tế huyện Nam Giang cũng như các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam còn tập trung hỗ trợ kinh phí cho các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế xã; hỗ trợ kinh phí cho cô đỡ thôn, bản; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số; nói chuyện chuyên đề về lợi ích tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho vị thành niên, thanh niên; hội nghị chuyên đề tuyên truyền, vận động chính sách pháp luật về dân số và dân số - phát triển trong tình hình mới cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, người uy tín, công tác viên dân số thôn, bản. Ngành Y tế, đặc biệt là cán bộ cơ sở hướng dẫn người cao tuổi phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cung cấp thông tin về hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thôn, bản; Tổ chức các buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm, thực phẩm tại địa phương.
Có thể nói Trung tâm y tế các huyện miền núi Quảng Nam đã tích cực triển khai các hoạt động của dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và đạt được những kết quả bước đầu. Thời gian đầu việc triển khai dự án cũng gặp nhiều vướng mắc nhưng các huyện miền núi đã quyết tâm tháo gỡ để triển khai dự án.
Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, qua nghiên cứu học hỏi, thấy các tỉnh bạn giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư dự án 7, Sở Y tế tỉnh giao kinh phí cho trung tâm Y tế các huyện thực hiện. Đằng này, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam lại giao cho các huyện làm chủ đầu tư thực hiện dự án này. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện trực thuộc sở, là một cấp ngân sách khác nên UBND huyện không thể giao kinh phí cho Trung tâm Y tế huyện được. Đến giữa năm nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị các địa phương nghiên cứu biện pháp thực hiện. Huyện Phước Sơn mới giao lại cho Trung tâm Y tế huyện lập dự toán, trên cơ sở đó, UBND huyện thẩm định, giao nhiệm vụ thực hiện. Sau khi Trung tâm y tế huyện thực hiện xong nhiệm vụ giao, tổng hợp chứng từ, UBND huyện mới thanh toán bằng lệnh chi tiền. Ông Hồ Công Điểm phân tích:
“Khác trường hợp giao dự toán ngay từ đầu năm cho Trung tâm Y tế huyện. Bởi vì họ là một cấp ngân sách khác nên huyện không giao dự toán được. Vì vậy, việc thanh quyết toán hơi khó khăn hơn. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện Dự án 3, dự án 7 thì Trung tâm y tế thực hiện rất quyết liệt, rất tốt. Nhất là dự án 3 liên quan đến dinh dưỡng, dự án 7 liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm y tế triển khai thực hiện đã góp phần chăm sóc sức khỏe tốt cho nhân dân”.
Quảng Nam có 70 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 9 xã khu vực I (xã còn khó khăn), 3 xã khu vực II (xã bước đầu phát triển) và 58 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Do đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.
UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 4776 về triển khai thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2023. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; Tăng cường công tác y tế dân số cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Nam.
Thực hiện Kế hoạch này, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ, sàng lọc một số bệnh thường gặp cho cán bộ y tế; Tổ chức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số... Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đánh giá: “Sở Y tế đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã và y tế thôn bản về công tác sức khỏe, tầm soát, tư vấn các vấn đề về sức khỏe, can thiệp dinh dưỡng, khám sức khỏe sàng lọc cho các đối tượng thụ hưởng chương trình, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người đồng bào dân tộc thiểu số về các vấn đề sức khỏe. Từ đó dần dần hình thành những thói quen tự bảo vệ sức khỏe của mình trong cộng đồng người dân tộc thiểu số”.
Đến nay, 100% nhân viên y tế tuyến huyện, xã, y tế thôn bản ở tỉnh Quảng Nam được tập huấn nâng cao năng lực về công tác sức khỏe, tầm soát, tư vấn các vấn đề về sức khỏe. 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chất lượng về sức khỏe, 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, 80% số trẻ dưới 24 tháng được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ./.
Nhằm góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dan tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, trẻ em mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được uống 1 hộp sữa dạng lỏng 180ml mỗi ngày, 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Thời gian thụ hưởng, từ tháng 01/2024 đến hết năm học 2025-2026 (tương ứng với 23 tháng, bao gồm học kỳ II năm học 2023-2024; năm học 2024- 2025; năm học 2025-2026).