Ba Lan mở cuộc điều tra việc chính phủ tiền nhiệm sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus
VOV.VN - Sau những cáo buộc của Thủ tướng đương nhiệm Ba Lan vào tháng 2/2024, Chính phủ Ba Lan đã chính thức mở cuộc điều tra về việc chính quyền tiền nhiệm sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus.
Các cựu quan chức có liên quan đến việc sử dụng phần mềm gián điệp có thể sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, trong đó các nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường tài chính và sẽ tham gia vào quá trình tố tụng hình sự. Pegasus là một phần mềm gián điệp trên điện thoại, có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị để cung cấp quyền truy cập thông tin đầy đủ nhất vào các ứng dụng và tệp liên quan, đồng thời biến thiết bị thành đối tượng bị theo dõi và nghe lén 24/7.
Theo một báo cáo rò rỉ từ năm 2021, hàng nghìn người ở một số quốc gia đã bị Pegasus nhắm đến, trong đó một số cơ quan truyền thông bị các chính phủ ở Đông Âu nhắm tới. Phần mềm Pegasus được Israel phát triển vào năm 2011 cho cả thiết bị iPhone và Android và có thể được sử dụng để giám sát từ xa các cá nhân có liên quan đến các nhóm khủng bố, mặc dù phần mềm này được sử dụng thường xuyên hơn để theo dõi các nhân vật và phương tiện truyền thông đối lập.
Những nhân vật đáng chú ý được cho là mục tiêu sử dụng phần mềm gián điệp bao gồm Thủ tướng hiện tại của Ba Lan, ông Donald Tusk và một số các thành viên khác trong chính phủ, cùng với một danh sách dài hơn các chính trị gia cấp cao được giữ bí mật trước khi việc tố tụng diễn ra.
Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan cho biết, danh sách này lớn hơn đáng kể so với danh sách đã được công bố rộng rãi trước đó. Phần mềm gián điệp Pegasus được cho là đã được sử dụng rộng rãi bởi cơ quan quản lý về Luật pháp và Tư pháp của Ba Lan, việc sử dụng phần mềm gián điệp này đã giảm dần vào năm 2021 sau khi bị các phương tiện truyền thông nước này phanh phui và làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Mặc dù khẳng định đã mua phần mềm Pegasus, nhưng chính phủ tiền nhiệm của Ba Lan bác bỏ các cáo buộc sử dụng phần mềm này để theo dõi các đối thủ chính trị, các nhà đối lập.