Quảng Ngãi khẩn trương khống chế, dập dịch lở mồm long móng
VOV.VN - Dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc tái xuất hiện và đang có nguy cơ lây lan diện rộng tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện, ngành thú y và các địa phương đang nỗ lực dập dịch, khống chế không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng.
Mấy ngày nay, khi hay tin dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn bò của một số hộ ở địa phương, gia đình ông Nguyễn Tấn Vệ ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi khá lo lắng. Ông Vệ chủ động nuôi nhốt trong chuồng, không chăn thả rông ngoài đồng; rải vôi bột sát khuẩn xung quanh chuồng trại; cho bò ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng…
Ông Nguyễn Tấn Vệ cho biết, năm ngoái, dịch lở mồm long móng cũng đã bùng phát tại một số hộ chăn nuôi. Nhiều gia đình đã tiêm phòng nhưng gia súc vẫn bị mắc bệnh: “Dịch bệnh có thể là do môi trường. Nông dân nuôi con bò, khi bị đau ốm thì rất lo lắng. Chúng tôi tăng cường chăm sóc đàn bò, báo với thú y xã để tiêm phòng dịch”.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, bệnh lở mồm long móng xuất hiện từ cuối tháng Chạp chủ yếu trên đàn bò ở 9 xã của huyện Tư Nghĩa và thị xã Đức Phổ. Đến nay, đã có gần 300 con bò của hơn 110 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh. Tại thị xã Đức Phổ, dịch lở mồm long móng đã lây lan ra 7 xã với hơn 200 con bò mắc bệnh.
Ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ cho biết, địa phương và ngành nông nghiệp đang khẩn trương huy động lực lượng khoanh vùng, khống chế dịch bệnh.
“Chúng tôi tổ chức phun thuốc sát khuẩn tiêu độc khử trùng ở những vùng có dịch. Các hộ thực hiện các biện pháp phòng dịch rất tốt. Hiện nay, tình hình dịch tạm dừng lại”, ông Nguyễn Quang Thống nói.
Hiện nay, số gia súc mắc bệnh lở mồm long móng tại tỉnh Quảng Ngãi do chưa được tiêm phòng vaccine đợt 2 của năm ngoái hoặc đã tiêm phòng nhưng miễn dịch yếu. Việc mua bán bò thịt và con giống để tái đàn của người dân vào thời điểm giao mùa làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch.
Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra vào vùng dịch, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
“Bà con nên tiêm phòng cho đàn gia súc. Cán bộ thú y đến tiêm phòng, bà con nên tích cực hưởng ứng. Khi có hóa chất, nên phun phòng xung quanh, mua vôi sát trùng xung quanh chuồng trại, hạn chế thả gia súc ra ngoài đồng, ít giao lưu. Có như vậy đàn gia súc mới ổn định trong mùa vụ này”, ông Ngô Hữu Hạ cho hay”./.