Quảng Ninh kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu
VOV.VN - Cuối năm là thời điểm tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm từ vật nuôi, thuỷ sản qua biên giới thường diễn biến phức tạp. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tại địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh đang đồng bộ triển khai các biện pháp ngăn chặn loại tội phạm này.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã bắt giữ hơn 70 vụ vận chuyển trái phép, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP; thu giữ hơn 100.000 con gia cầm và khối lượng lớn sản phẩm động vật các loại như trứng gia cầm, nội tạng lợn… Tính từ 22/9 đến 12/10, lực lượng Biên Phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 4 vụ vận chuyển hơn 40.000 con gà dưới 28 ngày tuổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trung tá Đỗ Đình Ninh, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: “Trong thời gian qua, nổi lên một số hoạt động liên quan đến việc vận chuyển gia cầm giống, tôm giống… nhập lậu, đơn vị đã quán triệt triển khai tới tất cả cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biên giới, cửa khẩu, nâng cao ý thức, trách nhiệm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vận chuyển trái phép gia cầm giống.
Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện các hoạt động vận chuyển gia cầm giống từ biên giới vào nội địa và ngược lại để góp phần trong việc đảm bảo con giống cũng như sự phát triển nông nghiệp của địa phương”.
Dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao, trong khi nguồn cung trong nước hạn chế, giá bán có sự chênh lệch sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao tái diễn các hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống gia cầm và thuỷ sản trái phép qua biên giới. TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã lập nhiều chốt kiểm soát ở khu vực biên giới tại các địa bàn trọng điểm như Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Tiến… để ngăn chặn gia cầm giống nhập lậu. Những chốt kiểm soát này gồm nhiều lực lượng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, dân quân tự vệ... ứng trực 24/24, tuần tra lưu động và cố định để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh cho biết, các địa phương khu vực biên giới cũng đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm giống, tích cực tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.
“Thời điểm cuối năm, ngoài mặt hàng mang tính chất thời vụ thì còn có hiện tượng giống gia cầm nhập lậu, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, phối hợp với cơ quan công an, biên phòng tuần tra 24/24, sẽ không rút người về mà thay nhau trực vì gia cầm giống sẽ nhiều, có thể mang dịch vào nội địa. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng những đường mòn, lối mở. Vì vậy chúng tôi cũng thực hiện nhiều đợt tuyên truyền tới người dân về nội dung này, đặc biệt ở các thôn bản có nguy cơ lọt gia súc, gia cầm, con giống. Tại đây chúng tôi tuyên truyền trực tiếp cùng với sự có mặt của các trưởng thôn, trưởng bản và chính quyền địa phương”, ông Hải nói.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bộ cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, vi phạm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.