Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024: Phương thức thi ổn định
VOV.VN - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 28/6. Đây là năm cuối cùng thi theo quy chế thi cũ và chương trình giáo dục phổ thông cũ.
Ngày 8/3/2024 Bộ giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/4/2024.
Theo đó, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có những điểm mới như sau:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Bộ GDĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
1/ Các môn thi THPT năm 2024 gồm những môn nào?
Thông tư 02 quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được tổ chức thi 05 bài thi gồm:
- 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
- 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học.
- 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; Hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 04 bài thi, gồm 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi 03 bài thi, gồm 02 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
2/ Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT?
Căn cứ Điều 36 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT có quy định các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp THPT bao gồm:
- Miễn thi tốt nghiệp đối với người tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực từ loại khá trở lên; Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GDĐT.
- Miễn thi tốt nghiệp đối với người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, văn hoá - văn nghệ nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiềm và học lực từ loại trung bình trở lên; Có tên trong công văn đề nghị miễn thị và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến sở GDĐT trước ngày thi tốt nghiệp THPT.
- Miễn thi tốt nghiệp đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung: Học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi, có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp; Đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung: Được Hiệu trưởng trường phổ thông nơi đăng ký học tập xác nhận kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân từng năm ở cấp THPT; có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp; Đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi, có giấy xác nhận bị nhiễm chất độc hóa và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3/ Quy định trong phòng thi
Theo Thông tư mới, thí sinh phải tuân thủ các quy định trong phòng thi như sau:
- Trình Thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.
- Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
- Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của mình vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
- Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 05 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài;
- Trong thời gian ở phòng thi phải giữ trật tự; báo cáo ngay cho cán bộ coi thi khi người khác chép bài của mình hoặc cố ý can thiệp vào bài của mình; không được trao đổi, bàn bạc, chép bài của người khác, cho người khác chép bài, sử dụng tài liệu trái quy định để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận.
Nếu muốn có ý kiến thí sinh phải giơ tay xin phép cán bộ coi thi, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai ý kiến của mình. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).
- Không được rời khỏi phòng thi cho đến khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cùng cán bộ giám sát cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng Điểm thi quyết định;
- Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay, bảo quản nguyên vẹn bài thi. Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi; thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi hoặc Phiếu trả lời trắc nghiệm.
Điểm mới: So với Quy chế thi năm trước, quy chế năm 2024 đã bổ sung một số vật dụng được mang vào phòng thi là êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình. Đồng thời, bổ sung các vật dụng cấm mang vào phòng thi như giấy than, bút xóa...
4/ Có phòng chờ riêng cho thí sinh thi bài thi tổ hợp
Thông tư 02 có quy định mới về phòng chờ cho các thí sinh thi các môn thành phần trong bài thi tổ hợp như sau:
Đối với thí sinh chỉ thi môn thi thành phần thứ nhất và/hoặc thứ hai trong bài thi tổ hợp: Sau khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh ra khỏi phòng thi và di chuyển về phòng chờ ra cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi khu vực thi.
Trong quá trình di chuyển về phòng chờ ra và trong thời gian ở phòng chờ ra, thí sinh phải giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ/khu vực chờ.
Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng chờ khi được phép của người quản lý phòng chờ và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng chờ.
Đối với thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phần thứ hai và/hoặc thứ ba trong bài thi tổ hợp: phải có mặt tại nơi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị. Nếu thi sinh đến sớm hơn (trước giờ phát đề thi từ 15 phút trở lên) thì phải vào đợi tại các phòng chờ vào.
Đối với thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phần thứ nhất và thứ ba trong bài thi tổ hợp: Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, đặt Phiếu trả lời trắc nghiệm sao cho phần tô câu trả lời úp xuống mặt bàn tại vị trí ngồi của thí sinh và bảo quản Phiếu trả lời trắc nghiệm trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo
5/ Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi
Kỳ thi năm nay giữ nguyên các quy định: Thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.
Nội dung này được đưa vào quy chế thay vì chỉ nêu trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi THPT như năm trước. Cụ thể, với môn tiếng Anh, ngoài các chứng chỉ TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm) còn bổ sung thêm: B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; Pearson English International Certificate (PEIC) Level 2; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN bậc 3.
Trong đó, với chứng chỉ TOEIC, TS cần đạt kỹ năng nghe từ 275 - 399 điểm, kỹ năng đọc từ 275 - 384, kỹ năng nói từ 120 - 159, kỹ năng viết từ 120 - 149 điểm. Việc bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương, bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học.
Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có nhiều thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế năm nay là năm cuối cùng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 thi tốt nghiệp.
Như các năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được giao cho các địa phương chủ trì toàn diện từ in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi, công bố kết quả tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi và tăng cường thanh tra giám sát kỳ thi này.