Quy chuẩn an toàn trong khai thác than hầm lò
Bộ Công Thương vừa ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò và bắt đầu thực hiện từ 1/4 tới.
Theo Quy chuẩn, tất cả các mỏ hầm lò phải được đánh giá, xếp loại mỏ theo khí Mêtan theo quy định. Trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác than hầm lò, hàng năm Bộ Công Thương quyết định xếp loại loại mỏ theo khí Mêtan trên cơ sở kết quả đo đạc, tính toán của Quy chuẩn này.
Về tổ chức sản xuất trong hầm lò, Quy chuẩn quy định phải phân công tối thiểu 2 người có kinh nghiệm trong nghề thực hiện công tác đo khí trong những ngày nghỉ sản xuất; đồng thời chỉ được vào hầm lò làm việc sau khi đã kiểm soát khí và thông gió an toàn. Việc phục hồi các đoạn lò sập đổ phải do Quản đốc phân xưởng hoặc người được uỷ quyền trực tiếp chỉ huy theo biện pháp đã được Giám đốc điều hành mỏ duyệt. Người được phân công nhiệm vụ phục hồi các đoạn lò sập đổ phải có kinh nghiệm làm việc trong nghề ít nhất một năm.
Ở những vị trí lò có nguy cơ mất an toàn đối với người, trừ những người được phân công nhiệm vụ xử lý các nguy cơ mất an toàn đó, cấm vào hay làm việc, bên cạnh đó, phải đặt rào kín và biển báo “cấm vào” trước các lối vào những vị trí đó.
Bất cứ ai làm việc trong hầm lò hay ngoài mặt bằng mỏ đều phải có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp có thể để loại trừ nguy cơ mất an toàn đối với người, công trình mỏ khi phát hiện và báo ngay cho Trưởng ca hoặc bộ phận điều hành chỉ huy sản xuất mỏ. Ngoài ra, cấm thực hiện mọi công việc ở bên trong, bên trên các phễu, bunke chứa than, giếng miệng hở không có song chắn đảm bảo an toàn, bên cạnh những vị trí dễ sụt lở hoặc có nguy cơ bị ngã từ trên cao xuống khi không sử dụng dây an toàn.
Người chỉ huy sản xuất phải ra lệnh cho mọi người rút lui đến nơi an toàn và báo cáo ngay cho Phó giám đốc an toàn mỏ và bộ phận điều hành chỉ huy sản xuất khi phát hiện mỏ hay khu vực có nguy cơ mất an toàn đối với người và công trình mỏ. Người chỉ huy sản xuất của mỏ tại thời điểm đó phải nhanh chóng cử đội cứu hộ cứu nạn bán chuyên trách của mỏ đến kiểm tra xem xét, xử lý hiện trường, đồng thời thông báo đơn vị cứu hộ cứu nạn chuyên trách gần mỏ nhất và báo cáo cho cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, trước tiên phải thực hiện biện pháp loại trừ các nguy cơ mất an toàn đối với người và ghi chép chính xác về tình trạng mỏ.
Mỏ chỉ được sản xuất trở lại sau khi sự cố đã được khắc phục và có lệnh của Giám đốc điều hành mỏ./.