Quỹ đất hẹp hay giáo dục “lép vế”?

VOV.VN - Một thực tế đang tồn tại là các trường ở những đô thị lớn có số học sinh ngày càng tăng nhưng không gian, quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng “eo hẹp”.

 

Điều này không chỉ bằng cách cấp phép xây dựng nâng tầng trường học là có thể giải quyết mà cần những chính sách về đầu tư, ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục. 

Giữa thời kỳ phát triển như vũ bão của đô thị hóa, của tốc độ xây dựng, mà những đứa trẻ thành phố vẫn phập phồng nguy cơ thất học, thậm chí nỗi lo thất học căng thẳng hơn rất nhiều càng vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Đó thực sự là một nghịch lý bi hài.

Nhưng nó đang diễn ra hàng năm, cứ mỗi dịp tuyển sinh và đầu năm học mới. Những cuộc đua vào trường công với tỉ lệ chọi “nảy lửa”. Những phụ huynh thâu đêm suốt sáng xếp hàng nộp hồ sơ cho con. Những đứa trẻ ngơ ngác đi cùng bố mẹ tới trường mầm non, đợi bốc thăm may rủi.

Và sau tất cả, khi trường không được xây thêm, lớp học chẳng thể nới rộng, chỉ còn cách là “nhồi” năm mươi, sáu mươi đứa trẻ vào cùng một lớp. Bàn ghế xếp kịch lên bục giảng, cô giáo chỉ có thể đứng trên nhìn xuống thay vì đến gần từng học trò.

Còn các bố mẹ, nếu không chạy đua quyết liệt kiếm một suất trường công cho con, thì sẽ lại phải đua, “cày cuốc” ở công sở, chỗ làm thêm để có tiền cho con học trường tư, với mức chi phí gấp dăm bảy lần. Đồng nghĩa thời gian họ dành cho chăm sóc, giáo dục con em mình sẽ co hẹp lại, hoặc đành phải “khoán trắng” cho nhà trường.

Khi nhu cầu tối thiểu của mỗi gia đình là trẻ em được đến trường cũng trở nên quá xa xỉ, rất khó có thể nói, đô thị đó, địa phương đó là nơi đáng sống.

Trong báo cáo tổng kết cuối năm, các đô thị rất hân hoan với những con số tăng trưởng kinh tế, mức độ hút vốn đầu tư, sản lượng du khách, độ khủng của các dự án trọng điểm…. Báo cáo về số trường lớp mới được xây rất hiếm khi xuất hiện.

Các chỉ số đánh giá sự hài lòng cũng mới dừng lại ở ý kiến nhà đầu tư, doanh nghiệp, hay ở bộ phận một cửa, chứ chưa thấy đánh giá ở cổng trường.

Những thước đo về phát triển giáo dục đang được tính bằng việc hoàn thành chương trình, bằng số học sinh khá giỏi và các giải thưởng thi đấu, thi đua, mà quên mất điều kiện cơ bản là đảm bảo quyền đến trường của trẻ em, theo đúng luật.

Đằng sau những thách tích rất đáng ngưỡng mộ về thầy giỏi trò ngoan, là các phòng học mà trẻ em đã bước vào thì ai ngồi đâu, ngồi yên đó.

Nghịch lý hơn, trong khi chung cư, tổ hợp cao tầng vẫn dễ dàng mọc lên với quy mô nhiều đến hàng hecta, bên các trục giao thông lớn, thì việc bố trí một mảnh đất xây trường cho trẻ con lại cực kỳ khó khăn.

Trong khi các khu đô thị xây thô bỏ hoang la liệt và rất nhiều khu đất vướng pháp lý chưa thể giải quyết hàng chục năm nay, thì thành phố vẫn kêu không kiếm đâu ra đất xây trường.

Khi cấp phép xây một chung cư, những người làm quy hoạch đô thị đã dự tính ngay được số trẻ em cần đến trường trong 5 năm, 10 năm tới. Nhưng sự quá tải vẫn cứ diễn ra, như không thể nào khác được.

So với nhiều đô thị khác trên thế giới, độ nén của dân cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phải top đầu.

Nếu chuyện chỗ học hành của con trẻ được xếp vào đúng vị trí cần có trong thứ tự ưu tiên, các chính sách sẽ dịch chuyển theo để trẻ thực sự có một mái trường, chứ không phải là một chỗ ngồi trong lớp.

Nếu coi sự hài lòng về giáo dục của người dân là tiêu chí phát triển đô thị, thì các nhà quản lý sẽ hành động để thúc đẩy nó, nhằm có được những báo cáo tích cực sau mỗi cuối năm, thay vì “khoe” các con số tăng trưởng.

Cho nên, sự hạn hẹp của quỹ đất chỉ là một lý do. Vị trí hạn hẹp của giáo dục trong mối quan tâm của các nhà quản lý đô thị, mới thực sự là mấu chốt./.

Viết bình luận

Tin liên quan

Phú Yên: Dân chặn xe công ty nghi gây ô nhiễm
Phú Yên: Dân chặn xe công ty nghi gây ô nhiễm

Hơn 200 người dân đã kéo ra tuyến đường liên xã, dựng chướng ngại vật để ngăn các xe chở rác của Công ty TNHH MTV Phát triển nhà và Công trình đô thị vì cho rằng công ty này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Phú Yên: Dân chặn xe công ty nghi gây ô nhiễm

Phú Yên: Dân chặn xe công ty nghi gây ô nhiễm

Hơn 200 người dân đã kéo ra tuyến đường liên xã, dựng chướng ngại vật để ngăn các xe chở rác của Công ty TNHH MTV Phát triển nhà và Công trình đô thị vì cho rằng công ty này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Giải Ngoại hạng Anh - mùa mới đầy khốc liệt
Giải Ngoại hạng Anh - mùa mới đầy khốc liệt

Arsenal sẽ mất cả Fabregas và Nasri trong vòng 48 giờ tới. Man City không có Aguero và Tevez trong trận mở màn với Swansea.

Giải Ngoại hạng Anh - mùa mới đầy khốc liệt

Giải Ngoại hạng Anh - mùa mới đầy khốc liệt

Arsenal sẽ mất cả Fabregas và Nasri trong vòng 48 giờ tới. Man City không có Aguero và Tevez trong trận mở màn với Swansea.