Quy định học thêm dạy thêm: Cần cơ chế rõ ràng để tránh tình trạng “lách luật"

VOV.VN - Nhiều giáo viên và ngay cả các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cũng đang bối rối trước Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần có thêm hướng dẫn, quy chế cụ thể để tránh tình trạng “lách luật”, "bình mới rượu cũ".

Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên tiểu học ở Hải Dương không khỏi băn khoăn trước Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm. Bởi theo Thông tư, không được tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống. Môn Tiếng Anh không được xếp vào nhóm các môn năng khiếu cũng không phải kỹ năng sống… điều này đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ không được dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh tiểu học, dù có đăng ký kinh doanh hay dạy ở các trung tâm?

Qua khảo sát, một số trung tâm gia sư tại Hà Nội cũng đã tạm dừng việc dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh Tiểu học từ ngày 14/2. Đại diện một trung tâm gia sư tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tạm dừng dạy học sinh tiểu học vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, nhu cầu học Tiếng Anh của học sinh tiểu học là rất lớn, nếu không được dạy thêm sẽ dẫn đến nhiều bất cập”.

Chị Nguyễn Thanh Vy (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết: “Ngoài thời gian học trên lớp, tôi vẫn cho con học thêm Tiếng Anh tại nhà cô giáo. Bố mẹ đều không có khả năng ngoại ngữ, hơn nữa con cũng không thể tự học môn này, nên việc học thêm là cần thiết. Nhưng sau Tết, cô giáo thông báo sẽ dừng dạy thêm, nếu không được học những lớp như vậy, phải tìm các trung tâm tiếng Anh học theo chương trình quốc tế sẽ rất khó với phụ huynh ở khu vực nông thôn”.

Ở góc độ người làm giáo dục, thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội) cũng cho rằng, với những môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, không được dạy thêm học thêm sẽ là bất lợi lớn cho học sinh.

“Đây là 2 hành trang rất quan trọng để các em bước vào kỷ nguyên mới, thời đại 4.0, toàn cầu hóa, chúng ta đang hướng tới việc Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2. Trong khi đó, bậc tiểu học thời gian trên lớp không đủ để học sinh học tốt ngoại ngữ và cũng không phải phụ huynh nào cũng có thể tự dạy con em mình môn học này”, thầy Sở nói.

TS Đỗ Viết Tuân (Học viện Quản lý giáo dục) cho biết, bản chất Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm học thêm mà nhằm mục đích đưa việc dạy thêm học thêm vào quy củ, khắc phục những tiêu cực thời gian qua. Tuy nhiên cũng cần nhìn đến những nhu cầu học thêm có thực của học sinh.

Lấy ví dụ như việc dạy thêm Tiếng Anh ở bậc tiểu học, TS Đỗ Viết Tuân cho rằng, thời lượng học trên lớp chỉ đảm bảo giáo viên dạy ở mức cơ bản, không thể đáp ứng mục tiêu đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu học ngoại ngữ rất lớn, phụ huynh đều mong muốn con được bồi dưỡng thêm. Bên cạnh đó, hiện nay tuyển sinh lớp 6 tại nhiều trường chất lượng cao, hay trường tư thục cũng đều đưa ra yêu cầu về ngoại ngữ.

“Học sinh không thể dùng kỹ năng sống hay thể dục thể thao để xét tuyển vào lớp 6, yêu cầu của các trường vẫn phải là Tiếng Anh… Do đó, nhu cầu học môn này là rất lớn. Nhưng với quy chế như tại Thông tư 29, không chỉ giáo viên mà chính các trung tâm dạy thêm, học thêm, trung tâm ngoại ngữ cũng băn khoăn không biết mình có được dạy học sinh tiểu học hay không. Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể, cho cơ chế đàng hoàng để các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức dạy học môn Tiếng Anh cho phù hợp.

Nếu nhu cầu xã hội lớn, nhưng quy định không phù hợp, tự khắc các đơn vị sẽ có xu hướng tìm cách “lách luật”, họ hoàn toàn có thể công khai 1 chương trình dạy ngoại ngữ khác, trong khi đó nội dung giảng dạy vẫn có thể điều chỉnh. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các cơ quan quản lý, khi đó giám sát thế nào? Để tránh những hình thức biến tướng, cần có cơ chế rõ ràng để các đơn vị được hoạt động đàng hoàng”, TS Đỗ Viết Tuân nói.

Bên cạnh đó, TS Tuân cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem xét nhu cầu học thêm của học sinh cuối cấp. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, hiện nay trường công lập mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người học. Tức hàng năm sẽ có khoảng gần 40% học sinh phải ra học tại hệ thống trường GDTX, trường ngoài công lập hay học nghề. Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp có tính cạnh tranh cao, áp lực thi cử là rất lớn. Bởi vậy, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng là chính đáng. Nhưng nếu quy định không thu phí khi dạy thêm tại trường lại đang đẩy thế khó về các cơ sở giáo dục. Vấn đề này cần sớm có hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm

VOV.VN -Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, về lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm

VOV.VN -Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, về lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình.

Hà Nội ra văn bản chỉ đạo về dạy thêm, học thêm
Hà Nội ra văn bản chỉ đạo về dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.

Hà Nội ra văn bản chỉ đạo về dạy thêm, học thêm

Hà Nội ra văn bản chỉ đạo về dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm có quy định hướng dẫn về dạy thêm, học thêm
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm có quy định hướng dẫn về dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm có quy định hướng dẫn về dạy thêm, học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm có quy định hướng dẫn về dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành.